>> Tầm vóc Lê Hoàn - Kỳ 3: Dựng Hùng triều ngọc phả, ra oai với nhà Tống
>> Tầm vóc Lê Hoàn - Kỳ 2: Định yên bờ cõi
>> Tầm vóc Lê Hoàn - Kỳ 1 : Mệnh nước
|
Ông là ông vua đầu tiên khai thông sông ngòi, mở hệ thống đường thủy. Đại Việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) chép: “Khi vua đi đánh Chiêm Thành (982), qua núi Đồng Cổ đến sông Bà Hòa, đường núi hiểm trở khó đi, người ngựa mỏi mệt, đường biển thì sóng to khó đi lại, bèn sai người đào kênh. Đến đây đào xong (983), thuyền bè đi lại đều được thuận tiện”. Như vậy chỉ trong vòng 1 năm, một con kênh đã đào xong mà theo xác định của các nhà nghiên cứu, đó là con kênh nối từ sông Mã phía bắc Thanh Hóa (xã Yên Thọ, huyện Yên Định ngày nay) đến cực nam Thanh Hóa (xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia ngày nay), giáp với Nghệ An, từ đó thông ra biển. Năm 1003, hệ thống đường thủy được mở rộng và vươn dài ra sau khi ông cho vét sông Đa Cái, nối kênh Sắt phía bắc Nghệ An với sông Lam.
Trước đó (năm 992), ông đã cho 3 vạn người mở con đường bộ từ cửa biển Nam Giới (vùng Cửa Sót, Hà Tĩnh ngày nay) đến châu Đại Lý. Châu Đại Lý, theo Khâm Định Việt sử thông giám cương mục (KĐVSTGCM), là đất Thuận Hóa, đến thời Trần mới được cắt giao cho nước ta, nên lúc đó vẫn còn là lãnh thổ Chiêm Thành.
Hệ thống đường thủy nối các con sông song song với mở rộng hệ thống đường bộ được các triều đại sau đó từ Lý - Trần đến Lê - Nguyễn kế thừa và tiếp tục phát triển là sự nghiệp vĩ đại của dân tộc mà Lê Hoàn là người khai mở. Hệ thống đó không chỉ phục vụ trực tiếp dài lâu cho quốc phòng, phát triển sản xuất và lưu thông buôn bán, kết nối cộng đồng dân tộc, mà còn là tiền đề chuẩn bị cho công cuộc Nam tiến sau này (xem thêm loạt bài Kênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm).
Lê Hoàn là ông vua đầu tiên xuống ruộng cày tịch điền, mở ra một tiền lệ đẹp đẽ cho các vua chúa sau này. Triều đình khuyến khích người dân khai mở đất hoang, lập làng lập ấp, ruộng tư được duy trì và được phép mua bán. Triều đình sử dụng công dịch (một loại thuế thân, người dân phải chịu mỗi năm 10 ngày và có thể thay bằng tiền) để cày cấy ruộng công, sản phẩm nộp vào kho nhà nước. Riêng đất phong cho các công thần, chỉ để thu thuế, không được sở hữu, khi qua đời phải trả lại.
Hệ thống tưới tiêu được mở rộng do khai thông các con sông, cộng với tác dụng của các chính sách khuyến nông và thuế má nhẹ nhàng nên sản xuất phát triển, mùa màng bội thu, mà KĐVSTGCM từng nhắc tới: “Đâu đấy được mùa cả” (997).
Thủ công nghiệp cũng được chú trọng. Các nghề ươm tơ dệt lụa, rèn sắt đúc đồng, chế tác vàng bạc, đóng thuyền bè phát triển. Và mặc dù các sử gia chê Lê Hoàn lãng phí bằng việc đem vàng bạc trang sức cung điện, nhưng qua đó có thể thấy thời đó chúng ta có nhiều nghệ nhân trình độ cao. Và không phải ngẫu nhiên mà sử sách nước ta cũng như Trung Quốc đều nhắc tới việc Lê Hoàn bày nhiều của ngon vật lạ khi tiếp sứ nhà Tống với ý “khoe giàu”.
Kinh tế nhộn nhịp kéo theo văn hóa dân gian phát triển. Lê Hoàn là ông vua khai mở nhiều lễ hội, đua thuyền trở thành lệ bắt đầu từ đây. Chính nhà vua nhiều khi cũng tham gia múa hát. Tống Cảo, sứ thần nhà Tống, trong bản tường thuật gửi vua Tống còn cho biết chính Lê Hoàn nhảy múa và hát Khuyến tửu ca trong tiệc đãi sứ giả.
Nhưng tầm nhìn kinh tế của ông không chỉ dừng lại ở tư tưởng “dĩ nông vi bản”. Lê Hoàn và con ông là Lê Long Đĩnh có “tư duy kinh tế” vượt xa thời đại.
Mặc dù sử sách không có ghi chép gì nhiều về hoạt động thương mại thời Tiền Lê, nhưng đọc ĐVSKTT ta thấy vào năm 1009 Lê Long Đĩnh có một động thái rất đáng chú ý: sai sứ sang Tống “xin được đặt người coi việc tại chợ trao đổi hàng hóa ở Ung Châu, nhưng vua Tống chỉ cho mua bán ở chợ trao đổi hàng hóa tại Liêm Châu và trấn Như Hồng thôi”. Việc này ngang với ngày nay chúng ta đặt cơ quan đại diện thương mại ở nước ngoài. Nhu cầu mở rộng ngoại thương như vậy là bức bách, sự bức bách đó chắc chắn xuất phát từ hoạt động buôn bán trong nước rất nhộn nhịp thời Lê Hoàn.
Chợ trao đổi hàng hóa gọi là “hỗ thị”, KĐVSTGCM giải thích “hỗ thị” là “đem chỗ có đến chỗ không đổi chác lẫn nhau ở chợ”, từ đó một số nhà nghiên cứu cho rằng hoạt động ở đây chỉ là hàng đổi hàng. Tuy nhiên theo nhiều tài liệu, hàng hóa của Đại Cồ Việt bán sang Trung Quốc còn có vàng, bạc và tiền đồng. Nhà Tiền Lê đúc tiền từ năm Thiên Phúc thứ 4 (984), ngoài đồng tiền trong nước, Đại Cồ Việt còn lưu hành “ngoại tệ” là các đồng tiền đúc thời Đường và Tống của Trung Quốc. Tác giả Lê Văn Siêu, trong sách Việt Nam văn hóa sử, cho rằng thị trường ở đây không chỉ là thị trường hàng hóa mà còn là thị trường tiền tệ.
Hoạt động thương mại được triều đình khuyến khích bằng cách miễn thuế và trực tiếp hỗ trợ người buôn bán, mà việc Lê Long Đĩnh xin đặt “cơ quan đại diện thương mại” sâu trong nội địa Trung Quốc là bằng chứng.
Phương Tây hiện nay đi đầu về tự do thương mại, nhưng tư duy về thương mại của cha con Lê Hoàn đến nhiều thế kỷ sau vẫn còn xa lạ với phương Tây. Các sử gia phong kiến đương nhiên không thể hiểu được tầm nhìn của Lê Hoàn và của Lê Long Đĩnh. Và điều đáng buồn là cho đến gần đây tư duy của nhiều chuyên gia kinh tế bằng cấp đầy mình ở nước ta vẫn chưa được mới mẻ bằng tư duy của một ông vua ngàn năm trước…
Hoàng Hải Vân
>> Kênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm - Kỳ 6: Cần tôn vinh kênh nhà Lê
>> Kênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm - Kỳ 5: Nơi xuất phát những đoàn quân
>> Kênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm - Kỳ 4: Con đường nam chinh, bắc tuần
>> Kênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm - Kỳ 3: 800 năm đào kênh Sắt
>> Kênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm - Kỳ 2: "Dự án kinh tế - quân sự" của Lê Hoàn
>> Kênh nhà Lê - Kỳ tích nghìn năm: Khởi nguồn cho sự nghiệp nam tiến
Bình luận (0)