Từng khoác áo đội tuyển Nhật Bản
Tân Giám đốc kỹ thuật của VFF sinh năm 1960, từng có 19 trận khoác áo đội tuyển Nhật Bản trong giai đoạn 1980-1985. Trong màu áo CLB, ông Takeshi từng khoác áo CLB Nissan Motors (1983-1989) và CLB Kanazawa (1990-1996).
Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản (JFA) giới thiệu ông Takeshi có hơn 30 năm kinh nghiệm dẫn dắt các đội tuyển trẻ U.22 và U.18 quốc gia này. Ông có bằng Pro của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). Ông Takeshi giàu kinh nghiệm đào tạo trẻ và chủ yếu đảm nhiệm công tác quản lý xuyên suốt sự nghiệp.
Từ năm 2012 trở về trước, ông chỉ huấn luyện các đội bóng đại học hoặc làm giám đốc kỹ thuật các CLB hạng trung của Nhật Bản. Sự hiện diện của ông Takeshi được chờ đợi nâng tầm bóng đá trẻ Việt Nam, cũng như phát triển bài bản hơn hệ thống bóng đá chuyên nghiệp cũng như ngoài chuyên nghiệp Việt Nam.
Muốn có trò giỏi phải có thầy giỏi
Trong ngày ra mắt (1.6), ông Takeshi nhấn mạnh: "Nhiệm vụ của tôi là đào tạo thành công các HLV Việt Nam để làm sao họ vẫn phù hợp với tính cách dân tộc Việt Nam, bóng đá Việt Nam. Mục tiêu ngắn hạn các HLV đó có thể lấy được bằng C, bằng A của châu Á, của FIFA. Còn mục tiêu lâu dài là các HLV đó có thể truyền thụ lại kiến thức cho các HLV khác tại Việt Nam.
Về kế hoạch làm việc với HLV của các đội tuyển trẻ quốc gia Việt Nam, may mắn thay, có 1 HLV người Nhật, AkiraIjiri, đang huấn luyện cho đội nữ U.20 Việt Nam. Cùng với ông ấy, chúng tôi sẽ hợp tác sâu rộng hơn với các HLV đội trẻ Việt Nam.
Ông Koshida Takeshi khẳng định: "Triết lý giảng dạy của tôi luôn là truyền cảm hứng cho học sinh. Thay vì chỉ dạy câu trả lời đúng, tôi muốn học sinh tự tìm ra câu trả lời. Sự phát triển của thế hệ thanh niên là tương lai của đất nước. Việc củng cố đội tuyển quốc gia, đào tạo HLV và củng cố thế hệ trẻ là điều vô cùng cần thiết với nền bóng đá Việt Nam. Theo thông tin tôi nắm được, đội tuyển Việt Nam nằm trong nhóm dẫn đầu tại khu vực Đông Nam Á. Thành tích đó là rất tốt nhưng chúng ta phải phát triển cả bóng đá trẻ, tập trung đầu tư cho cầu thủ trẻ bởi đó chính là tương lai của bóng đá Việt Nam. Do đó, việc đào đào tạo các HLV cho các nhóm tuổi là rất quan trọng. Muốn có trò giỏi, phải có thầy giỏi. Việt Nam là một quốc gia năng động, có nền bóng đá đang phát triển, trong đó có bóng đá trẻ. Tôi mong muốn đóng góp công sức, trí tuệ của mình để bóng đá Việt Nam thực hiện được ước mơ có mặt ở World Cup 2026 hoặc 2030".
Bóng đá Việt Nam và Nhật Bản đều có ý chí cầu tiến
Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: "Ông thấy bóng đá Việt Nam và bóng đá Nhật Bản có điểm gì giống nhau? Ngoài ra, chúng ta phải làm gì để có thể hòa nhập sâu rộng với cộng đồng quốc tế và đạt thành tích cao ở châu lục như bóng đá Nhật Bản?".
Ông Koshida Takeshi nói: "Tôi đến Việt Nam chưa lâu nên tôi không thể nói chính xác, nhưng tôi cảm thấy rằng dân tộc Nhật Bản và Việt Nam có những nét rất giống nhau. Siêng năng, cần cù, khiêm tốn, có ý chí cầu tiến và có khả năng phục hồi nhanh sau thất bại. Bóng đá Việt Nam muốn đạt được thành tích cao ở châu Á, việc đào tạo có hệ thống là cần thiết. Nếu không đạt được điều đó, chúng ta sẽ không thể liên tục đạt thành tích cao ở tầm châu lục".
Báo Thanh Niên hỏi tiếp: "Hiện tại, HLV của đội tuyển Việt Nam là người đã từng dẫn dắt đội tuyển bóng đá quốc gia Nhật Bản giành thành công rực rỡ tại World Cup 2002. Ông sẽ làm việc với HLV Troussier như thế nào để nuôi giấc mơ World Cup của bóng đá Việt Nam?
Ông Koshida Takeshi cho biết: "Tôi đã nói chuyện sơ bộ với HLV Troussier khi tôi đến Việt Nam vào tháng 4.2023. Nhà chúng tôi ở cạnh nhau tại VFF. Tôi sẽ có cuộc gặp gỡ sâu hơn với ông ấy để hiểu hơn việc ông ấy đang cố gắng làm gì với đội tuyển quốc gia, củng cố thế hệ trẻ và đào tạo HLV phù hợp".
Bình luận (0)