Tàn ngày để lại có một vị trí đặc biệt trong sự nghiệp của Kazuo Ishiguro. Nếu cuốn sách đầu tay Cảnh đồi mờ xám (bản dịch tiếng Việt được Nhã Nam xuất bản năm 2019) đã khiến ông được các nhà phê bình chú ý thì Tàn ngày để lại là câu trả lời của ông đối với những người chỉ muốn khen ngợi ông như một nhà văn “người Nhật”.
Đoạt giải Booker năm 1989, Tàn ngày để lại khẳng định Ishiguro không chỉ như một bậc thầy về tiểu thuyết, mà còn là bậc thầy về ngôn ngữ, được nhà văn Anh Julian Barnes ca ngợi về “lối kể chuyện tài tình và khả năng kiểm soát giọng điệu hoàn mỹ”, và khiến tất cả những cuốn sách mới của ông từ đó về sau đều được bạn đọc thế giới trông đợi. Tàn ngày để lại được dựng thành phim năm 1993 với sự tham gia của Anthony Hopkins và Emma Thompson, nhận được 8 đề cử Oscar.
Tàn ngày để lại kể một câu chuyện rất đơn giản trên bề mặt: một ông quản gia đã về già, lên đường tìm lại một bà bạn đồng nghiệp cũ hòng cứu vãn một dinh thự đang trên đà sa sút, nhưng phần lớn cuốn sách là những hồi ức của Stevens về khoảng thời gian mấy chục năm về trước trong thời hoàng kim của dinh thự và chủ nhân của nó, Huân tước Darlington. Những giai thoại sinh hoạt và làm việc đời thường của giới kẻ ăn người làm trong một tòa nhà quý tộc Anh điển hình lại diễn ra trên nền những biến động lịch sử lớn, mà chủ yếu là sự trỗi dậy của tinh thần bài Do Thái và chủ nghĩa phát xít cùng những nỗ lực ngoại giao của nước Anh trước Thế chiến thứ hai. Các nhân vật lịch sử lẫn hư cấu ra vào sân khấu khi các tính cách, lý tưởng, giai tầng và thế hệ va chạm nhau, cọ xát nhau, vỡ ra nhiều chân lý nhưng cũng để lại nhiều vết sẹo trong lòng, khiến Tàn ngày để lại thường được đọc như một tiểu thuyết lịch sử hấp dẫn.
|
Tuy nhiên Kazuo Ishiguro hoàn toàn có thể nói như Alexandre Dumas cha: lịch sử chỉ là cái đinh để tôi móc tấm tranh của mình lên đó. Trọng tâm của cuốn sách là những chiêm nghiệm của Stevens về “phẩm cách”, mà ông coi là điều cốt yếu làm nên một quản gia vĩ đại; cuộc đời nghề nghiệp của Stevens là cuộc truy đuổi mãi hoài lý tưởng này, một lý tưởng mà ông coi mình thừa hưởng từ người cha và quyết tâm gìn giữ giữa thế hệ đã trở thành thực dụng về sau. Và câu chuyện được kể lại cho người đọc thuộc vào thế hệ những quản gia cùng những dinh thự lớn đã chỉ còn vang bóng, những dằn vặt cùng lưu luyến của Stevens cũng đã từ lâu chôn chặt ở đáy lòng. Nhưng câu chuyện ấy hẳn thời đại nào, con người nào cũng có thể đồng cảm.
Cuốn sách của Ishiguro triển khai rất chậm trong lời kể rù rì của người kể chuyện về già, giữa một chuyến đi miên man qua những vùng đồng quê không có biến cố gì xảy ra, nhưng lần lần, những ký ức ngày càng mở rộng của Stevens đã cuốn hút người đọc vào những mạch truyện đan cài: chuyện của Stevens, chuyện của cô đồng nghiệp cũ, chuyện của ông chủ cũ, và cả chuyện những người dân gặp trên đường đi về miền Tây nước Anh. Đến cuối sách, những mạch truyện theo nhau gút lại khiến người đọc nhận ra, câu chuyện không hẳn như Stevens kể, những con người trong đó cũng không hẳn như Stevens kể, và bản thân Stevens cũng không hẳn như Stevens kể; có những tầng sâu không chỉ của sự kiện, cảm xúc mà của cả định nghĩa về phận người, của sự tự mị bản thân. Tàn ngày để lại thuộc vào loại sách để đọc lại, và không chỉ một lần, bởi dưới những sự kiện thoạt trông chẳng có gì kia lại có nhiều hơn những gì được nói.
Trong chiều dài sự nghiệp của Ishiguro, Tàn ngày để lại là điểm đạt tới thành công của một thử nghiệm mà ông đã bắt đầu từ hai quyển tiểu thuyết đầu tiên, và Stevens cũng trở thành một thứ cổ mẫu để lại dấu ấn thấp thoáng trong Kathy của Mãi đừng xa tôi, hay cặp vợ chồng già Axl và Beatrice trong Người khổng lồ ngủ quên, cho đến những người kể chuyện tưởng chừng như hiện thực trong Dạ khúc. Cuốn sách đã trở thành điển hình cho phong cách và thế giới quan của ông mà Ủy ban Nobel đã ca ngợi “vực thẳm ẩn bên dưới ảo tưởng về sự kết nối với thế giới của chúng ta”.
Bình luận (0)