NSƯT Minh Vương gần đây mang đến khán giả những bài tân cổ giao duyên rất hiện đại do anh đặt hàng soạn giả Đăng Minh viết, kết hợp những bản hit mà giới trẻ yêu thích như Con bướm xuân, Vợ người ta hay phối tân nhạc vào bài cổ nhạc như Thằng Bờm, Ngẫu hứng Chí Phèo… Soạn giả Đăng Minh cho biết: “Tôi đã viết cho anh Minh Vương 10 bài, như Bạc trắng tình đời, Thao thức vì em, Lý con cóc, Nhỏ ơi, Tiên ở nơi đâu; mới nhất là bài Thằng Bờm và hiện đang thu, sắp phát hành bài Túy Ca, Áo dài ơi...”.
Với quan điểm muốn đưa cải lương và bài ca cổ đến gần với giới trẻ hơn, NSND Bạch Tuyết cũng đã có những bản vọng cổ được “chuyển thể” từ các bài nhạc trẻ được yêu thích như Em gái mưa, Lạc trôi, Người lạ ơi… Trong chương trình Sao nối ngôi năm 2017, con gái của đôi vợ chồng nghệ sĩ cải lương Châu Thanh và Ngọc Huyền Châu là Châu Ngọc Tiên đã có một tiết mục ấn tượng trong vòng thi Lội ngược dòng khi cô thể hiện một tiết mục ca cổ phối tiết tấu nhạc rock, rap, đặc biệt là hát điệu cải lương Mạnh Lệ Quân trên nền nhạc EDM (nhạc sôi động được tạo ra từ các thiết bị điện tử).
Hiện đại hóa đến mức nào ?
Soạn giả Hoàng Song Việt nhận xét, bây giờ tiết tấu của bài tân cổ giao duyên đã nhanh hơn ngày trước, lời ca cũng hiện đại hơn.
|
Nghệ sĩ Hồng Phượng, con gái của nghệ sĩ cải lương Hồng Nhung, cháu ruột của NSƯT Vũ Linh, vừa phát hành DVD cải lương Nối nghiệp cội nguồn, trong đó có những bài tân cổ giao duyên, nói: “Tôi nghĩ các bài tân cổ kiểu mới gây chú ý gần đây là ở điểm lạ nhưng chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến trái ngược. Với khán giả khó tính và nghe cải lương từ nhỏ thì sẽ khó chấp nhận, còn khán giả trẻ chưa hiểu cải lương hoặc người hâm mộ riêng của các nghệ sĩ nổi tiếng thì sẽ ủng hộ. Bản thân là ca sĩ hát dòng nhạc quê hương và có nguồn gốc gia đình theo cải lương truyền thống nên tôi lại thấy những bài tân cổ kiểu mới lạ quá và không cảm được”.
Soạn giả Hoàng Song Việt cho rằng dù “cách tân” đến đâu thì cũng phải giữ được nét đẹp của bài tân cổ giao duyên. “Đã gọi là giao duyên thì phần tân và phần cổ phải hòa quyện, hỗ trợ nhau để đẩy nội dung bài hát, tiết mục đó lên. Còn nếu biến đổi nhịp điệu của bài tân cổ sốc quá, sôi động quá thì nó đã gần như thành một bài nhạc trẻ, không còn nhiều chất cải lương nữa. Trong quá trình tìm kiếm những điều mới lạ cho cải lương thì tôi nghĩ đó cũng là một thử nghiệm. Nếu điều đó vẫn ở lại trong lòng công chúng thì tất nhiên nó sẽ tồn tại, còn nếu không thì 1 - 2 năm sau cũng sẽ tự đào thải”.
Bình luận (0)