Hôm nay 12.8, tại TP.Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa), Phân hiệu Trường ĐH Y Hà Nội tại Thanh Hóa đã tổ chức lễ bế giảng khóa 2 bác sĩ y khoa (2017 - 2023).
Tại buổi lễ, tân bác sĩ Nguyễn Tăng Lạc Long được vinh danh là thủ khoa của khóa học, là một trong 4 tân bác sĩ tốt nghiệp loại giỏi (trong số 115 tân bác sĩ) của khóa 2. Thật bất ngờ, chia sẻ với Báo Thanh Niên, Long cho biết hành trình đến với ngành y của anh bắt đầu từ một thất bại, đó là trượt đại học.
Không nản lòng trước thất bại
Long năm nay 25 tuổi, vốn là học sinh Trường THPT Đào Duy Từ (TP.Đồng Hới, Quảng Bình), tốt nghiệp THPT năm 2016. Suốt 3 năm học THTP, Long mơ ước trở thành bác sĩ, giống như bố mình. Nhưng với kết quả thi 22 điểm khối B, trong khi ngành y đa khoa của Trường ĐH Y dược - ĐH Huế (Y dược Huế) năm đó lấy điểm chuẩn là 26, Trường ĐH Y Hà Nội là 27, thì hành trình đi đến ước mơ trở thành bác sĩ của Long thật xa vời.
Được ba mẹ ủng hộ, Long đã quyết tâm ôn thi lại. Sau khi tìm hiểu, Long phát hiện Trường ĐH Y Hà Nội mới mở phân hiệu ở Thanh Hóa. Vì mới mở nên ít thí sinh biết đến, năm đầu tuyển sinh (2016) phân hiệu có mức điểm chuẩn thấp hơn hẳn trường chính. Vì vậy, trong kỳ tuyển sinh năm 2017, Long đã đặt nguyện vọng 3 tại Phân hiệu Thanh Hóa (2 nguyện vọng đầu là ở trường chính Trường ĐH Y Hà Nội và Y dược Huế).
Nhờ có nguyện vọng này, Long đã "thoát" được cảnh ngộ trượt đại học lần 2, khi điểm xét tuyển năm đó của anh được 27,25. Tuy vẫn "mang tiếng" là học tại phân hiệu nhưng thầy cô là từ Hà Nội vào dạy, các đòi hỏi về chất lượng không khác gì với sinh viên trường chính.
"Cơ sở vật chất của Phân hiệu Thanh Hóa hồi ấy chưa được đầy đủ như sau này, nhưng sự nhiệt tình, tâm huyết của các thầy cô thì tuyệt vời. Chính thế mà tôi càng thấy mình thật may mắn vì đã đặt nguyện vọng vào đây", Long chia sẻ.
Từ sinh viên trung bình đến thủ khoa khóa học
Long kể, năm đầu tiên học đại học, anh "qua môn" một cách khá chật vật. Trước hết là do chưa quen lắm với cách học đại học, thứ 2 là vì chưa hiểu hết tầm quan trọng của những kiến thức nền tảng mà một sinh viên y cần được trang bị nên việc học có phần lơ là.
Môn học khiến anh thấy vất vả nhất là lý sinh, kết quả trung bình cuối năm chỉ được 6 điểm. Hồi học phổ thông anh chỉ chú tâm học khối B (toán, hóa, sinh), môn vật lý gần như bỏ bẵng, trong khi để học tốt môn này đòi hỏi người học phải có kiến thức nền tốt về vật lý phổ thông.
Nhưng lên năm thứ 2, Long bắt đầu bứt lên nhờ tìm thấy sự hứng thú khi học các môn cơ sở ngành. Đặc biệt, từ năm thứ 3, khi được đi học lâm sàng ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, Long càng thấy yêu trường, yêu nghề y hơn.
"Các thầy cô (từ Hà Nội vào dạy) thì tận tụy với sinh viên. Các anh chị bác sĩ ở bệnh viện thực hành thì chỉ bảo nhiệt tình, dạy bảo chúng tôi rất tỉ mỉ, gần như cầm tay chỉ việc. Vì thế mà tôi chỉ tâm niệm một điều học, học, học…, học thật tốt để mai sau trở thành một bác sĩ giỏi", Long tâm sự.
Từ 6,9 điểm trung bình năm nhất, năm 2 Long đã tạo được bước ngoặt cho chính mình khi đạt điểm trung bình năm là 8. Các năm sau, điểm học tập càng ngày càng cao hơn. Năm thứ 6, Long được 8,67 điểm. Bị điểm năm thứ nhất kéo xuống nên điểm bình quân toàn khóa chỉ còn 8,22 điểm.
Những trải nghiệm quý giá về nghề y
Theo Long, thành quả mà anh gặt hái được trong hành trình 6 năm qua không phải là những điểm số đẹp, mà chính là bài học về y đức, thông qua những trải nghiệm quý giá của những buổi học lâm sàng, buổi thực tập tại bệnh viện.
Có lần trực ở Khoa Chỉnh hình và bỏng (Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa), Long được các bác sĩ gọi đến phụ mổ cho một bệnh nhân bị tai nạn giao thông. Sau đó vài ngày, khi đang học ở khoa thì Long thấy bệnh nhân tìm mình. Gặp Long, bệnh nhân mừng rỡ nói: "Tôi tìm cậu mãi…". Hóa ra, trong khi được đón cấp cứu ở bệnh viện, người bệnh đó đã ấn tượng về thái độ trìu mến, ân cần của Long nên cảm thấy vững tin và biết ơn, dù sau này biết anh chỉ là sinh viên đang thực tập.
Một lần khác, cũng ở Khoa Chỉnh hình và bỏng, Long được gọi phụ mổ một ca tai nạn giao thông, bệnh nhân là nam 20 tuổi, bị dập nát hoàn toàn 2 chân nên phải cắt cụt. Khi tỉnh dậy, bệnh nhân rất suy sụp khi biết tình cảnh của mình.
"Vì lần đầu chứng kiến, tôi như chết lặng trước sự tuyệt vọng của bệnh nhân, vì cảm giác mình bất lực trước điều mà họ đang phải đối mặt. Khi đó, mấy anh bác sĩ mổ cho bạn ấy đã ngồi xuống cạnh bạn ấy rất lâu để động viên. Trải nghiệm này giúp tôi hiểu ra một điều, bác sĩ không chỉ đơn giản là người cứu chữa cho bệnh nhân mà còn phải có sự đồng cảm, thấu hiểu để kịp thời là chỗ dựa tinh thần cho người bệnh vào thời khắc quan trọng", anh Long chia sẻ.
Dự định sắp tới của Long là đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi bác sĩ nội trú của Trường ĐH Y Hà Nội.
"Trong thời gian học lâm sàng ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, tôi được các bác sĩ Khoa Phẫu thuật thần kinh - lồng ngực chỉ bảo rất tận tình, nên rất ngưỡng mộ tay nghề và tâm huyết với nghề của các anh, đặc biệt là BS Nguyễn Tô Hoàng. Vì thế, tôi ước mơ trở thành một bác sĩ giỏi về tim mạch như các anh", anh Long cho biết.
Bình luận (0)