Ngày 1.7.2010, những kẻ đánh bom tự sát đã làm nổ tung ngôi đền Hazrat Data Ganj Bakhsh tại thành phố Lahore, thuộc tỉnh Punjab, Pakistan khiến 42 người thiệt mạng và 180 người bị thương.
>> Tàn phá di sản của nhân loại - Kỳ 4: Tan hoang ngôi đền 6 thế kỷ
>> Tàn phá di sản của nhân loại - Kỳ 6: Lâu đài 1.000 năm tuổi bị không kích
>> Tàn phá di sản của nhân loại - Kỳ 5: Đỉnh tháp hơn 1.100 năm bị đánh bom
Máu vương vãi khắp ngôi đền Hazrat Data Ganj Bakhsh sau vụ đánh bom tự sát - Ảnh: The Guardian
|
Chạm vào nơi linh thiêng nhất của dân chúng
Nhà chức trách Pakistan chịu sức ép rất lớn từ công chúng sau khi các cuộc tấn công của chiến binh nổi dậy ở Punjab gia tăng, đặc biệt là cuộc đánh bom tự sát tại đền Hazrat Data Ganj Bakhsh khi hàng ngàn người đang cầu nguyện và nghe rao giảng về đạo đức.
Đây là cuộc tấn công thứ hai nhắm vào các cơ sở tôn giáo trong thời gian ngắn và là vụ tấn công lớn nhất vào một ngôi đền Hồi giáo ở Pakistan kể từ năm 2001.
Truyền hình Pakistan đã quay được cảnh một chiến binh chạy vào tầng hầm rồi quấn bom tự sát quanh người, sau đó là cảnh tượng khủng khiếp: bom nổ làm hư hại nặng ngôi đền cùng số thương vong rất lớn. Tờ The Guardian (Anh) mô tả, sau khi bom nổ, trong làn khói dày đặc, kẻ đánh bom thứ hai len lỏi vào ngôi đền, chạy lên cầu thang, vào ngay khu vực trung tâm và kích nổ quả bom trên người. Hình ảnh ghi nhận sau đó cho thấy ngôi đền Hazrat Data Ganj Bakhsh sau vụ đánh bom đầy các mảnh vỡ và cơ thể người. Khắp các bức tường, sàn nhà và sân lát đá cẩm thạch, máu lẫn với xương thịt vương vãi khắp nơi.
Hôm sau, làn sóng phẫn nộ dâng cao trên toàn đất nước Pakistan. Dân chúng biểu tình khắp nơi yêu cầu các quan chức phải từ chức.
Cuộc tấn công đêm 1.7.2010 không phải là cuộc tấn công đầu tiên nhắm vào các ngôi đền cổ ở Pakistan. Ngày 8.3.2009, tổ chức cực đoan ở thành phố Peshawar đã đặt bom ngôi đền Rahman Baba. Cảnh sát cho biết kẻ đặt bom đã gắn thuốc nổ xung quanh các cây cột chính của ngôi đền. Đền Rahman Baba đã mở cửa lại vào tháng 10.2012 sau khi tái thiết.
Một trong những ngôi đền Hồi giáo lâu đời nhất ở Nam Á
Tọa lạc tại thành phố Lahore, Punjab, Pakistan, Hazrat Data Ganj Bakhsh là một trong những ngôi đền Hồi giáo lâu đời nhất ở Nam Á. Nó chứa hài cốt của vị thánh Sufi, Abul Hassan Ali Hajvery (thường được gọi là Ganj Bakhsh) sống vào thế kỷ 11, người được ban cho báu vật của đấng toàn năng Allah, theo quan niệm của người Hồi giáo. Abul Hassan Ali Hajvery đóng góp đáng kể vào việc truyền bá Hồi giáo ở Nam Á. Abul Hassan Ali Hajvery sinh ra ở Ghazna (ngày nay là Afghanistan) và qua đời ở Lahore vào năm 1077.
Ngôi đền ban đầu được xây dựng bởi vua Sultan Ibrahim Zakiruddin vào cuối thế kỷ 11, và đã được mở rộng nhiều lần. Trong chiều dài lịch sử, những người Hồi giáo và không theo đạo Hồi mong tìm kiếm phước lành, người dân của tất cả các tôn giáo khác đã đến viếng ngôi mộ của Ganj Bakhsh. Thủ tướng Pakistan là khách thường xuyên đến cầu nguyện tại đây. Trong những dịp đặc biệt, ngôi đền được trang trí đèn chiếu sáng, và các bữa ăn tối được chuẩn bị cho hàng trăm người dân cùng du khách. Họ nhảy múa trong khi nhạc công chơi nhạc suốt nhiều giờ.
Đã có những lo ngại an ninh gia tăng trong những năm gần đây sau khi có các mối đe dọa từ phía quân Taliban. Diện tích rộng lớn của khu phức hợp gồm nhà ở, các ngôi đền và quan trọng là được mở cửa 24/24 giờ để công chúng tham quan, cầu nguyện làm cho việc bảo vệ ngôi đền cực kỳ khó khăn. Các chiến binh Taliban và Salafis phản đối việc du khách viếng thăm ngôi mộ bằng cách luôn tạo ra những vụ nổ bom tại đây.
19 di tích vô giá của thế giới bị tàn phá trong thế kỷ 21
Kênh truyền hình CNN (Mỹ) đã thống kê 19 di tích vô giá của thế giới bị tàn phá trong thế kỷ 21: 1/ Nhà thờ Hồi giáo lớn ở Samarra, Iraq; 2/ Tượng Phật Bamiyan, Afghanistan; 3/ Thành phố cổ Bosra, Syria; 4/ Nhà thờ Hồi giáo Umayyad Aleppo, Syria; 5/ Máng nước Norias ở Hama, Syria; 6/ Pháo đài ở Aleppo, Syria; 7/ Chợ Al-Madina Souk, Syria; 8/ Cầu Deir Ez-zor, Syria; 9/ Thành phố cổ Nimrud, Iraq; 10/ Lâu đài Crac des Chevaliers, Syria; 11/ Lăng mộ Jonah, Iraq; 12/ Nhà thờ Hồi giáo Khaled Walid, Syria; 13/ Thành phố cổ Palmyra, Syria; 14/ Bảo tàng Armenian, Syria; 15/ Thành phố cổ Cyrene, Libya; 16/ Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo, Ai Cập; 17/ Nhà Quaid e Azam, Pakistan; 18/ Nhà thờ Hồi giáo Al-Omari, Gaza; 19/ Thủ đô Beirut cổ, Lebanon.
|
Bình luận (0)