Tấn công Syria: cuộc đọ sức giữa Tomahawk và S-400?

14/04/2018 10:53 GMT+7

Giới chuyên gia quân sự cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga có thể đánh chặn tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ phóng tới Syria, nhưng phải có điều kiện.

Hôm 11.4, Đại sứ Nga tại Li Băng Alexander Zasypkin tuyên bố mọi tên lửa của Mỹ tấn công Syria sẽ bị bắn hạ và thậm chí cả các bệ phóng tên lửa cũng sẽ bị tiêu diệt. Sau đó, Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo: “Nga nói sẽ bắn hạ mọi tên lửa nhằm vào Syria. Nga hãy chuẩn bị vì tên lửa sẽ đến. Những tên lửa tốt, mới và thông minh”.
Giới chuyên gia quân sự cho rằng nếu Mỹ tiến hành cuộc tấn công Syria, sẽ có màn đọ sức quyết liệt giữa tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ với hệ thống phòng không tiên tiến S-400 của Nga trên bầu trời Syria.
Hôm 9.4, tờ The Wall Street Journal dẫn một số nguồn tin cho hay khu trục hạm Mỹ trang bị Tomahawk là USS Donald Cook đang hiện diện ở Địa Trung Hải nên có thể tiến hành cuộc tấn công Syria bất kỳ lúc nào. Ngoài ra, khu trục hạm USS Porter cũng đang trên đường đến khu vực. Chính tàu này đã phóng Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat của Syria hồi tháng 4.2017.
Tàu khu trục USS Porter (DDG-78) Hải quân Mỹ
Tên lửa Tomahawk được biên chế cho hải quân Mỹ kể từ những năm 1980, có tầm tấn công khoảng từ 1.300 km đến 2.600 km và hoàn toàn có thể triển khai trên hơn 140 tàu ngầm và tàu chiến nổi của Mỹ. Tomahawk sở hữu một trong những đặc điểm ưu việt là có khả năng lập trình lại giữa hành trình bay. Ngoài ra, khi bay ở tầm thấp với tốc độ khoảng 900 km/giờ, Tomahawk có thể vượt qua phần lớn các hệ thống radar và phòng không thông thường.
Trong khi đó, S-400 được đưa vào biên chế từ năm 2007, trở thành hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất hiện nay của Nga. Moscow được cho là đã triển khai 6 hệ thống S-400 đến Syria kể từ năm 2015. Trong đó có một hệ thống đóng tại căn cứ không quân Hmeimim và một hệ thống ở căn cứ hải quân Tartus ở Syria.
S-400 là hệ thống phòng không mang theo 3 dạng tên lửa khác nhau, đủ sức bắn hạ các mục tiêu trên không dao động từ tầm gần đến tầm xa, với tầm hoạt động tối đa 400 km. S-400 còn có năng lực theo dõi 36 mục tiêu cùng lúc và phá hủy mọi mục tiêu trên không lọt vào tầm ngắm, bao gồm tên lửa đạn đạo và hành trình. Trong đó, tên lửa chủ yếu được sử dụng để đánh chặn tên lửa hành trình là loại 9M96, với xác xuất đánh trúng mục tiêu khoảng 70%, theo tờ The Telegraph.
Về lý thuyết, S-400 có thể đánh chặn tên lửa hành trình và các mục tiêu ở cách xa 400 km, nhưng một số chuyên gia cho rằng hệ thống này chỉ có thể đánh chặn được tên lửa Tomahawk bay ở tầm thấp và ở cự ly chỉ khoảng vài chục km. Báo Daily Beast dẫn lời chuyên gia  tên lửa Ted Postol thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) nhận định S-400 “có những hạn chế đáng kể về tầm hoạt động trong điều kiện thực chiến”.
Tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ tàu chiến Hải quân Mỹ
Ngoài ra, chuyên gia Justin Bronk thuộc viện nghiên cứu Anh RUSI nhận định S-400 có khả năng đánh chặn các tên lửa đơn lẻ, nhưng có thể bị đối phương vô hiệu hóa năng lực đánh chặn dễ dàng bằng cách tăng số lượng tên lửa cần thiết.
Hồi tháng 4.2017, hệ thống phòng không Nga không đánh chặn bất kỳ quả nào trong tổng số 59 tên lửa Tomahawk phóng vào căn cứ không quân Shayrat của Syria, trong đó có vài quả được cho là bay trong phạm vi cách bệ phóng S-400 tại Hmeimim chỉ gần 50 km. “Radar Nga hoàn toàn không phát hiện được chúng”, chuyên gia hàng không Áo Tom Cooper viết.
Nhà bình luận quân sự Anh Ewen MacAskill ước tính để hủy diệt hoàn toàn năng lực phòng không của Syria, Mỹ có thể phóng tới 240 quả Tomahawk và với số lượng này, Mỹ có thể xuyên thủng ô phòng không của Nga ở Syria. “Đối với Nga, trong bất kỳ cuộc xung đột nào với Mỹ, quan ngại lớn là một cuộc tấn công trong không gian vũ trụ quy mô lớn và kéo dài” , báo Business Insider dẫn lời chuyên gia về Nga Jeffrey Edmonds thuộc Trung tâm Phân tích hải quân (Mỹ), bình luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.