Tận diệt chim sẻ giữa thành phố

01/05/2018 08:09 GMT+7

Người ta dùng các loại bẫy tự chế, keo dính để bắt các đàn chim sẻ đem bán cho người khác phóng sanh, hay bán cho quán nhậu!

Nhiều cách tận diệt
Chúng tôi được L.V.P (người chuyên bẫy chim sẻ tại TP.HCM) cho đi theo bẫy chim. Nhóm của P. gồm 3 người, dụng cụ mang theo là rập bằng lưới, lúa và chim mồi. Họ đến bãi đất trống dọc đường Nguyễn Văn Linh (Q.7) để đặt bẫy. Sau khi chọn được vị trí, P. giăng sẵn chiếc bẫy lưới, cột dây cố định, cột chim sẻ làm mồi vào bẫy và cho lúa vào. Bẫy này được kết nối bằng sợi dây dài với P. ẩn nấp cách đó gần 100 m. Khi thấy thức ăn, chim mồi, đàn chim sẻ đáp xuống đậu vào vị trí bẫy thì P. bất ngờ giật mạnh sợi dây, bẫy sẽ nhốt chim sẻ lại. Họ bắt những con chim dính bẫy bỏ vào lồng và tiếp tục bẫy đàn sẻ khác. Hơn 2 tiếng đồng hồ đặt bẫy tại đây, nhóm của P. bắt được gần 50 con chim sẻ.
Chim sẻ bị dính bẫy

P. cho biết mỗi ngày đi từ lúc 6 - 15 giờ bắt khoảng 50 - 100 con chim sẻ, đem bán ở gần khu vực cầu Mống giá 6.000 đồng/con. Địa bàn săn chim sẻ là Q.2, Q.7, Q.9… Những ngày mưa chim sẻ xuống nhiều, đứng ăn lâu nên bẫy được nhiều; còn trời nắng nóng thì rất khó bẫy. Điều quan trọng là giữ chim sẻ còn sống để bán được giá cao.
Phóng sanh dưới hình thức đặt hàng người đi bắt về bán lại không khác gì “phóng tử”. Vì mình đặt hàng thì người ta mới bẫy chim rồi nhốt trong lồng. Một cái lồng nhỏ mà cả trăm con chim bị nhốt, khi thả ra nhiều con bay không được, có nhiều con bị chết trước khi phóng sanh
Nhà sư Thích Nhật Từ

“Bẫy chim sẻ rất đơn giản, mà không bị ai xử lý. Chỉ cần chịu khó đi xa trung tâm sẽ bắt được nhiều. Chim sẻ hiện hiếm dần, nên giá ngày càng cao. Người ta mua chủ yếu bán đặc sản ở các quán nhậu và dùng để phóng sanh”, P. cho biết thêm.
Có nhiều người làm bẫy chim là một cây sào dài, keo dính và một máy phát ra tiếng chim. Chúng tôi gặp ông D. khi ông đang đặt bẫy trước cổng một trường tiểu học tại Q.1. Ông D. “hành nghề” bắt chim sẻ 4 năm nay, mỗi ngày bắt gần 100 con, bán 6.000 - 7.000 đồng/con. Mỗi ngày ông đi nhiều con đường ở TP để tìm, bẫy chim sẻ. Khi phát hiện nơi nhiều chim sẻ, ông D. lại gần quấn keo dính vào cây mang theo, đem treo ở góc vắng người (gần bầy chim sẻ) và cho máy phát tiếng chim sẻ, để dụ nhiều chim bay lại đậu trên cây được quấn keo và... dính vào đó. Trong 1 giờ, ông D. đã bắt hơn 30 con chim sẻ. Ông D. cho biết, chim sẻ được ông giao cho nhà hàng ở Q.3, Q.7, Q.8 và bán cho những đầu nậu thu mua chim phóng sanh tại Q.5, Q.8, Q.Phú Nhuận.
Bán 100 - 300 con mỗi ngày
Những người bẫy chim sẻ bán chủ yếu cho đầu nậu tại khu vực cầu Mống (Q.1), sau đó chim được bán lại cho quán nhậu và những người bán chim phóng sanh tại các cổng chùa. Tại quán nhậu trên đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7), trong thực đơn có nhiều món làm từ chim sẻ giá từ vài trăm nghìn đồng/món. Theo tìm hiểu, chim sẻ quán này mua lại từ các đầu nậu thu mua chim sẻ từ những người đi săn giá 9.000 - 10.000 đồng/con.
Tại một ngôi chùa ở Q.5, mỗi ngày có nhiều người đến thắp hương, phóng sanh. Trước khu vực cổng chùa có 3 người kinh doanh chim phóng sanh. Bà Th. (20 năm buôn bán chim phóng sanh) trước cổng chùa này cho biết: “Chim phóng sanh chủ yếu là chim sẻ, được mua từ bên cầu Mống về bán lại. Mỗi lần thả chim phóng sanh, người mua ít thì cũng 10 - 20 con, có người mua cả trăm con. Mối quen thì thường họ gọi điện rồi mình giao đến tận nhà. Mỗi dịp rằm, đầu tháng, lễ tết là bán được nhiều chim phóng sanh. Lúc cao điểm, mỗi con chim sẻ bán 15.000 - 20.000 đồng”. Trung bình mỗi ngày bà Th. bán từ 100 - 300 con chim phóng sanh.
Đừng tiếp tay cho việc tận diệt chim
Tại TP.HCM còn rất nhiều nơi bày bán các loại chim phóng sanh ngay trước cổng chùa.
Theo nhà sư Thích Nhật Từ - tiến sĩ triết học, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM, Phó ban Giáo dục tăng ni Trung ương Giáo hội Phật giáo VN, trụ trì chùa Giác Ngộ: “Một trong những phẩm chất cao quý của Đức Phật là tâm từ bi, tâm từ bi giúp chúng ta có nhận thức rằng quyền bình đẳng sự sống không chỉ cho con người mà còn mở rộng cho các loài động vật khác. Vì vậy, việc phóng sanh trở thành tập tục lâu đời của Phật giáo”.
Nhóm của P. bẫy chim bằng rập lưới Ảnh: Phong Thanh

“Theo quan niệm cá nhân tôi, phóng sanh dưới hình thức đặt hàng người đi bắt về bán lại không khác gì “phóng tử”. Vì mình đặt hàng thì người ta mới bẫy chim rồi nhốt trong lồng. Một cái lồng nhỏ mà cả trăm con chim bị nhốt, khi thả ra nhiều con bay không được, có nhiều con bị chết trước khi phóng sanh. Việc này mang tính chất xúi giục, đặt hàng, yêu cầu người khác thì việc phóng sanh sẽ không còn ý nghĩa nữa”, nhà sư giải thích và cho biết trường hợp ai tình cờ thấy các con vật do người dân bắt, khi đó bỏ tiền túi để mua lại, tạo cơ hội cho con vật đó trở về cuộc sống, đó là những tình huống được khích lệ cao nhất vì nó có ý nghĩa. Ngày nay nhiều người xem việc phóng sanh như là cơ hội đánh đổi phước, họ mua phước thông qua hành động thả chim. “Tôi thấy tình trạng bẫy chim trời, bán lại cho người đi chùa phóng sanh là rất phản cảm và trái với ý nghĩa từ bi ban đầu của hành động phóng sanh. Các phật tử đừng vô tình tạo ra các hành động phóng tử là rất phản cảm. Đừng tiếp tay cho những người đi sát hại chim trời”, nhà sư cho biết thêm.
Bà Tuyết Mai (người nhiều năm cho chim sẻ ăn tại khu vực Thảo Cầm Viên, Q.1) rất bức xúc trước những người đi bắt, tận diệt chim sẻ. “Tôi thấy họ thường xuyên tới đây gài bẫy keo bắt chim sẻ. Nói thì bị họ đe dọa”, bà Mai nói. Theo bà Mai, việc nhiều người chưa nhận thức đúng, đủ về ý nghĩa việc phóng sanh nên đã vô tình tiếp tay cho “đội quân” đi bẫy, săn bắt để tận diệt chim sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.