Tận dụng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

25/04/2020 07:51 GMT+7

Chiều qua (24.4), Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh chủ trì cuộc họp bàn về việc đưa sản xuất sớm trở lại trạng thái bình thường để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho hay 2 tháng dịch vừa qua đã chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của một số lĩnh vực như thanh toán trực tuyến, học từ xa, khám bệnh qua mạng. Bên cạnh đó, dịch cũng tạo ra cơ hội lớn cho công nghiệp để cung ứng vật tư thiết bị y tế, từ khẩu trang, thiết bị bảo hộ cho đến các thiết bị khó hơn là máy thở thì doanh nghiệp (DN) VN cũng hoàn toàn làm được. Đáng chú ý, ông An cho rằng, mặc dù từ tháng 2 đã có những dấu hiệu khó khăn nhưng kết thúc quý 1, xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng 7,5%, trong đó vào Mỹ vẫn tăng 18 - 19%, Trung Quốc tăng hơn 20% hay có 5/9 mặt hàng nông sản như điều, cà phê vẫn tăng trưởng xuất khẩu, hoặc đồ gỗ tăng 13% thì rõ ràng cơ hội tiềm ẩn trong đó rất lớn.
Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho biết thêm thuận lợi hiện nay là các nước bắt đầu kiểm soát dịch, muốn thông thương trở lại sớm, đồng thời có các gói kích thích kinh tế nên DN nội có thể tận dụng. “Rất cần xúc tiến thương mại trực tuyến, phân tích tình hình các thị trường để DN tận dụng. Cùng với đó, đối với các DN đầu tàu, ví dụ như Samsung thì cần hỗ trợ DN giải quyết vấn đề thông thương để nhập nguyên liệu, tháo gỡ các khó khăn về nhân lực, lao động do thời gian qua thực hiện giãn cách xã hội”, ông Chính đề xuất.
Trong khi đó, bà Lê Hoàng Anh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, cho hay điểm tích cực là hiện nay các nước Nhật Bản và Hàn Quốc đang có chủ trương “hướng nam” bằng cách hỗ trợ các DN đa quốc gia tập trung phát triển chuỗi cung ứng vào khu vực ASEAN, trong đó có VN nên đây là cơ hội lớn để DN nội tận dụng.
Đồng tình quan điểm này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh việc dịch Covid-19 làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu cũng là cơ hội của VN khi các chuỗi này được thiết lập trở lại. “Vậy liệu chúng ta có tận dụng được khi các chuỗi này được thiết kế lại, ví dụ chuỗi cung ứng linh phụ kiện cho sản xuất ô tô, hay công nghiệp chế biến chế tạo, lương thực thực phẩm”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu vấn đề.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Tuấn Anh yêu cầu các vụ, cục sớm làm việc với từng ngành hàng, DN, nhất là các ngành trọng điểm, đóng góp cho xuất khẩu, vốn là động lực kinh tế như dệt may, da giày, điện tử… để xem từng khối cần hỗ trợ gì nhất.
Ông Tuấn Anh cho rằng giờ là lúc các ủy ban hỗn hợp về kinh tế hoặc ủy ban hợp tác song phương cần phát huy vai trò nhất để bàn với các nước, các đối tác nhằm tăng cường liên kết, khơi thông thị trường, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc. Theo đó, ông yêu cầu với thị trường ngoài nước thì các vụ, thương vụ phải nghiên cứu tình trạng hiện nay, điều kiện để tiếp cận, hay ngành nào có điều kiện tái cơ cấu chuỗi cung ứng và cả các biện pháp để bảo vệ các ngành hàng, sản phẩm của VN trước nguy cơ bảo hộ thương mại.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng lưu ý thêm Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng cần sẵn sàng hỗ trợ, phổ biến, giúp đỡ DN để họ thích nghi tốt hơn. Ông Vượng yêu cầu Cục Điều tiết điện lực sớm triển khai gói hỗ trợ giảm giá điện 11.000 tỉ đồng, không để người dân, DN bị phiền toái vì phải chứng nhận thủ tục để được hỗ trợ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.