Từ cuối năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị cử đại tướng Nguyễn Chí Thanh vào Nam, thay mặt Bộ Chính trị trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với cương vị Bí thư Trung ương Cục và Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ông trở thành người đứng đầu trên chiến trường chống Mỹ.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam có đặc điểm khác với mọi cuộc chiến tranh trong lịch sử thế giới. Đương đầu với một đội quân xâm lược hùng mạnh nhất thế giới với trang bị vũ khí hiện đại nhất, Việt Nam chỉ có thể thắng nếu tiến hành cuộc chiến tranh toàn diện, huy động mọi nhân tài vật lực, sức mạnh và ý chí của toàn dân ở cả hai miền. Không có sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng Lao động Việt Nam với đường lối chiến lược thống nhất, với hệ thống tổ chức chặt chẽ, nhất quán và những quyết sách linh hoạt, tài tình, thì không thể thắng lợi được. Nhưng trên chiến trường miền Nam, cách rất xa trung tâm đầu não ở Hà Nội, trong điều kiện thông tin liên lạc không hề dễ dàng, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất sáng suốt khi cử một Ủy viên Bộ Chính trị - đại tướng Nguyễn Chí Thanh trực tiếp vào chiến trường để thay mặt Bộ Chính trị thống nhất lãnh đạo và chỉ huy cuộc chiến. Vì vậy, đại tướng Nguyễn Chí Thanh là người thay mặt Bộ Chính trị có toàn quyền quyết định trên chiến trường. Đó là một trong những điều kiện bảo đảm cho thắng lợi.
"Bám thắt lưng địch mà đánh"
Cho đến đầu năm 1965, khi chiến lược chiến tranh đặc biệt thất bại, Mỹ rơi vào thế bị động chiến lược, việc chuyển sang chiến lược chiến tranh cục bộ và mang quân trực tiếp xâm lược Việt Nam sau khi tiến hành hàng loạt các cuộc đảo chính để củng cố bộ máy cai trị, theo nhận định của Bộ Chính trị và đại tướng Nguyễn Chí Thanh, cũng là sự bị động chiến lược của Mỹ.
Khi đại tướng Nguyễn Chí Thanh vào chiến trường, ta bắt đầu xây dựng hàng loạt sư đoàn, trung đoàn quân chính quy chủ lực, hình thành đầy đủ 3 thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích), triển khai trên cả ba vùng chiến lược (miền núi, nông thôn, thành thị), tiến hành hai chân ba mũi giáp công (quân sự và chính trị; quân sự, chính trị, binh vận).
Xuất phát từ thực tế chiến trường, đại tướng nói: "Cứ đánh Mỹ khắc sẽ tìm ra cách đánh thắng Mỹ" và đề ra phương châm nổi tiếng "Bám thắt lưng địch mà đánh". Trận thắng Mỹ đầu tiên là trận Núi Thành (26.5.1965), một đại đội bộ đội địa phương và một phân đội đặc công tiêu diệt hoàn toàn một đại đội thủy quân lục chiến Mỹ. Bộ đội ta đã lót sát trận địa của địch, gần nhất là 1 mét và xa nhất chỉ 3 mét, làm vô hiệu hóa hỏa lực của địch. Trận Núi Thành tuy không lớn nhưng là trận đánh hạ uy thế của Mỹ và nâng cao sĩ khí cho quân ta.
Trận Vạn Tường là trận đầu tiên bộ đội chủ lực của ta đương đầu với quân tinh nhuệ Mỹ. Trong trận này, Mỹ có tổng cộng khoảng 9.000 quân, 105 xe tăng và xe bọc thép, 100 máy bay lên thẳng và 70 máy bay phản lực chiến đấu, 6 tàu chiến yểm trợ ngoài biển triển khai chiến dịch Starlight tấn công Sở Chỉ huy Trung đoàn 1 bộ đội chủ lực quân khu 5 và 1 đại đội bộ đội địa phương tỉnh Quảng Ngãi đóng ở Vạn Tường. Bộ Chỉ huy quân đội Mỹ nghĩ rằng họ hoàn toàn chủ động lựa chọn chiến trường phù hợp với sở trường và sử dụng hiệu quả phương tiện chiến tranh của họ, có thể kéo bộ đội ta đến địa hình mà họ phát huy hết hỏa lực. Tuy nhiên, mọi mũi tiến công bằng bộ binh, pháo binh, không quân, hải quân của Mỹ đều bị bẻ gãy. Ta đã tiêu diệt gần 1.000 lính Mỹ, bắn cháy 22 xe tăng và xe bọc thép, bắn rơi 13 máy bay, quân ta rút khỏi Vạn Tường một cách an toàn, hy sinh 50 chiến sĩ. Về trận đánh này, hãng AP (Mỹ) thuật lại lời một số sĩ quan Mỹ: "Trận đánh này giống như trận Okinawa trong Thế chiến thứ hai… Việt Cộng xuất hiện từ trong các hầm hố mà lính thủy đánh bộ không trông thấy. Việt Cộng xuất hiện thình lình cả đằng trước mặt và đằng sau lưng…". Chiến thắng Vạn Tường chứng minh quân và dân ta hoàn toàn có khả năng đánh bại quân xâm lược Mỹ.
Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn từng phân tích: 1959 - 1960, khi ta mới bắt đầu khởi nghĩa, quân địch 7, ta 1 (lúc đó không có Mỹ). 1960: địch 10, ta 1. 1961: địch 7, ta 1. 1962 - 1963: địch 5, ta 1. Từ năm 1965 (khi Mỹ vào nửa triệu quân nữa): địch 3, ta 1. Nhưng theo Bí thư thứ nhất, nếu tính lực lượng cơ động thì "ta 2, nó 1, ta mạnh gấp đôi nó", đó là chưa kể đến ai giữ vai trò chủ động trên chiến trường.
Sự thay đổi tương quan lực lượng này có công lao đặc biệt của đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ông vừa có kiến thức quân sự uyên bác, vừa có kinh nghiệm thực tiễn trong 9 năm chống Pháp, nghiên cứu kỹ lưỡng thực tế chiến trường miền Nam cũng như từng cách đánh của bộ đội. "Bám thắt lưng địch mà đánh" là một trong những phương châm vô hiệu hóa hỏa lực và phương tiện chiến tranh hiện đại của đối phương, biến đối phương từ mạnh thành yếu trên chiến trường.
Nhưng không chỉ có vậy. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nói: "Phải buộc đối phương đánh theo cách của ta chứ không để nó đánh theo cách của nó". Trong tương quan lực lượng giữa Mỹ và quân giải phóng, nguyên tắc này càng đặc biệt được chú trọng. Theo đại tướng, ta đã phân tán quân Mỹ mỏng ra khắp nơi, đẩy đối phương vào thế bị động cả tấn công và phòng thủ, không để họ đánh theo sở trường của mình, ông dùng hình ảnh dễ hiểu là buộc Mỹ phải "ăn cháo bằng nĩa". Còn ta thì hoàn toàn chủ động trên chiến trường, chỗ nào ta cũng có quân, đồng thời có điều kiện tập trung vào trọng tâm, trọng điểm để giành những thắng lợi quyết định. Ta sử dụng hiệu quả mọi loại vũ khí, từ thô sơ đến hiện đại. Khi cần thì lấy nhiều thắng ít, khi cần lại lấy ít thắng nhiều, đánh lớn cũng được, đánh nhỏ cũng được, kết hợp đánh lớn, đánh vừa và đánh nhỏ cũng được, đánh địch trong mọi tình huống, trên cả 3 vùng chiến lược. Đánh bằng du kích, đánh bằng bộ đội địa phương và đánh bằng những quả đấm thép của quân chủ lực. Đại tướng cho rằng trên chiến trường miền Nam diễn ra những cách đánh muôn hình vạn trạng, ở đâu cũng có sáng tạo những cách đánh mới.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từ chiến trường ra Hà Nội vào giữa năm 1967 để báo cáo tình hình với Bác Hồ và Bộ Chính trị, đồng thời báo cáo việc chuẩn bị kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968 để tạo bước ngoặt quyết định. Nhưng ông đã không kịp quay lại chiến trường nữa khi không may qua đời do một cơn đau tim vào ngày 6.7.1967, lúc mới 53 tuổi.
Ông là một nhà lãnh đạo lỗi lạc của Đảng, đồng thời là một thiên tài quân sự.
Có một giai thoại về đại tướng Nguyễn Chí Thanh thời chống Pháp được lưu truyền rộng rãi trong quân đội ta. Đó là câu chuyện một cán bộ quân đội mang đôi giày chiến lợi phẩm rất oách chuẩn bị qua suối. Anh ta nhìn qua hai bên nói: "Cậu nào cõng tớ qua suối tí". Lúc ấy, ông Nguyễn Chí Thanh mang dép cao su trên đường đi chiến dịch như một người lính, liền đưa vai cõng anh cán bộ. Đi được mấy bước, anh cán bộ thân mật hỏi: "Đồng chí ở đơn vị nào?". Ông Thanh: "Báo cáo anh, em ở Tổng cục ạ". Anh cán bộ hơi chột dạ: "Thế đồng chí ở Tổng cục nào?". "Dạ em ở Tổng cục Chính trị". Anh cán bộ bắt đầu hoảng: "Thế đồng chí làm nhiệm vụ gì trên đó?". Ông Thanh: "Dạ, em làm Chủ nhiệm ạ". Anh cán bộ hoảng sợ vừa nhảy xuống vừa van: "Em lạy thủ trưởng, em biết lỗi rồi, xin thủ trưởng tha cho em". Nhưng ông Thanh ghì chặt anh cán bộ trên lưng, không cho xuống: "Cậu cứ ở yên trên lưng để tôi cõng, không thì cả hai cùng ngã đấy, lính tráng cõng nhau thì có làm sao!".
Nghe câu chuyện nhiều người nghĩ anh cán bộ kia kiểu gì cũng bị kỷ luật, ít nhất là mất chức. Nhưng không, ông Thanh chỉ hỏi anh cán bộ kia ở đơn vị nào, giữ cương vị gì, rồi hỏi han tình hình vũ khí, lương thực, thuốc men, đời sống bộ đội và tình hình chiến trường, động viên anh cán bộ và nhắc đi nhắc lại rằng "lính tráng cõng nhau không vấn đề gì". Đó là câu chuyện do nhà thơ Hoàng Cầm chứng kiến, lúc đó "bám" ông Thanh trên đường đi thị sát chiến dịch Hoàng Hoa Thám (1951). Theo nhà thơ Hoàng Cầm, anh cán bộ được ông Nguyễn Chí Thanh cõng là tiểu đoàn trưởng, sau này lập công được thăng chức trung đoàn trưởng.
Bình luận (0)