Hồi nhỏ, tôi vừa sợ, vừa ghét rắn; chẳng hiểu tại sao. Hễ đi chăn bò hay làm ruộng, nghe tiếng ếch kêu là chạy tới giết rắn, giải cứu ếch. Sau này mới biết, rắn rất thích ăn chuột, mà phải là chuột sống, giúp nhà nông. Khổ nỗi, ít ai thấy, bởi rắn ăn chuột không “báo” cho con người.
Ngược lại, khi bị rắn bắt thì ếch kêu ỏm tỏi vì rắn nuốt từ từ. Hồi nhỏ, tôi cũng mấy lần được ăn thịt rắn nhưng chẳng nhớ gì, có lẽ do cách chế biến ở quê. Cuối năm 1975, tôi về Xã đoàn Vĩnh Lộc (lúc đó thuộc Tân Bình) cùng với anh Sáu Kiên, quê ở Bến Tre. Ngoài giờ công tác, chúng tôi xin đất trồng thêm rau củ. Nhớ lần Kiên bắt được con rắn, lấy rơm thui tại chỗ. Anh lấy mấy cục muối hột, bẻ cho tôi một khúc rắn nóng hổi, chỉ cách lột da, bỏ ruột và cứ thế... ăn. Anh hỏi “Có ngon không?”. Chưa kịp trả lời anh phang luôn “Sợ làm sao ngon được?”. Vừa nói anh vừa ăn giúp luôn phần của tôi.
Sau này, có dịp đi nhiều nơi, cũng nhiều lần thưởng thức các đặc sản rắn nhưng thú thực, tôi chưa cảm được. Tôi chỉ khoái khô rắn nước, bán rất nhiều ở các chợ miền Tây và Campuchia. Cứ từng gói 1 kg, lóc da, bỏ xương, thịt cán dẹp cỡ bàn tay. Mới nhìn chẳng biết thịt gì. Ai sợ rắn thì cứ bảo thịt của con khác. Nướng than hay chiên, ăn chơi hay nhậu đều tuyệt.
Cuối hè năm 2006, trở về từ chuyến khảo sát Nam Lào, tôi gặp lại các bác sĩ tình nguyện Mùa hè xanh của Sài Gòn ở Huế. Các bạn Huế chiêu đãi món rắn hổ mang. Nhà hàng biểu diễn rất điệu nghệ, từ cách bắt rắn, lấy nọc, làm thịt và chế biến. Tôi chỉ nhớ tim rắn vẫn đập dù bị cắt lìa khỏi thân khá lâu. Khi bỏ tim vào ly rượu chứa nọc rắn, tim tái dần hệt như luộc trong nước sôi. Anh em vừa ăn vừa lai rai nhậu. Bác sĩ Việt, tôi quen gọi là Việt nhỏ, xin không uống tiếp vì “đụng trần”. Việt đưa tay cho mọi người xem, những mảng mề đay nổi đỏ cả cánh tay.
“Cứ yên tâm, có món giải rượu cực kỳ. Uống thử ngụm rượu có nọc rắn, vài phút là như chưa có gì, trừ khi bị đau bao tử hoặc bệnh răng miệng thì chịu vì nọc sẽ chạy vào máu, rất nguy hiểm”. Việt cầm ly rượu chứa nọc rắn và dè dặt nhấp thử. Chưa đầy 2 phút, da trở lại bình thường, như chưa uống rượu. Tôi thót tim vì cách giải rượu dù hiệu quả nhưng nguy hiểm. Chỉ cần miệng và hệ tiêu hóa có trầy xước là lãnh đủ. Nhậu, có thể lai rai nhưng xin đừng say xỉn làm phiền người khác, không tự chủ bản thân hoặc phải giải rượu theo kiểu dùng nọc rắn.
|
Lưỡi rắn luôn thò thụt không phải để thở mà để ngửi và đánh hơi mồi. Mắt rắn hoạt động như thiết bị tầm nhiệt nên dù không tinh vẫn tấn công chính xác con mồi ngay cả trong đêm tối. Rắn có thể sống trên mặt đất, trên cây, dưới đất, dưới nước, cả sông và biển. Rắn ăn thịt sống, nuốt nguyên con mồi sau khi dùng răng tiêm độc tố (các loài rắn độc) hoặc dùng thân siết cho chết (các loại rắn thường). Một số loài rắn lục chỉ ăn sâu bọ, còn rắn hổ chúa (King Cobra) thích ăn đồng loại.
Dù không có chân nhưng nhờ lớp vảy toàn thân, rắn di chuyển rất nhanh theo hình sin trên mặt đất và bơi cực giỏi, có khi phóng như bay từ trên cao xuống. Rắn lột da định kỳ để trưởng thành và làm vệ sinh thân thể. Hầu hết rắn đều đẻ trứng tự nhiên, không làm tổ mà phó mặc cho trời đất, tự sinh, tự lớn. Cá biệt có loài sinh con nhưng không nuôi.
Cũng như các loài thú dữ, rắn không tấn công người, trừ khi bị đe dọa, cả cố ý và vô tình, bị tấn công trước hoặc ngộ nhận nên phải tự vệ. Rắn thường khi cắn để dấu nguyên hàm răng. Rắn độc thường để lại 2 vết tiêm nọc, có thể làm chết người trong nửa tiếng hoặc vài ngày sau. Bị rắn độc cắn phải nhanh chóng tìm dây buộc chặt phía trên vết cắn, tìm cách nặn hoặc hút máu độc ra (với rắn hổ), băng ép vết cắn và đưa tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị. Không uống và đắp bất cứ thứ gì nếu chưa biết chắc chắn hiệu quả.
Cả Đông và Tây y đều xem rắn là nguồn thuốc chữa bệnh đa năng. Tây y chủ yếu nghiên cứu độc tính và tác dụng của nọc rắn để chế tạo huyết thanh kháng độc, các loại thuốc trị cao huyết áp, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, chống đông máu... Đông y thì cái gì của rắn cũng làm thuốc được. Thịt rắn có tác dụng thông tim mạch, trừ phong hàn, trị phong thấp, sưng khớp và chàm da; được chế biến thành nhiều món như cháo hầm đậu xanh, tiềm thuốc bắc, lẩu, nướng, xào, gỏi, kho... Da rắn sau khi lột gọi là thoái xà dùng để chữa chứng kinh phong ở trẻ con. Xương rắn thì chiên giòn. Máu và mật rắn có tác dụng tráng dương, bổ thận, hạ hỏa, chống phong thấp, hòa với rượu thành “Huyết xà đởm”. Nguyên con ngâm với rượu thành hàng chục loại rượu thuốc như tam xà tinh, ngũ xà tinh, lục vị xà tửu, bát vị xà tửu... Bởi là loài sống trong tự nhiên, giúp nhà nông diệt chuột và tạo cân bằng sinh thái nên việc tận diệt rắn sẽ gây ra những hậu quả khôn lường.
Hiện rắn đang được nuôi và nhân giống khắp các vùng quê Việt Nam. Nổi tiếng hơn cả là các làng Phụng Thượng (Phúc Thọ, Hà Nội) chuyên nuôi hổ mang chúa, loài đại xà ăn thịt cả đồng loại, phải nuôi từng con riêng. Giá bán trên vài triệu đồng mỗi kg. Con khủng nhất dài đến 5 - 6 m, giá bán hơn 50 triệu đồng, mới nhìn cứ tưởng là trăn. Làng rắn Vĩnh Sơn (Vĩnh Phúc) mỗi năm xuất hơn 150.000 rắn thành phẩm cung cấp cho các xí nghiệp dược phẩm chế biến, xuất khẩu và bán buôn nội địa. Vĩnh Sơn trở thành làng nghề dịch vụ du lịch nuôi và bán rắn với gần 1.000/hơn 1.300 hộ gia đình tham gia. Làng Tứ Xã (Phú Thọ) có gần 500 hộ nuôi rắn. Hộ nhiều nhất nuôi cả ngàn con. Tứ Xã còn nuôi thành công rắn đẻ, bán con giống đi khắp vùng. Lâu đời nhất là làng rắn Lệ Mật (Hà Nội). Hằng năm có lễ hội rắn, hội thi rắn, vườn ẩm thực rắn độc đáo... Dân Việt có kẻ thích, người sợ. Khách Nga và Trung Quốc đa phần mê tít, còn khách châu u thì sợ xanh mặt.
Có thể nói, rắn là loài vật không chỉ giúp nông dân xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu chính đáng. Tuy nhiên đã có nhiều người phải trả giá “sinh nghề, tử nghiệp” vì bị rắn cắn không kịp thời chữa trị. Cả rắn tự nhiên và rắn nuôi đang bị truy lùng ráo riết. Con người là kẻ thù nguy hiểm nhất của loài rắn. Các làng nuôi rắn chủ yếu để bán thịt cho nhà hàng đặc sản và ngâm rượu thuốc. Duy nhất một nơi mà loài rắn đang được chăm chút để làm nhiệm vụ cao cả là bảo tồn nguồn gien quý hiếm, nghiên cứu khoa học về rắn, chế biến thuốc y học dân tộc, cấp cứu và điều trị người bị rắn độc cắn cho cả vùng Tây Nam bộ. Đó là vương quốc rắn Đồng Tâm (Tiền Giang).
Tên đầy đủ là Trung tâm nuôi trồng nghiên cứu chế biến dược liệu thuộc Quân khu 9. Ngoài rắn đủ loại được nuôi thả trong điều kiện bán tự nhiên rộng 12 ha, trung tâm còn có bệnh viện điều trị rắn độc cắn, phòng nghiên cứu khoa học, vườn dược liệu, khu bảo tồn, bảo tàng về rắn... Bảo tàng rắn Đồng Tâm với hàng ngàn hiện vật và phiên bản được Guinness công nhận là bảo tàng rắn đầu tiên ở Việt Nam. Mỗi năm, Đồng Tâm xuất trại được hơn 300 gram nọc rắn (mỗi gram nọc rắn hổ mang đất có khả năng làm chết 160 người, mỗi người có trọng lượng nặng 60 kg), cấp cứu gần một ngàn người bị rắn độc cắn thoát khỏi tử thần.
Hơn thế, Đồng Tâm còn là điểm du lịch lý tưởng để tìm hiểu về rắn. Đưa các bạn trẻ, đặc biệt là học sinh sinh viên đến tham quan, tôi thường đầu têu trò “quấn trăn chụp hình” về hù thiên hạ. Trăn không tấn công người, lại được thuần dưỡng, ăn no nên khách tha hồ vuốt ve nựng nịu. Nhìn tấm hình quấn trăn ngang cổ và bụng, lưỡi trăn liếm má, còn mình toe miệng cười là bạn bè kiêng nể! Có thể mua các chế phẩm như cao rắn, mỡ trăn, thuốc xoa bóp từ nọc rắn, rượu ngâm rắn... từ những con rắn loại thải, đã hoàn thành nhiệm vụ sinh sản và nghiên cứu khoa học.
Chỉ tiếc một điều, trại rắn chưa có trang web riêng để thông tin và quảng bá cho du khách năm châu. Nếu có thêm màn xiếc rắn độc và massage rắn thì càng tuyệt. Năm Tỵ, điểm du lịch nên đến đầu tiên là Đồng Tâm, để hiểu và yêu thêm loài rắn, một trong 12 con giáp của nhiều nước châu Á.
Nguyễn Văn Mỹ
>> Làm giàu từ nuôi rắn
>> Suýt tử vong vì bắt rắn độc chế biến thuốc
>> Cao rắn hổ mang tốt cho bệnh xương khớp tuổi trung niên
>> Nọc rắn chữa đau
>> Tin vào "thầy rắn", một bệnh nhân nguy kịch
Bình luận (0)