img

Sáng lập MCAS là chị Tâm Trang (còn gọi là SiSi), một người mẹ đơn thân có con bị tự kỷ. Mục đích lập nên MCAS không chỉ tạo môi trường cho con phát triển khả năng hội họa, mà còn là nơi giảng dạy (miễn phí) "liệu pháp nghệ thuật" (art therapy) dành cho trẻ tự kỷ.

MCAS tạo nên một sân chơi, một không gian sống mà ở đó các trẻ tự kỷ được đối xử bình đẳng, chan hòa, được gặp gỡ mọi người, và được mọi người trân trọng khả năng của các em qua các tác phẩm hội họa.

Tâm Trang và góc nhỏ yêu thương dành cho trẻ tự kỷ - Ảnh 1.

Chị SiSi (thứ hai từ trái sang) cùng hỗ trợ Minh Quân hoàn thiện bức tranh trong một lần lên lớp ở MCAS

Để bắt đầu, chị có thể chia sẻ về câu chuyện hình thành của MCAS?

Tôi có con trai bị tự kỷ, việc sáng lập MCAS là vì muốn tạo cho con một môi trường để con được là chính mình. Cũng giống như bao người mẹ khác, tôi cảm thấy hạnh phúc khi thấy được nụ cười hồn nhiên của con, và MCAS là một trường tốt để con tiến bộ mỗi ngày.

Nghe thật đơn giản nhưng hẳn để MCAS ra đời, có lẽ là một hành trình dài?

Con trai Dorjee của tôi ra đời khi tôi đã 40 tuổi, đến khi con 15 tháng tuổi, được chẩn đoán mắc hội chứng phổ tự kỷ. Là người mẹ đơn thân nên bao ước mơ, khao khát một cuộc đời bình an cho con dường như sụp đổ hoàn toàn. Liên tục trong 10 năm con lớn lên, tôi xoay trở đủ cách tìm phương thức dạy con tốt nhất, cho con theo học các trung tâm hoà nhập, các trường quốc tế… và rồi tôi nhận ra không phải con cứ vượt qua được các lớp đào tạo, có giấy chứng nhận, có giấy khen, lên lớp… là có thể hòa nhập xã hội.

Tâm Trang và góc nhỏ yêu thương dành cho trẻ tự kỷ - Ảnh 3.

Chị SiSi và con trai nhỏ Dorjee.

Dorjee có khiếu về hội họa và nghệ thuật gấp giấy Origami, trong thời gian giãn cách xã hội do Covid-19, khi để Dorjee tập trung vào các môn nghệ thuật yêu thích, con bắt đầu thể hiện cảm xúc, suy nghĩ rõ nét mà trước đó tôi chưa từng gặp. Tôi xác định đây chính là con đường để Dorjee thể hiện được bản thân, và MCAS ra đời.

Nếu để nói ngắn gọn về MCAS, sẽ là gì?

Là nơi dạy hội họa cho các bạn nhỏ tự kỷ, nơi kết nối các gia đình có con mắc chứng tự kỷ và lan tỏa yêu thương đến cộng đồng, MCAS cũng là nơi giúp trẻ tự kỷ phát triển khả năng giao tiếp, ở đó các bạn không bị phán xét và cũng không cảm thấy mình khác biệt.

Tâm Trang và góc nhỏ yêu thương dành cho trẻ tự kỷ - Ảnh 4.

Lớp dạy vẽ miễn phí cho trẻ tự kỷ ở MCAS vào mỗi thứ ba và thứ năm hằng tuần

MCAS với mục đích rõ rệt là dành cho trẻ tự kỷ, bản thân các bé đã gặp nhiều giới hạn về giao tiếp, về hòa nhập, để dạy các bé hẳn là khó?

Con trai Dorjee là cảm hứng để tôi lập nên MCAS, một không gian nghệ thuật và cũng là môi trường học tập tại nhà (homeschooling), mục đích để con được tiếp xúc với nhiều người, với các bạn đồng trang lứa. Tôi nhận ra mở phòng tranh thì dễ, dạy cho các con cũng không khó, bởi một khi các con đã thích hội họa rồi thì các con rất tập trung cho việc sáng tạo. Nhưng vẽ ra tác phẩm rồi làm gì? Liệu các con có sống được với những thứ mình làm? Vì mỗi ngày các bé vẽ một bức, hoặc hai ngày một bức, cả năm cũng trên trăm bức, và không thể nhờ cậy bà con cô bác, hàng xóm, người thân quen mua ủng hộ cả đời được. Nên từ ngay khi hình thành MCAS, tôi chú trọng không chỉ giúp các bé phát triển khả năng bản thân, mà còn giới thiệu các tác phẩm hội họa của các bé đến cộng đồng.

Tâm Trang và góc nhỏ yêu thương dành cho trẻ tự kỷ - Ảnh 6.

Buộc được dây giày cũng không phải là chuyện đơn giản với trẻ tự kỷ

Việc hoạt động của MCAS có đang như chị mong đợi?

Hiện tôi mở lớp miễn phí ở hai ngày trong tuần là thứ ba và thứ năm dành cho trẻ tự kỷ, tôi may mắn có sự đồng hành của các bạn tình nguyện viên là sinh viên trường ĐH Mỹ thuật, các họa cụ và giáo viên đứng lớp phục vụ cũng hoàn toàn miễn phí.

Tôi xác định đây là sân chơi không chỉ của riêng trẻ tự kỷ mà cả những trẻ em phát triển bình thường khác, tôi tổ chức nhiều lớp vẽ miễn phí mang tính cộng đồng cho mọi trẻ em và được nhiều phụ huynh ủng hộ, đem con mình đến tham gia cùng các trẻ tự kỷ. Đây là điều khích lệ tôi rất nhiều. Không gian nghệ thuật ở MCAS cũng giúp tôi lan tỏa kinh nghiệm nuôi trẻ tự kỷ đến cộng đồng các gia đình có đồng cảnh ngộ.

Không gian MCAS nhằm mang lại môi trường phát triển tốt cho trẻ tự kỷ

Trở lại câu chuyện tìm đầu ra cho các tác phẩm hội họa, vậy là MCAS tính đến câu chuyện phát triển nghề chứ không chỉ coi nghệ thuật là liệu pháp chữa trị cho trẻ tự kỷ?

Đúng, tôi và các bạn đồng hành xác định rõ là trao cho các bé một nghề, và đã là nghề thì phải làm sao sống được bằng nghề. Nhiều bạn ở đây vẽ rất đẹp, nhưng khi hỏi các bé bán tác phẩm của mình bao nhiêu, các em hồn nhiên lắm, bảo chỉ bán một đồng. Khả năng tự mưu sinh của các bé chắc chắn cũng là một giới hạn, do vậy MCAS định luôn vai trò sẽ giúp các con kinh doanh trên tác phẩm.

Tâm Trang và góc nhỏ yêu thương dành cho trẻ tự kỷ - Ảnh 8.

Không gian lớp vẽ MCAS qua nét hoạ của Dorjee

MCAS mới hình thành, các bé cũng chưa có nhiều kinh nghiệm thể hiện tác phẩm, vậy để làm thương mại, chị chọn theo hướng nào?

Để bán một bức tranh theo mức giá tác phẩm nghệ thuật thì khó, vì đúng là nét vẽ các con còn non nớt, và bán tác phẩm cũng chỉ được một lần, cũng không dễ tìm người mua, và hiển nhiên là không thể có giá cao, việc mua tranh dễ nghiêng theo hướng ủng hộ, thương cảm hơn là giá trị thực sự. Tôi không đi theo hướng đó. MCAS tìm đầu ra cho tác phẩm bằng việc khai thác hình ảnh của tác phẩm, in trên các sản phẩm đa chất liệu như áo thun, túi xách, khăn… Mỗi sản phẩm bán ra, tác giả sẽ nhận lại 50.000 đồng tiền tác quyền, không giới hạn số lượng sản phẩm và thời gian, nhờ vậy giúp các bé có khả năng tự mưu sinh bằng chính tác phẩm của mình, không chỉ trước mắt, mà lâu dài về sau. Phần lợi từ sản phẩm cũng được trích một phần vào quỹ của MCAS để mua họa cụ cho các lớp học.

Tâm Trang và góc nhỏ yêu thương dành cho trẻ tự kỷ - Ảnh 9.

MCAS là một góc nghệ thuật nhỏ xinh trên đường Trần Ngọc Diện, quận 2

Tâm Trang và góc nhỏ yêu thương dành cho trẻ tự kỷ - Ảnh 11.

Đồng hành cùng trẻ tự kỷ trong sáng tạo nghệ thuật ở MCAS

Vận hành một không gian đặc biệt với những con người cũng rất đặc biệt, vậy nguồn cảm hứng mang lại cho chị và cộng sự là gì?

Là thấy rõ sự phát triển, thay đổi cách tích cực của các bé. Có nhiều bạn ở nhà, dù cha mẹ biết là thích vẽ, nhưng chưa bao giờ đủ kiên nhẫn hoàn thiện một bức tranh. Ví dụ như bạn Minh Quân, ở nhà chỉ vẽ được hình đơn lẻ, nhưng đến lớp chỉ sau 4 buổi, bạn ngồi liên tục 3 - 4 tiếng miệt mài vẽ, hoàn thiện đầy đủ thành một tác phẩm. Cũng có thể do môi trường ở đây có đủ hoạ cụ, có cô giáo nên giúp các con hứng thú hơn.

Các bé khi đến MCAS cũng không hẳn chỉ để học vẽ, mà để chơi trong vui vẻ, tham gia các bài tập trị liệu, chẳng hạn nhặt đậu xanh gắn vào hình con mắt, đậu đen gắn vào hình mái tóc, các bé làm hàng tiếng đồng hồ, đấy cũng là cách trị liệu tốt cho não bộ.

Mỗi trẻ tự kỷ sẽ có những cách thể hiện, ứng xử, hoặc những rào cản khác nhau. Làm thế nào để chị vượt qua tất cả những khó khăn đó?

Mỗi trẻ tự kỷ sẽ là một thế giới khép kín, nhưng nếu kiên nhẫn gõ cửa, điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Nhờ có con trai Dorjee, tôi học được điều quý giá nhất là sự kiên nhẫn, tình yêu thương và tôi sẵn sàng hy sinh vì con vô điều kiện, với mục đích duy nhất là sự tiến bộ của con. Tôi tin rằng khi tiếp xúc với trẻ tự kỷ bằng sự hiểu biết, nhẫn nại, và một tình thương chân thành, chúng ta có thể mang lại cho các em cuộc sống bình thường, có khả năng phát triển bản năng thành nghề và được trân trọng.

Dự định lâu dài của chị là gì sau mô hình MCAS?

Bằng kinh nghiệm từ thực tiễn bản thân, tôi hướng đến việc hỗ trợ kết nối, nhân rộng mô hình để các trẻ tự kỷ có thêm cơ hội khơi gợi khả năng tiềm ẩn của bản thân và cảm hứng sáng tạo nghệ thuật. Tôi tin rằng các trẻ tự kỷ, nếu được hỗ trợ, đồng hành, và nuôi dưỡng tinh thần đúng cách thì sẽ trở thành những chiến binh.

Tâm Trang và góc nhỏ yêu thương dành cho trẻ tự kỷ - Ảnh 13.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.