Theo quy định về chuẩn đầu ra ngoại ngữ của Bộ GD-ĐT, các trường ĐH chủ động thiết kế chương trình đào tạo năng lực ngoại ngữ cho sinh viên để đảm bảo đạt chuẩn này khi ra trường.
Sau khi tân sinh viên nhập học, các trường ĐH tổ chức kỳ kiểm tra tiếng Anh đầu vào nhằm đánh giá, phân loại và xếp lớp theo đúng trình độ người học. Đây là kỳ thi áp dụng chung cho tân sinh viên ở các chuyên ngành (trừ trường hợp miễn thi theo quy định từng trường).
Đề thi thường tập trung vào 3 kỹ năng đọc hiểu, nghe, viết và phân bổ kiến thức từ dễ đến khó. Căn cứ vào kết quả thi, tân sinh viên sẽ tham gia các học phần Anh văn trước khi thi chuẩn đầu ra.
Chẳng hạn, theo thông tin từ website phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, tân sinh viên sẽ có lịch kiểm tra tiếng Anh đầu vào từ ngày 5-15.9. Bài thi gồm phần nghe (40 câu hỏi, thời gian làm bài khoảng 30 phút) và đọc (40 câu hỏi, thời gian làm bài 60 phút).
Vì đâu tân sinh viên lo sợ?
Sự lo lắng của tân sinh viên có thể xuất phát từ nhiều lý do như “ám ảnh” môn tiếng Anh, ngại đối diện với năng lực thật hay chỉ là tâm lý căng thẳng chung khi thi cử…
Chẳng hạn, L.T.M.T (tân sinh viên ngành tài chính-ngân hàng, Trường ĐH Công đoàn) thừa nhận bản thân “mất gốc” môn tiếng Anh ở các kỹ năng nghe, đọc và viết luận từ những năm THPT. Tương tự, Phạm Thị Thư (tân sinh viên ngành sư phạm văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2) cũng tự đánh giá trình độ tiếng Anh của mình chỉ ở mức trung bình. Do đó, cả M.T và Thư đều không tránh khỏi cảm giác lo sợ trước đợt kiểm tra này.
Trong khi đó, dù học khá đồng đều ở cả 4 kỹ năng tiếng Anh nhưng Võ Thị Tường Duy (tân sinh viên ngành Hàn Quốc học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) bộc bạch: “Tôi vẫn cảm thấy căng thẳng trước thềm bài kiểm tra đầu vào”.
Lý giải về nỗi sợ của sinh viên, cô Đỗ Thị Thu Trang, giảng viên dạy tiếng Anh khoa Báo chí và Truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng đây là tâm lý bình thường của mọi thí sinh trước bất cứ kỳ thi nào, nhưng không cần lo sợ thái quá nếu hiểu được bản chất kỳ thi.
Cần tham gia bằng năng lực thật
Theo cô Thu Trang, kỳ thi tiếng Anh đầu vào chỉ mang tính chất đánh giá - phân loại. Sinh viên chỉ cần tham gia bằng năng lực thật và nếu kết quả không như ý cũng sẽ không ảnh hưởng đến thành tích học tập tại trường ĐH.
Như vậy, thay vì đặt nặng vấn đề cần chuẩn bị tâm lý ra sao trước kỳ thi, tân sinh viên nên chuẩn bị tâm lý đối mặt với kết quả sau khi thi, rồi lấy đó làm động lực cải thiện trình độ ngoại ngữ.
“Chấp nhận thực tế mình chưa tốt tiếng Anh để biết phải nỗ lực nhiều nếu muốn cạnh tranh việc làm sau này. Sẽ rất cần thiết và hữu ích nếu tân sinh viên biết mình ở đâu, từ đó lên kế hoạch học tập nghiêm túc cho 3-4 năm học tới”, cô Thu Trang nói.
Sau bài kiểm tra đầu vào, tân sinh viên có thể nâng cao ý thức tự học ngoại ngữ bằng cách sử dụng hiệu quả hệ thống học liệu trong sách vở, internet… hoặc thông qua hoạt động thú vị như kết bạn với người nước ngoài để giao lưu tiếng Anh. “Tự học chiếm phần rất quan trọng giúp chinh phục tiếng Anh, miễn là người học dành đủ thời gian để tiếp xúc và thực hành ngoại ngữ này”, cô Trang gợi ý.
Theo cô Trang, việc học tiếng Anh không nên chỉ để đối phó với các kỳ kiểm tra mà cần xuất phát từ sự yêu thích cũng như mong muốn rèn luyện ngoại ngữ ở cả 4 kỹ năng.
Mặt khác, việc xác định năng lực ngoại ngữ thông qua một kỳ thi chỉ mang tính tương đối. Điều quan trọng là sau khi kết thúc thời gian học ĐH, sinh viên cải thiện được năng lực tiếng Anh hay vẫn “dậm chân tại chỗ”, cũng theo cô Trang.
Giúp tân sinh viên xóa nỗi ám ảnh mang tên tiếng Anh
Một số sinh viên với kinh nghiệm đi trước đã tạo ra những cộng đồng nhằm hỗ trợ tân sinh viên ôn tập, hệ thống kiến thức.
Đơn cử là cộng đồng học tập do Phạm Nguyễn Hạ Giang (sinh viên năm cuối, chuyên ngành kinh doanh quốc tế, Trường ĐH FPT Đà Nẵng) và Phạm Thị Đoan Trang (sinh viên năm 3, ngành quản trị du lịch-khách sạn, Trường ĐH FPT Đà Nẵng) cùng thành lập.
Trong đó, lớp học qua Google Meet của cả hai sẽ giúp tân sinh viên củng cố các điểm ngữ pháp quan trọng, đồng thời hướng dẫn cách làm và sửa chi tiết bài writing - vốn là kỹ năng “căng não” trong tiếng Anh.
Sau thời gian ôn tập, không ít sinh viên đã đạt kết quả khả quan trong kỳ thi tiếng Anh đầu vào cũng như dần xóa nhòa nỗi ám ảnh mang tên tiếng Anh.
Bình luận (0)