Tan hoang đình Nam Tiến: 20 năm kêu cứu bất thành

18/04/2014 03:15 GMT+7

Liên quan đến đình Nam Tiến, từ năm 1994 đến nay đã có hàng chục văn bản kêu cứu nhưng cấp thẩm quyền đã bỏ quên dẫn đến hậu quả là ngôi đình hơn 190 tuổi này bị xóa sổ mà không ai chịu trách nhiệm.

 Lãnh đạo ban, ngành các cấp cùng các chuyên gia đầu ngành về khảo cổ, lịch sử đến khảo sát đình Nam Tiến vào tháng 3.2014 - Ảnh: P.Đ.M
Lãnh đạo ban, ngành các cấp cùng các chuyên gia đầu ngành về khảo cổ, lịch sử đến
khảo sát đình Nam Tiến vào tháng 3.2014 - Ảnh: P.Đ.M

Tiếp xúc với Thanh Niên, bà Lê Tú Cẩm, nguyên Phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM và hiện là Chủ tịch Hội Di sản TP.HCM, xác nhận: “Hành trình xin công nhận di tích của đình Nam Tiến quá trần ai lai khổ. Trước đây, trong một thời gian dài không hề có hội đồng công nhận di tích cấp thành phố. Năm 2003 tôi về hưu thì mãi đến năm 2005 mới thành lập hội đồng này. Vì vậy có nhiều di tích ở TP.HCM không đủ điều kiện công nhận di tích cấp quốc gia nên lâu dần xuống cấp và có cái bị sụp đổ do không ai chịu trách nhiệm bảo quản”.

 

Ở TP.HCM không chỉ đình Nam Tiến mà còn nhiều di tích bị tình trạng này, tức là gửi tới gửi lui công văn xin được công nhận di tích để trùng tu, bảo dưỡng, như trại David ở Q.Tân Bình, khu di tích lịch sử An Phú Đông...

Lê Tú Cẩm,
Chủ tịch Hội Di sản TP.HCM

Bà Cẩm cho rằng, TP.HCM đã quá chậm chạp trong việc thành lập hội đồng này. Sau năm 1990, Bộ VH-TT “xiết” lại việc công nhận di tích cấp quốc gia, chỉ xét đến những di tích quy mô lớn, tiêu biểu. Tuy nhiên di tích thì không thể xét như thế được. Bà Cẩm nói thẳng: “Có những cái tuy nhỏ nhưng ý nghĩa và giá trị thì không nhỏ chút nào. Ở TP.HCM không chỉ đình Nam Tiến mà còn nhiều di tích bị tình trạng này, tức là gửi tới gửi lui công văn xin được công nhận di tích để trùng tu, bảo dưỡng, như trại David ở Q.Tân Bình, khu di tích lịch sử An Phú Đông…”.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cho biết vào tháng 3.2014, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM lúc đó là Vũ Kim Anh cùng với đoàn khảo sát gồm các chuyên gia, giáo sư đầu ngành khảo cổ học, lịch sử đã đến đình Nam Tiến một lần nữa. “Đoàn gửi kiến nghị  đến UBND TP.HCM xin giữ lại đình Nam Tiến để phục dựng. Đình Nam Tiến suốt 20 năm vẫn chưa được công nhận di tích thì có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu vẫn là quan niệm. Người ta cứ cho là để được công nhận di tích thì công trình phải có kiến trúc đẹp, xưa, mang ý nghĩa lịch sử cách mạng… trong khi rất nhiều di tích khác cho dù có tuổi đời vài trăm năm thì ít người quan tâm”. 

Giám đốc Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa TP.HCM Trương Kim Quân cũng cho biết: “Chúng tôi đã đề xuất UBND TP.HCM, xin ý kiến trùng tu, phục dựng đình Nam Tiến sau cuộc họp vào tháng 3.2014. Với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu thì đình Nam Tiến giữ vị trí vô cùng quan trọng với sự phát triển của Sài Gòn 300 năm”.

Quá nhiều thủ tục hành chính

Từ tháng 3.1994, UBND TP.HCM đã có quyết định xác lập sở hữu nhà nước đối với nhà số 170 Bến Vân Đồn, P.6, Q.4 (đình Nam Tiến - PV). Đến tháng 8.1995, đoàn khảo sát của Viện Khoa học xã hội tại TP.HCM đã có báo cáo đề xuất và kiến nghị xếp hạng di tích. Ngày 24.8.1995, Công văn số 937/VHTT do Phó giám đốc Sở VH-TT Lê Tú Cẩm ký, gửi thường trực UBND Q.4 đề nghị giao toàn bộ cơ sở vật chất, nhà cửa của khu vực đình cho bà con tín hữu (ban quản trị) nhằm huy động sức dân để phục hồi, chống xuống cấp. Sau đó, UBND Q.4 chỉ đạo UBND P.6 ngưng cho thuê mặt bằng, giao Phòng Quản lý đô thị, Phòng Văn hóa lập đề án khôi phục, trùng tu, tôn tạo đình, đồng thời phối hợp với P.6 xây dựng quy chế quản lý hoạt động của đình. Ngày 19.6.2000, UBND Q.4 gửi công văn đến Sở VH-TT về việc đề nghị sớm công nhận đình Nam Tiến là di tích văn hóa.

Từ năm 2001 đến 2014, Sở VH-TT (trước đó) và Sở VH-TT-DL TP.HCM cũng đã gửi hàng loạt tờ trình đến UBND TP.HCM về việc ra quyết định đăng ký di tích cho đình Nam Tiến, lập dự án tu bổ và phục hồi, đồng thời nêu giá trị cùng các văn bản liên quan đến ngôi đình đã trình trước đó nhưng chưa nhận được ý kiến chỉ đạo.

Lương Chánh Tòng - Đỗ Tuấn

 >> Tan hoang đình Nam Tiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.