Tận dụng thực phẩm 'cây nhà lá vườn' trong dịch Covid-19

15/07/2021 07:18 GMT+7

Trong bối cảnh dịch Covid-19 lan ra các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, các bạn trẻ và gia đình tại vùng quê tận dụng những sản vật tự trồng, tự nuôi…để làm nguồn thực phẩm cho những ngày giãn cách xã hội .

Ra vườn hái rau, nhặt trứng

Gia đình của các bạn trẻ ở vùng quê tận dụng mọi thứ nông sản tại nhà để có được những bữa cơm đủ chất trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng và giá cả các loại thực phẩm tăng cao.
Ung Thị Kim Thoa, sinh viên Trường ĐH Cần Thơ, cho biết cô đã từ TP.Cần Thơ trở về nhà tại H.Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, để tránh dịch Covid-19, nhưng gần khu vực cô sinh sống cũng vừa có ca nghi nhiễm.
"Để hạn chế đến nơi tập trung đông người như chợ và tiết kiệm chi phí sinh hoạt, tôi ra sau vườn hái rau, nhặt trứng từ bầy vịt cũng đủ để có được bữa cơm ngon. Còn cha tôi thì mang lưới, cần câu ra ao sau vườn để bắt cá làm khô, gà vịt nuôi cũng khá nhiều nên có thể giúp gia đình tôi nhẹ lo về chuyện ăn uống trong mùa dịch này”, Kim Thoa kể.
Nữ sinh viên cảm thấy may mắn khi được trở về nhà trong thời gian này vì có rất nhiều người phải mắc kẹt lại thành phố chật vật với cái ăn hàng ngày. Cô hy vọng dịch Covid-19 sẽ sớm được đẩy lùi để những người xa quê được trở về với gia đình.

Ra sau vườn đốn măng, vài con khô,..là đã có bữa ăn đủ chất

NVCC

“Hy vọng khi đồ ăn hết thì dịch Covid-19 cũng hết!"

Trở về nhà tránh dịch trước khi TP.HCM có lệnh giãn cách xã hội, cô giáo Đặng Thùy Trang (23 tuổi) không ngờ quê nhà ở huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh có trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19. Thế là, cả xóm hạn chế ra đường, ở nhà có gì ăn nấy.
Hơn 20 ngày qua, cả nhà cô Thùy Trang chỉ ăn 2 món chính là gà thả vườn và tôm nuôi dưới ao. “Cha tôi có nuôi một đàn gà thả vườn, thế là mỗi ngày một món gà luộc, gà sả ớt, gà kho gừng,…đến nổi khi nghe tới chữ “gà” là cả nhà ai cũng ớn lạnh", Thùy Trang chia sẻ.
Tuy thực phẩm không phong phú như ngày thường nhưng cô giáo trẻ cảm thấy bản thân may mắn hơn rất nhiều người trong vùng tâm dịch phải xếp hàng giữa trời nắng hàng giờ liền để có cái ăn.
Sau khi “xử lý” hết đàn gà ta, gia đình cô tính tới phương án “vét sạch” ao tôm nuôi trước nhà. “Mỗi ngày một món tôm. Tôi hy vọng khi tôm hết thì dịch cũng hết”, Thùy Trang nói.
Ngoài nguồn thức ăn từ vật nuôi, gia đình cô còn trồng thêm các loại như rau muống, cải,…và hái thêm rau vườn để có được bữa ăn đủ chất.

Không quá cầu kỳ,  món cá kho mặn mòi cũng đủ ấm lòng vượt qua mùa giãn cách

Nguyễn Điền

Hồ Thị Phương Giang, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cảm thấy hoang mang khi quê cô ở tỉnh Bình Phước có ca dương tính với Covid-19.
Để hạn chế ra đường trong những ngày này, gia đình cô mua cá về làm khô, linh hoạt chế biến các món ăn từ những thứ sẵn có trong vườn nhà như hạt điều, măng tre…
“Chỉ cần chịu khó ra sau vườn kiếm ít rau nấm, đốn vài cây măng là gia đình cũng đã có cái ăn để hạn chế đến những khu chợ đông đúc. Việc ăn uống bây giờ chỉ cần đủ chất, duy trì được sức khỏe tốt và điều quan trọng trên hết là mỗi người phải ý thức để ngăn chặn việc lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng. Tuy có phần thiếu thốn nhưng ở quê nhà vẫn hơn”, Phương Giang nói.
Phương Giang hy vọng mọi người dân giữ tinh thần lạc quan, nghiêm túc thực hiện việc giãn cách xã hội phòng dịch Covid-19 để cuộc sống được sớm trở lại bình thường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.