Xin nói trước rằng, người viết chưa từng xem phim Em và Trịnh, ngoài bộ phim duy nhất ngày trước, năm 1992 với Em còn nhớ hay em đã quên của các đạo diễn Nguyễn Hữu Phần và Phi Tiến Sơn do Lê Công Tuấn Anh thủ vai chính, lúc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn sống, lấy nguyên mẫu nhân vật, thay tên và có một số chi tiết hư cấu. Vì vậy, chỉ nên xem bài viết này như một lời yêu mến nhạc Trịnh, yêu mến một cuộc đời dám sống, dám viết giữa cái đa chiều của đời sống có lắm sự rủi ro lúc ấy, khi nghĩ đến những phân đoạn sáng tác của Trịnh!
Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua tranh vẽ của họa sĩ Lê Sa Long |
Tôi nhớ, có lần đọc cuốn hồi ký của một trí thức nổi tiếng trước 1975, một người sống qua giai đoạn giao thời trước và sau khi nước nhà thống nhất, tác giả có viết đại ý: Rất nhiều đêm, sau một ngày mệt nhoài với bao chuyện ngang trái oái oăm cuộc đời, ông trở về nhà. Khuya, ông mở nhạc Trịnh và nghe Trịnh một mình. Trong ánh đèn mờ của phòng khách đêm sâu, ông lơ mơ uống vài ly rượu, và cảm nhận ca từ, giai điệu Trịnh Công Sơn như một niềm an ủi đời mình, như một sự hóa giải, như một sự lắng chìm tâm linh, như một miền an nhiên sâu thẳm… để rồi mai này có chết đi, thì vẫn xem như ấy là một đồng cảm, sẻ chia sâu sắc không ai lẫn vào được.
Nghe và thấm sự cô đơn!
Tự dưng lẩn thẩn nghĩ, không biết có hơi chủ quan hay không, rằng có lẽ nếu không… cô đơn như tác giả cuốn hồi ký kia, thì không “thấm” hết được nhạc Trịnh.
Nhưng, sự cô đơn ấy trong đời sống của Trịnh không đồng nghĩa với cô độc. Vì nếu Trịnh cô độc, ắt Trịnh sẽ… “chết” sớm. Và nhạc Trịnh sẽ không sống mãi!
Nếu thời buổi ấy, Trịnh tắt tiếng guitar, thì sẽ không có Ca dao Mẹ, Người con gái Việt Nam da vàng, Hát trên những xác người, Đại bác ru đêm…
Nếu Trịnh không còn ngẫm suy trên khung nhạc của riêng mình, thì sẽ không có những tình khúc tuyệt vời nhìn về tình yêu và thân phận bằng một cách riêng tây rất Trịnh, và không lẫn, như Tình nhớ, Nhìn những mùa thu đi, Gọi tên bốn mùa, Còn tuổi nào cho em, Đêm thấy ta là thác đổ, Lời thiên thu gọi…
… Một ngày, đứa con nhắn tin nói rằng ba mẹ có đi xem phim Em và Trịnh không để con đặt vé. Tôi nhắn trả lời rằng: Ba nghe hơi thở mạch phim dường như làm chưa tới, không biết đúng không? Con xem thấy thế nào? Đứa con trả lời: Không thể yêu cầu cao hơn ba à, theo con là ổn. Chữ “ổn” ấy, dù không chiết tự, không nói ra nhưng trong đầu tôi vẫn nghĩ đến 2 khả năng: 1, Là phim coi được, với lứa tuổi ít nhất 9X. 2, Không mạnh dạn nói là “ phim hay”, có nghĩa phim làm như vậy là được rồi!
Có lẽ điều đó đã được chứng thực: Chưa bao giờ giới trẻ quan tâm về Trịnh và nhạc của ông nhiều như vậy. Có lẽ Trịnh đã “sống dậy” mãnh liệt và thấm hơn vào những ngóc ngách đời sống âm nhạc trong thời gian qua!
Rồi lại nghĩ, sau khi phim ra rạp từ Bắc chí Nam, nghe một vài bình phẩm của những người bạn, rằng “phim chưa tới”, “xem thấy thiêu thiếu cái gì đó”. Chợt nhớ lại, chỉ mấy ngày sau, một bộ phim “song sinh” là phim Trịnh Công Sơn rút khỏi rạp, chỉ còn lại Em và Trịnh, là hiểu!
Hiểu một điều từ báo chí, có lẽ là do phim Trịnh Công Sơn ế ẩm. Còn Em và Trịnh vẫn trụ được và nghe nói nay đã thu về số tiền gấp đôi số vốn bỏ ra. Có phải do tựa phim chăng?
Không phải. Phim thuần về đời Trịnh Công Sơn chắp nhặt đưa vào rạp, thì người ta ngồi nhà nghe đọc những lá thư của Trịnh gửi Dao Ánh hoặc lướt qua đời của người nhạc sĩ tài hoa bằng rất nhiều thước phim tư liệu trên mạng, hoặc nghe ca sĩ Khánh Ly tâm tình, cũng hay hơn. Còn với Em và Trịnh? Dù có thể có nhiều “lỗ hổng” khi phác vẽ những câu chuyện tình, buồn bã và có hơi hướm đau khổ mà không đến mức chất ngất, vẫn được ông nhẹ nhàng chuyển tải vào nhạc, thì cũng đã thu hút được khán giả đến rạp để ít nhất thu hồi lại 50 tỉ bỏ ra làm phim. Và thực tế, nhìn vào con số doanh thu được công bố đã vượt xa, là biết.
Rồi lại miên man nghĩ, với nhạc Trịnh và cuộc đời Trịnh, dù có cố gắng đến bao nhiêu cũng không ngôn từ nào tả xiết, kể cả ngôn ngữ điện ảnh làm theo lối tiểu sử nhân vật. Mà ngôn ngữ điện ảnh, theo tôi nghĩ là ngôn ngữ hình thể, ngôn ngữ bằng lời (lời thoại của nhân vật) và cả bối cảnh mà nhân vật sống. Trong đó, trọng tâm là ngôn ngữ thời đại, tức bối cảnh một thời của Trịnh. Nếu không tái hiện được hoàn cảnh xã hội lúc ấy với những lát cắt đưa vào phim, thì sẽ không có Trịnh để xưng tụng, sẽ không có phim hay về Trịnh như công chúng kỳ vọng, bởi vì sẽ không có nhạc Trịnh với Ca dao Mẹ, Người con gái Việt Nam da vàng, Ta thấy gì đêm nay, Hát trên những xác người, Đại bác ru đêm… để rồi từ thân phận đất nước, lồng vào thân phận người, số phận những cuộc tình, để có Xin mặt trời ngủ yên, Tuổi đá buồn, Lời buồn thánh, Đêm thấy ta là thác đổ, Cát bụi, Tình xa, Biển nhớ…
Những đau đớn tủi cực, những thương nhớ vô bờ, những lặn lội kiếp người, những chất ngất đọa đày của một giai đoạn lịch sử chiến tranh khốc liệt… đã vào nhạc Trịnh, bằng một tâm hồn đa cảm có khi tuồng như giãy giụa, được ông “tiêu hóa” và với một trái tim xúc cảm lúc nào cũng chực “rụng” xuống, để thành những ca từ phối ngẫu với giai điệu xuất chúng.
Vì thế, những bản nhạc mang sự suy nghiệm kiếp người trong buổi cao trào lốc xoáy chiến tranh của giai đoạn ấy, ví như bản Một cõi đi về, có lẽ khi đặt bút viết, với ông được - mất cũng chỉ là hư không!
Bình luận (0)