Tân nữ chủ tịch 8X trước áp lực tại Eximbank

29/06/2023 11:14 GMT+7

Tân chủ tịch Eximbank, bà Đỗ Hà Phương (40 tuổi) là một trong những "thuyền trưởng" nữ trẻ nhất của hệ thống các ngân hàng vừa được bổ nhiệm. Với các cổ đông của nhà băng này, điều mà họ mong chờ nhất là Eximbank sẽ tìm lại thời hoàng kim - nhà băng từng đứng ở top đầu khối cổ phần.

Hôm qua, ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) có tân Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) là bà Đỗ Hà Phương người đã gia nhập Eximbank từ năm 2022 với chức danh Thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2020 - 2025). Tân Chủ tịch Eximbank đã có hơn 15 năm công tác trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.

Những "bóng hồng" quyền lực

Bà Phương nhận được sự ủng hộ của HĐQT nhà băng này, trong nỗ lực tìm kiếm những nhân sự cấp cao đủ tiêu chuẩn, điều kiện, quan trọng hơn là có đủ đức, tâm và tài, phù hợp với chiến lược, mục tiêu và định hướng của Eximbank trong từng giai đoạn.

Thuộc thế hệ 8X, bà Đỗ Hà Phương hiện nằm trong danh sách các "bóng hồng" đang đảm nhận vị trí cao nhất trong ban điều hành, hội đồng quản trị trong ngành ngân hàng tại Việt Nam.

Tân nữ chủ tịch 8X trước áp lực tại Eximbank - Ảnh 1.

Bà Đỗ Hà Phương, tân Chủ tịch HĐQT Eximbank

EXIMBANK

Trước đó, KienlongBank cũng có nữ chủ tịch sinh năm 1985. Bà Trần Thị Thu Hằng, từng tốt nghiệp thạc sĩ tài chính ngân hàng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân), có hơn 10 năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng, đã chính thức giữ chiếc "ghế nóng" ở KienlongBank từ 26.5.2021. Trước đó, bà Hằng trải qua một số vị trí quản lý ở MB, LienVietPostBank và MSB.

Hay như Chủ tịch NCB, bà Bùi Thị Thanh Hương cũng là người từng nắm giữ các vị trí quản lý trong lĩnh vực quản trị chiến lược tại các tổ chức tài chính ngân hàng lớn.

Có thể thấy, bên cạnh những tên tuổi lớn của các nữ doanh nhân thành công đứng đầu các nhà băng, như bà Nguyễn Thị Nga, Phó chủ tịch HĐQT của SeABank, bà Thái Hương, Tổng giám đốc BacABank, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch thường trực HDBank… thì sự trẻ hóa tại thượng tầng các ngân hàng TMCP tại Việt Nam đang dần trở thành một xu thế.

Hiện nay, ngành ngân hàng phải đối mặt với nợ xấu gia tăng, rủi ro an toàn hệ thống, lạm phát, suy thoái kinh tế... Để đáp ứng được yêu cầu phát triển ổn định, bền vững trong bối cảnh này, các nhân sự lãnh đạo cấp cao phải được lựa chọn, tính toán kỹ lưỡng để phù hợp với chiến lược lâu dài, mục tiêu cụ thể và định hướng phát triển của từng ngân hàng trong từng giai đoạn.

Chèo lái con thuyền Eximbank

Với riêng Eximbank, 10 năm trước đánh dấu giai đoạn đỉnh cao của nhà băng này trong hệ thống. Đặc biệt tại thời điểm đó, với sức tăng trưởng trên 70%, Eximbank khẳng định vị thế toàn diện ở khối ngân hàng TMCP và cũng là một trong những thành viên có vốn điều lệ cao nhất.

Tuy nhiên, năm 2012, "cuộc khủng hoảng" với nhiều vấn đề về nợ xấu, thanh khoản và rủi ro… xảy ra với hệ thống ngân hàng nói chung, khiến Eximbank cũng như nhiều ngân hàng khác rơi vào khó khăn phải tái cơ cấu.

Đặc biệt, trong gần 1 thập kỷ qua, Eximbank cũng trải qua nhiều sự thay đổi, nhất là vấn đề nhân sự. 

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo, lợi nhuận trước thuế quý 1/2023 của Eximbank đạt trên 900 tỉ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế 5.000 tỉ đồng được đưa ra đã được HĐQT của Eximbank tính toán kỹ dựa trên dự báo tình hình kinh tế khó khăn và có phương án thực hiện tối thiểu.

Với nền tảng khách hàng, Eximbank tiếp tục đặt trọng tâm và duy trì phát triển nền tảng khách hàng truyền thống, xác định "ngân hàng số" tương lai sẽ trở thành mô hình bán, cung cấp dịch vụ chủ yếu, có tính dẫn dắt và định hướng chuyển đổi cả mô hình kinh doanh và vận hành, đặc biệt là trong việc thu hút khách hàng mới. 

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của tân chủ tịch Đỗ Hà Phương, nhân tố mới, sức trẻ… cổ đông đang kỳ vọng, trước mắt Eximbank sẽ ổn định và kiện toàn bộ máy; sau đó là sự đoàn kết, có được những tiếng nói chung, cùng nhìn về một hướng để nhà băng này từng bước trở lại thời hoàng kim.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.