Tận dụng thời gian thực tập để tìm việc làm

28/08/2018 10:18 GMT+7

Sinh viên (SV) phải biết tận dụng khoảng thời gian thực tập ở các cơ quan, doanh nghiệp để trải nghiệm thực tế và tích lũy kinh nghiệm làm hành trang khi ra trường tự tin hơn trong quá trình xin việc ...

Chị Lê Thị Thùy Nga, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Worldjobs (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), từng làm giám đốc nhân sự gần 20 năm tại một tập đoàn lớn, chia sẻ: “Lời khuyên chân thành của tôi với các bạn SV trong quá thực tập ở các cơ quan, doanh nghiệp là đừng bao giờ cho rằng thực tập là để hoàn thành thủ tục ra trường mà phải thực tập nghiêm túc. Các bạn phải tận dụng thời gian quý báu ấy để tranh thủ làm việc, học hỏi, trải nghiệm thực sự. Điều này giúp các bạn có kiến thức đầy đủ hơn về môi trường làm việc thực tế, để khi chính thức ra trường xin việc các bạn cảm thấy tự tin, cũng như để nhà tuyển dụng đừng nhận xét SV mới ra trường không có kinh nghiệm”.

Chị Nga cho biết thêm, SV mới ra trường cần chuẩn bị “tâm thế” khi đi xin việc. “Các bạn cần phải tìm hiểu kỹ về văn hóa, vị trí của các công ty mà mình muốn ứng tuyển. Ngoài những thủ tục, giấy tờ văn bằng cần có, trong hồ sơ xin việc, cần có một lá thư riêng tự giới thiệu về bản thân để nhà tuyển dụng hiểu hơn về bạn”, chị Nga nói.
Cũng theo chị Nga, rất nhiều SV cho biết họ ứng tuyển rất nhiều công ty, nộp hồ sơ xin việc khắp nơi để công ty nào mời thì đi phỏng vấn thử xem sao. “Đừng bao giờ chuẩn bị cho mình tâm thế đó. Chúng ta không bao giờ thử mà chắc chắn thành công cả. Bởi vì thử, đồng nghĩa với việc tự cài đặt cho mình kết quả thất bại. Thử là có thể được và không được”, chị Nga khuyên.
Còn theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Q.Thủ Đức (TP.HCM), khi vào doanh nghiệp thực tập, SV phải biết mình đang thiếu gì và cần gì để chủ động hỏi người hướng dẫn. “Nhiều SV khi vào doanh nghiệp thực tập cứ trách người hướng dẫn không chỉ cho họ. Thay vì vậy, SV cần chủ động hỏi những điều mà mình chưa biết, chưa hiểu. Đừng bao giờ trông chờ vào người hướng dẫn theo kiểu cầm tay chỉ việc”, ông Vĩnh nói.
Ở góc độ nhà tuyển dụng, ông Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty TNHH Lê Nguyễn (Q.Tân Phú, TP.HCM), góp ý: “Ngoài việc trang bị những kỹ năng giao tiếp, tác phong công nghiệp, nhà trường cần chú trọng dạy thêm cho SV về kỹ năng soạn thảo văn bản trước khi tốt nghiệp”.
Ông Đức chỉ ra một số điểm yếu cần khắc phục: “Nhiều SV khi bước vào môi trường làm việc nhưng không biết soạn thảo những văn bản cần thiết như: viết kế hoạch, báo cáo trình lãnh đạo, viết email gửi đối tác... Đây là những điều rất cần thiết nhưng SV ra trường rất thiếu và yếu về việc này”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.