Tân Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM: Ghế giám đốc bệnh viện nào cũng 'nóng'

29/12/2022 11:33 GMT+7

Ngay sau khi nhận quyết định bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, bác sĩ Lê Anh Tuấn đã trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Thanh Niên .

Sáng 29.12, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM PGS-TS Tăng Chí Thượng trao quyết định điều động, bổ nhiệm thạc sĩ, bác sĩ CK.2 (BS) Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, giữ chức vụ Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM (BV Mắt). Thời gian giữ chức vụ là 5 năm, bắt đầu từ ngày 1.1.2023.

Bác sĩ Lê Anh Tuấn, tân Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM

DUY TÍNH

Vinh dự nhưng trách nhiệm nặng nề

Xin chúc mừng BS đã được Sở Y tế điều động, bổ nhiệm làm Giám đốc BV Mắt TP.HCM sau khi vượt qua 24 ứng viên khác. Cảm giác hiện tại của BS như thế nào?

BS Lê Anh Tuấn: Tôi rất bất ngờ. Vì cũng như hầu hết các ứng viên khác, mục tiêu ban đầu tôi tham gia cuộc thi là để rà soát lại các kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn của mình trong quản lý BV, xem có đáp ứng được yêu cầu của ngành trong thời gian tới hay không, chứ chưa từng nghĩ đến trúng tuyển chức danh Giám đốc BV Mắt.

Được giao chức vụ Giám đốc BV Mắt là một vinh dự, nhưng cũng là thách thức rất lớn với tôi. Tôi nhận thức rõ được sự kỳ vọng của lãnh đạo TP, lãnh đạo ngành y tế, tập thể cán bộ nhân viên BV Mắt về việc BV nhanh chóng ổn định để tiếp tục phát triển, xứng tầm một trung tâm chuyên sâu.

Là người có số điểm cao nhất trong 25 ứng viên, BS đã chuẩn bị gì cho 2 vòng thi để đạt kết quả đó?

BS Lê Anh Tuấn: Về chuẩn bị, Phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế và Ban lãnh đạo BV Mắt đã chủ động cung cấp tất cả tài liệu cho các ứng viên cần ở 2 vòng thi. Các ứng viên đều được tạo kiện tối ưu để sẵn sàng cho cuộc thi.

Để đạt kết quả cao, các ứng viên đều phải có nền tảng kiến thức tốt về quản lý y tế, có kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý BV và có khả năng thuyết trình, bảo vệ ý tưởng, kế hoạch, đề án phát triển BV.

Ghế giám đốc BV nào cũng “nóng”

BV Mắt trải qua nhiều năm liền khó khăn về lãnh đạo quản lý, BS có lo lắng gì khi được bổ nhiệm ngồi vào "ghế nóng" này không?

BS Lê Anh Tuấn: Trong bối cảnh ngành y tế hiện nay, khó khăn và áp lực thì BV nào cũng gặp phải, có thể nói tất cả vị trí giám đốc BV ở thời điểm này đều là “ghế nóng”.

Qua những sự cố vừa rồi, BV Mắt bị ảnh hưởng nặng nề đến uy tín, thương hiệu, nhiều hoạt động chuyên môn đã gặp khó khăn do khâu cung ứng, hậu cần đình trệ. Tập thể cán bộ chủ chốt và nhân viên BV là những người bị tác động và trăn trở nhiều nhất. Vì thế, rất dễ hiểu khi nguyện vọng chung của tập thể cán bộ, nhân viên BV là sớm được ổn định, các quy trình, quy chế được hoàn thiện và các hoạt động chuyên môn trở về bình thường.

Giám đốc BV là nhà quản lý toàn diện

BS có thấy mình đã đi trái chuyên môn ban đầu là bác sĩ nhi khoa, có thể sẽ gặp khó khăn không?

BS Lê Anh Tuấn: Về quản lý, tôi đã có 5 năm tham gia công tác quản lý nhà nước trong ngành y tế với cương vị Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM và gần 6 năm quản lý BV chuyên khoa với cương vị Phó giám đốc BV Ung bướu. Về chuyên môn, tôi được đào tạo thạc sĩ y tế công cộng tại Hoa Kỳ và chuyên khoa 2 về quản lý y tế. Với nền tảng kinh nghiệm và kiến thức chuyên ngành về quản lý y tế, tôi tin sẽ cùng tập thể BV Mắt sớm ban hành, triển khai hiệu quả kế hoạch phát triển cụ thể cho BV.

Theo BS, tiêu chuẩn của giám đốc BV cần những gì?

BS Lê Anh Tuấn: Để chọn giám đốc một BV chuyên khoa, theo tôi, lý tưởng nhất là chọn được BS vừa giỏi chuyên môn, vừa giỏi về quản lý và tốt nhất là được phát triển từ nguồn tại chỗ.

Tuy nhiên, trên thực tiễn, rất khó chọn được một giám đốc như vậy. Quản lý BV không đơn thuần chỉ là quản lý về chuyên môn mà phải quản lý toàn diện, trong đó có quản lý các nguồn lực bao gồm quản lý tài chính, quản lý nhân lực, vật lực và cơ sở hạ tầng y tế. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý y tế ở các BV của Việt Nam là cán bộ y tế có chuyên môn giỏi nhưng chưa được đào tạo bài bản về quản lý y tế... Sự thiếu hụt kiến thức và kỹ năng quản lý y tế đã phần nào làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động chung của ngành y tế và đây có thể là một trong những nguyên nhân đã “góp phần” dẫn đến các vi phạm, sai phạm của một số đơn vị trong ngành y tế thời gian vừa qua. Do đó, để chọn giám đốc BV trong bối cảnh hiện nay nên ưu tiên chọn nhân sự đã có kinh nghiệm quản lý BV, có đào tạo bài bản về quản lý y tế và luôn cập nhật các kiến thức, kỹ năng mới về quản trị BV hiện đại.

Kế hoạch phát triển BV Mắt của tân giám đốc

BS đã có kế hoạch hoạch gì để phát triển BV Mắt trong ngắn và dài hạn?

BS Lê Anh Tuấn: Việc cần làm đầu tiên là phải nhanh chóng hoàn tất đào tạo cán bộ quy hoạch kế cận các chức danh lãnh đạo, quản lý để đảm bảo các tiêu chuẩn chức danh theo quy định và từ đó có nguồn bổ sung đối với các vị trí quản lý khoa, phòng còn thiếu. Sớm tiến hành quy trình bổ nhiệm các cán bộ quy hoạch có đủ tiêu chuẩn chức danh, có năng lực, đạt sự tín nhiệm cao, ưu tiên phát triển từ nguồn nhân lực tại chỗ.

Kế tiếp là triển khai các giải pháp nâng cao năng lực quản lý của các cá nhân lãnh đạo, quản lý BV Mắt căn cứ vào chuẩn năng lực lãnh đạo, quản lý của giám đốc BV của Bộ Y tế...

BV sẽ sớm ban hành bộ chỉ số đánh giá hiệu quả công việc (KPIs – Key Performance Indicators) cho 100% vị trí lãnh đạo, quản lý. Đây cũng là một trong các cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành công việc hằng năm, để đánh giá phục vụ bổ nhiệm, tái bổ nhiệm, khen thưởng, hoặc công tác liên quan đến quy hoạch. KPIs sẽ được triển khai để đánh giá hiệu quả công việc nhân viên, gắn hiệu quả công việc với thu nhập tăng thêm, tiền thưởng, cơ hội phát triển nghề nghiệp để tăng động lực cho nhân viên, tránh cào bằng thu nhập.

Về dài hạn, BV Mắt cần có một kế hoạch tổng thể để nâng cao năng lực quản lý của BV nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại BV theo hướng lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động và phát triển bền vững trên thế kiềng ba chân. Thứ nhất, phát triển chuyên môn kỹ thuật đảm bảo độ bao phủ mô hình bệnh tật về chuyên ngành mắt. Thứ 2, quản lý chất lượng BV – cải tiến liên tục, lấy người bệnh làm trung tâm, xem người bệnh là khách hàng. Thứ 3, đảm bảo mọi hoạt động của BV phải tuân thủ pháp luật, quy chế, quy định của ngành.

Tôi cũng đề xuất Sở Y tế nghiên cứu và có đề án trình UBND TP.HCM và Bộ Y tế cho phép BV Mắt được thí điểm mô hình quản lý BV hiện đại theo hướng hình thành một cơ cấu tổ chức quản trị BV 2 cấp. Cấp trên là Hội đồng Quản trị BV với chủ tịch và các thành viên đến từ Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở KH-ĐT, Sở Tư pháp, đại diện cho người bệnh, cũng như giám đốc, các phó giám đốc BV. Cấp dưới là hội đồng quản lý BV, đứng đầu là giám đốc, kế đến là các phó giám đốc và trưởng các phòng chức năng.

Tôi đề xuất như trên vì hệ thống y tế Việt Nam chưa có một mô hình quản lý BV phù hợp vừa cho phép BV nâng cao năng lực tự chủ nhưng song song đó có bộ máy giám sát, quản trị để hỗ trợ BV. Đây có thể xem là một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến rủi ro ngày càng tăng của các giám đốc BV.

Trong những năm qua, Việt Nam đã đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho các BV và việc này đã mang lại nhiều thành quả trong tăng cường chất lượng khám chữa bệnh cho người dân và thay đổi phong cách phục vụ của nhân viên y tế theo chiều hướng tốt hơn. Tuy nhiên, đi đôi với giao quyền tự chủ, hệ thống pháp luật quy định về tự chủ, liên doanh - liên kết, xã hội hóa, các quy định pháp luật về đấu thầu, mua sắm trong lĩnh vực y tế chưa hoàn thiện, còn chồng chéo, hoặc chưa rõ ràng dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.

Do đó, gần đây chúng ta thấy hiện tượng gia tăng các vụ việc vi phạm, sai phạm về quản lý tài chính, vi phạm về đấu thầu trên toàn quốc, trong đó có sự việc của Bệnh viện Mắt TP.HCM. Nếu bỏ qua yếu tố cố ý làm trái hoặc lợi ích nhóm, hiện tượng này cũng cho thấy mô hình quản lý giao quyền quyết định quá nhiều cho giám đốc BV đã không còn phù hợp khi đẩy mạnh quyền tự chủ cho các đơn vị.

Xin cảm ơn BS!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.