Tan tác rừng bạch tùng trăm tuổi ở Lâm Đồng: Khoanh vùng nghi can

26/11/2020 10:03 GMT+7

Bước đầu cơ quan chức năng H.Lâm Hà (Lâm Đồng) đã khoanh vùng được 6 nghi can cưa hạ rừng bạch tùng trăm tuổi

Như Thanh Niên đã đưa tin, hàng chục cây bạch tùng tuổi đời hơn trăm năm, tại tiểu khu 249 ở Lâm Hà (Lâm Đồng) bị cưa hạ tan tác và xẻ gỗ ngay tại hiện trường rồi mang bán cho Tổ trưởng quản lý bảo vệ rừng.

Phá rừng lấy gỗ bán cho tổ trưởng quản lý bảo vệ rừng

Khoanh vùng 6 người tình nghi phá rừng

Thông tin từ Hạt Kiểm lâm Lâm Hà, qua kiểm tra bước đầu, khu vực rừng bị phá có 11 cây gỗ với tổng khối lượng thiệt hại hơn 20,481 m3. Trong đó, có 17,6 m3 đã được đưa ra khỏi rừng, số còn lại nằm ngổn ngang tại rừng.
Từ khu vực này, những kẻ phá rừng dùng xe máy, gắn xích để vận chuyển gỗ bằng con đường mòn độc đạo khoảng 3 km đến thôn R’Hang Trụ, xã Phúc Thọ (Lâm Hà) để tiêu thụ.

Hàng chục cây bạch tùng bị cưa hạ trái phép tại TK 249

ẢNH: LÂM VIÊN

Ông Đồng Văn Tuyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm H.Lâm Hà, cho biết sau khi phát hiện việc cưa hạ rừng bạch tùng tại TK 249, đơn vị tiến hành kiểm tra khu vực canh tác cà phê gần khu rừng bị cưa hạ trái phép phát hiện trong vườn cà phê của ông Nguyễn Văn Tuyến (54 tuổi, ngụ thôn R’Hang Trụ, xã Phúc Thọ, H.Lâm Hà), là Tổ trưởng nhận khoán bảo vệ rừng tại TK 249, có hơn 1,5 m3 gỗ bạch tùng.
Bước đầu ông Tuyến khai nhận mua số gỗ bạch tùng trên của Bùi Minh Chí (còn gọi là Chí Phương, 38 tuổi, ngụ thôn R’Hang Trụ). Toàn bộ số gỗ bạch tùng tại nhà ông Tuyến đã bị tịch thu đưa về trụ sở Hạt Kiểm lâm H.Lâm Hà.

Cây bạch tùng cổ thụ có đường kính hơn 1 m bị cưa hạ để lấy gỗ

ẢNH: LÂM VIÊN

Tại thời điểm kiểm tra chưa xác định được những người khai thác rừng bạch tùng trái pháp luật tại TK 249. Bước đầu cơ quan chức năng khoanh vùng được 6 nghi can khai thác trái phép rừng bạch tùng nêu trên.
Sáng 25.11, các cơ quan chức năng H Lâm Hà có buổi họp để xem xét giải quyết vụ việc, thống nhất giao Công an H.Lâm Hà khởi tố vụ án để điều tra, truy tìm những kẻ phá rừng bạch tùng để xử lý theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Nhiều bìa gỗ còn để lại giữa rừng nguyên sinh

ẢNH: LÂM VIÊN

Ngày 25.11, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản hỏa tốc số 9553/ UBND-LN chỉ đạo Công an tỉnh, H.Lâm Hà, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, kịp thời xử lý nghiêm vụ khai thác cây rừng bạch tùng hơn trăm tuổi tại lô b2, khoảnh 2, TK 249, xã Đạ Đờn, H.Lâm Hà.

Bạch tùng cổ thụ tuổi đời hơn 100 năm bị cưa hạ tại TK 249

ẢNH: LÂM VIÊN

Khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm

Văn bản của UBND tỉnh Lâm Đồng nêu rõ: "Yêu cầu Chủ tịch UBND H.Lâm Hà chỉ đạo Công an huyện, Hạt Kiểm lâm huyện khẩn trương xác minh điều tra làm rõ vụ việc, hoàn tất hồ sơ để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật".
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ phối hợp, hỗ trợ Công an H.Lâm Hà tích cực điều tra, sớm hoàn thiện hồ sơ để xử lý nghiêm vụ khai thác rừng trái pháp luật nêu trên. Qua điều tra nếu phát hiện tổ chức, các nhân được giao quản lý rừng thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, câu kết, bao che, để xảy ra vi phạm thì xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa.
Mặt khác, tỉnh Lâm Đồng yêu cầu UBND H.Lâm Hà tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý trách nhiệm theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan do thiếu trách nhiệm, không kịp thời kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn để xảy ra việc khai thác trái phép cây rừng bạch tùng hơn trăm năm tuổi.

Hiện trường cưa xẻ cây bạch tùng tại TK 249

ẢNH: LÂM VIÊN

Qua tìm hiểu của PV Thanh Niên, gỗ bạch tùng tuy là loại gỗ nhóm IV nhưng hiện có giá trị cao, thời gian gần đây, gỗ bạch tùng được săn lùng để làm ván cho chim yến làm tổ trong các nhà nuôi yến. Gỗ bạch tùng chắc chắn, không thấm mốc, hút ẩm không cao vì có thớ gỗ dày, mùi hương dịu nhẹ giúp chim yến mau làm tổ và cho ra sản lượng tổ khá cao. Giá gỗ bạch tùng trên thị trường có giá từ 18 - 20 triệu đồng/m3, còn giá gỗ tròn bạch tùng nhà nước quy định là 3,5 triệu đồng/ m3.
Như Thanh Niên đã phản ánh, tại lô b2, khoảnh 2, TK 249, xã Đạ Đờn, H.Lâm Hà (lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Hà quản lý) có hàng chục cây bạch tùng đường kính từ 60 - 100 cm, tuổi đời hàng trăm năm bị cưa hạ nằm ngổn ngang. Những kẻ phá rừng ngang nhiên dùng máy xẻ gỗ ngay tại rừng bạch tùng, chỉ lấy phần lõi gỗ hộp đưa ra khỏi rừng để bán. Tại TK 249 vẫn còn lại những miếng bìa gỗ dày hơn 10 cm, nhiều ngọn cây vẫn còn lá xanh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.