Tại sự kiện, ông Christopher Abrams, Giám đốc phát triển môi trường và xã hội USAID Việt Nam cho biết tại Tuần lễ cấp cao APEC, hai bên sẽ khởi động hoạt động hợp tác nhằm xây dựng cơ chế DPPA (Hợp đồng mua bán điện trực tiếp) cho Việt Nam.
Cơ chế DPPA sẽ cho phép các doanh nghiệp mua năng lượng tái tạo ở Việt Nam với mức giá cạnh tranh hơn, đồng thời tạo cơ hội kinh doanh mới cho các công nghệ năng lượng sạch đẳng cấp thế giới, ông Abrams cho biết tại cuộc họp báo ở Đà Nẵng bên lề Hội nghị APEC.
Theo ông Abrams, DPPA cũng sẽ thúc đẩy đầu tư, góp phần phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Cuộc họp báo có sự hiện diện của tân Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink và đây là lần đầu tiên ông Kritenbrink tiếp xúc với báo giới sau khi nhận nhiệm vụ.
Cùng tham dự còn có ông Ray Washburne - Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Cơ quan Đầu tư tư nhân hải ngoại (OPIC) Mỹ, ông Thomas Hardy - Giám đốc Cơ quan Thương mại và Phát triển Mỹ và ông Michael Green - Giám đốc USAID Việt Nam, cùng với đại diện các doanh nghiệp toàn cầu ủng hộ cơ chế DPPA như ABB, Nike, Citibank...
tin liên quan
Việt-Mỹ tăng cường hợp tác về năng lượng tái tạo(TNO) Bộ Công Thương VN và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) ngày 29.7 nhất trí hợp tác tăng cường các chính sách về năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng để thúc đẩy phát triển phát thải thấp bền vững ở VN.
Đại diện các doanh nghiệp khẳng định nhu cầu cấp thiết phải mở rộng và đơn giản hóa việc tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo và cam kết hợp tác với Bộ Công thương và USAID để hoàn thành mục tiêu này.
Theo các chuyên gia, hoạt động hợp tác là điều kiện thuận lợi giúp Việt Nam hướng đến mục tiêu tăng sản lượng năng lượng tái tạo từ năng lượng mặt trời và năng lượng gió lên 1.650 MW vào năm 2020 và 18.000 MW vào năm 2030.
Trước đó vào ngày 7.11, Tập đoàn đầu tư tư nhân ở nước ngoài (OPIC) ký cam kết với Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và Cơ quan Bảo hiểm xuất khẩu và đầu tư của Nhật Bản (NEXI) nhằm hỗ trợ đầu tư tại các thị trường mới nổi. OPIC là cơ quan chuyên cung cấp tài chính cho phát triển trực thuộc Chính phủ Mỹ.
Các đối tác trong thỏa thuận cam kết giải quyết các thách thức và thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng, năng lượng và các lĩnh vực then chốt ở châu Á, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm đến Tokyo hôm 6.11 nhận định rằng các thỏa thuận như trên là “sự phát triển lớn thúc đẩy lợi ích chung cùng chia sẻ trong khu vực”.
Bình luận (0)