Tận cùng sự máy móc!

29/11/2021 04:18 GMT+7

Bí thư Huyện ủy Phú Ninh (Quảng Nam) yêu cầu từ cấp cơ sở đến chính quyền huyện kiểm điểm sau vụ hỗ trợ thiệt hại bão lũ 2.000 đồng ở xã Tam Vinh và buộc các địa phương khác tạm dừng chi tiền.

Mức phí để trả cho “bài học hỗ trợ 2.000 đồng” thật đắt...

Cầm trên tay 2.000 đồng hỗ trợ thiệt hại, một người dân ở H.Phú Ninh phân vân vì “chẳng biết mua được gì?”. Ông Vũ Văn Thẩm, Bí thư Huyện ủy Phú Ninh, cũng nghĩ như vậy và yêu cầu lãnh đạo Phòng Nông nghiệp, Thanh tra huyện và cả UBND huyện vào cuộc kiểm tra. Từ cấp cơ sở lên cấp huyện cũng phải kiểm điểm.

Theo giải thích của lãnh đạo UBND xã Tam Vinh, kiểm tra thiệt hại sau cơn bão số 9 xảy ra hồi năm ngoái, có gia đình hư hại 1 cây chuối nên xã đề xuất hỗ trợ 2.000 đồng, theo đúng hướng dẫn của Nghị định 02/2017 của Chính phủ. Ở xã này có thêm 31 trường hợp khác được ghi mức hỗ trợ dưới 10.000 đồng.

Thoạt xem, cách thực hiện hỗ trợ từ xã đến huyện khá kỹ lưỡng. Xã cử cán bộ thống kê thiệt hại, niêm yết danh sách, đề nghị UBND huyện cấp kinh phí, lại niêm yết danh sách phê duyệt, mời hộ dân đến ký nhận tiền… Nhưng trong “chuỗi” thống kê - đề xuất - phê duyệt ấy, không thấy ai thử đặt câu hỏi: Mức hỗ trợ tối thiểu đó liệu có san sẻ được gì, hay chỉ giúp tố giác về cung cách “làm cho xong chuyện”? Không ai đặt mình vào tâm trạng hụt hẫng của người dân sau ngót 1 năm xảy ra cơn bão. Có người ví von, nếu chạy xe từ nhà đến chỗ nhận tiền tốn hết 5.000 đồng xăng, thì xem như hộ dân thiệt hại do thiên tai lại… tiếp tục “thiệt hại” thêm 3.000 đồng.

Ông Chủ tịch UBND xã Tam Vinh nhìn nhận mức chi trả này “khó coi” nhưng không có cách nào khác hơn, người dân đề nghị thì xã ghi nhận. Liệu cán bộ xã đã “không còn cách nào khác”? Thực tế qua các đợt thiên tai địch họa, vẫn thấy nhiều nơi xử lý rất linh hoạt, biết cách vận động người dân nhường nhịn (nếu phần quà ít) hoặc chính quyền tính toán mua thêm vài món cấp thiết, có khi là vài quả trứng gà bù vào thành chục trứng, để phần quà đỡ “khó coi” hơn…

Bí thư Huyện ủy Phú Ninh cho rằng “thống kê” và “hỗ trợ” là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Thống kê cụ thể, không sót lọt là đúng; nhưng khi xác nhận, hỗ trợ lại cần phân tích, đánh giá, cân nhắc… Ông gọi thẳng đây là cách làm máy móc.

Nếu thiếu đi sự nhạy bén, thì những bảng thống kê, bảng danh sách dán ngoài trụ sở không “tương tác” gì nhiều với người dân. Quy trình xét duyệt, các thủ tục vì thế cũng trở nên xơ cứng. Có một thực tế, nhiều cán bộ cơ sở (lẫn cấp phê duyệt) vướng tâm lý sợ trách nhiệm sau những sự vụ rắc rối, tranh cãi, so bì hỗ trợ đền bù. Nhưng an toàn như vụ “hỗ trợ 2.000 đồng” thì quá kỳ quặc, và bài học này đắt giá cho rất nhiều nơi khác.

Lẽ ra, thiệt hại từ cơn bão số 9 năm ngoái có thể đã giải quyết xong sau một lần ký nhận tiền hỗ trợ. Nhưng có “cơn bão” mới đang hình thành khi làm lộ diện một thực tế hành xử trong thực thi công vụ. Chúng ta không chỉ cần cán bộ luôn biết tuân thủ quy định, mà còn cần cả những cán bộ có cảm xúc trước từng vụ việc, không quá máy móc kiểu robot.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.