Tâm Việt nghi ngược đãi trẻ gây xôn xao: Chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ lên tiếng

02/11/2019 09:16 GMT+7

Chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam cho biết sau khi trung tâm Tâm Việt bị phanh phui về cách nuôi, điều trị trẻ tự kỷ và bị nghi có dấu hiệu bạo lực, các thành viên trong hội rất giận dữ và đau xót.

Những ngày qua, dư luận và cộng đồng mạng xôn xao trước thông tin trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ thành kỷ lục gia Tâm Việt vốn được quảng cáo là “địa chỉ duy nhất trên thế giới điều trị được trẻ tự kỷ tuổi dậy thì” bị báo chí phanh phui sự thật trần trụi.

Chủ tịch mạng lưới Tự kỉ Việt Nam lên tiếng vụ Tâm Việt nghi ngược đãi trẻ

Cụ thể, học phí đắt đỏ nhưng cơ sở vật chất lại quá thô sơ, nghèo nàn. Việc vệ sinh lớp học, nhà vệ sinh cũng không được quan tâm. Trẻ tự kỷ, trẻ bị tâm thần và cả người lớn bị trầm cảm… đều được đào tạo chung với cùng một phương pháp: luyện xiếc với 4 kỹ năng. Dụng cụ luyện tập ít ỏi, không có đồ bảo hộ. Hàng chục học sinh nhưng chỉ có 2 thầy cô đứng lớp.

Thay vì nhẹ nhàng uốn nắn, giáo viên của Tâm Việt thẳng tay đánh hoặc nhục mạ khi học sinh không chịu tập luyện… Sự việc dấy lên nghi vấn bạo hành và ngược đãi học viên.

Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Phạm Thị Kim Tâm, Chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam (VAN) cho biết đây không phải là lần đầu bà nghe được những thông tin này.

Trung tâm Tâm Việt nổi lên sau sự thành công của Khôi Nguyên, cậu bé tự kỷ được xác lập kỷ lục gia Việt Nam với các kỹ năng biểu diễn xiếc thành thạo. “Từ năm 2012, khi Tâm Việt bắt đầu đào tạo Khôi Nguyên, chúng tôi hiểu đó là việc dạy cho một trẻ tự kỷ một kỹ năng hợp sở trường của trẻ, và trẻ tiến bộ nhanh trong kỹ năng đó, chứ không phải là chữa trị khỏi tự kỷ”, bà Kim Tâm cho biết.

“Chúng tôi vui mừng khi Khôi Nguyên có thành tích và vui vẻ với hoạt động mà bạn ấy yêu thích nhưng không xem đó là phát hiện đột phá hay hướng đi mới trong can thiệp tự kỷ được”, chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam tỏ ra không đồng tình với các phương pháp giáo dục mà ông Phan Quốc Việt, CEO Tâm Việt áp dụng.

"Tâm Việt chủ yếu dạy các em... làm xiếc chứ không phải chữa trị tự kỷ"

Lê Nam

Cũng theo bà Kim Tâm, rất nhiều thành viên trong Mạng lưới đã từng có ý kiến trên điễn đàn về những quảng cáo "quá so với sự thật" của Tâm Việt. “Sau này nhiều phụ huynh đã rời bỏ Tâm Việt có nói về những trải nghiệm không hay của con họ ở đó, như hoảng loạn, sút cân, ốm bệnh, nhưng họ cũng không có bằng chứng cụ thể. Họ không ghi âm ghi hình được”, bà Kim Tâm kể lại.

Về phương pháp dạy trẻ tự kỷ tại Tâm Việt, bà Kim Tâm cho rằng Tâm Việt đang dạy các em... làm xiếc là chủ yếu chứ không tập trung điều trị tự kỷ. “Một số phương pháp như hoạt động trị liệu hay điều hòa giác quan, hay bài tập về thăng bằng tiền đỉnh thì nó cũng có những bài tập như vậy. Trong dạy trẻ tự kỷ cũng có những bài tập cho trẻ đi xe đạp hay tung bóng hoặc đứng cân bằng, cũng có chứ không phải không, nhưng cái đó là chỉ là phần bổ sung", bà nói.

"Cần thêm những phương pháp hay bài tập khác để trẻ có thêm những phần về ngôn ngữ về giao tiếp, về nhận thức, chứ không phải đi xe đạp hay tung bóng… thôi mà trẻ có thể hết tự kỷ được. Tùy mỗi trẻ, có trẻ thích và có trẻ có khiếu với việc đó thì có thể nâng cao độ khó của những bài tập đó lên. Vấn đề của trẻ tự kỷ nằm ở giao tiếp xã hội và những kỹ năng để giúp trẻ có thể hòa nhập được xã hội chứ không phải là những kỹ năng để làm… xiếc,” bà Kim Tâm nói thêm.

Bên trong một cơ sở dạy trẻ tự kỷ tại Q. Bình Thạnh, TP.HCM. Ở đây, các em luôn được giáo viên khích lệ sau khi hoàn thành nhiệm vụ hoặc bài tập

Lê Nam

Sau khi Tâm Việt được phản ánh trên báo chí có dấu hiệu bạo hành trẻ tự kỷ, bà Kim Tâm cho biết các thành viên trong hội cảm thấy giận dữ và đau xót. “Có rất nhiều cách chăm sóc và dạy dỗ trẻ, cách can thiệp khoa học có kiểm chứng, có thể làm trẻ tiến bộ và sống vui vẻ hạnh phúc. Chúng tôi có một hệ thống hướng dẫn cha mẹ là A365. Chúng tôi chưa bao giờ công nhận đòn roi, chửi mắng và hình phạt là cách giáo dục trẻ”, bà chia sẻ.

“Hệ thống hướng dẫn can thiệp tại nhà A365, tủ sách tự kỷ, các bài viết chia sẻ trên nhóm, và các cuộc tập huấn phụ huynh do VAN tổ chức, cũng như sự ủng hộ của các nhà chuyên môn được đào tạo bài bản, là những điều mà phụ huynh có thể tin cậy được”, bà Tâm chia sẻ.

“Chúng tôi cũng mong phụ huynh tham gia vào quá trình can thiệp, vì các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra cha mẹ là người thầy tốt nhất với con tự kỷ. Có thể gửi con cho các trung tâm nhưng cha mẹ luôn phải đồng hành mới có hiệu quả cao. Chúng tôi cũng mong cơ quan quản lý nhà nước có sự kiểm tra giám sát chặt chẽ hoạt động của các trung tâm can thiệp tự kỷ, để không còn những sự việc đau lòng như vậy xảy ra nữa.”

Có thể gửi con cho các trung tâm nhưng cha mẹ luôn phải đồng hành mới có hiệu quả cao

Lê Nam

Vào tháng 6.2019, Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam từng gửi thư ngỏ kiến nghị các cơ quan chức năng, các cơ quan khoa học xác minh làm rõ một số nội dung như: “Tính pháp lý của Tâm Việt; Tính khoa học của những công bố của ông Phan Quốc Việt và của cơ sở này, về việc đã “phát minh hướng đi mới trong trị liệu tự kỷ’, “kích hoạt ngược thần kinh”, “công nghệ dịch chuyển đẳng cấp”…

Chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam gửi thư ngỏ này sau khi nhận được nhiều phản ánh từ thành viên, các phụ huynh có con gởi tại Tâm Việt, nhất là sau khi có 1 học viên đã tử vong tại Tâm Việt vào dịp hè vừa qua. Tuy nhiên, cho đến nay thư ngỏ này chưa nhận được sự phản hồi nào, bà Kim Tâm cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.