Tan tác 'thủ phủ' tôm hùm

16/11/2020 07:33 GMT+7

Sau cơn bão số 12, cả một vùng nuôi tôm hùm sầm uất Xuân Đài (tỉnh Phú Yên) đã hoang tàn, xơ xác.

Vùng vịnh Xuân Đài được coi là thủ phủ tôm hùm của tỉnh Phú Yên. Con tôm hùm là thế mạnh kinh tế của vùng này, giúp hàng ngàn hộ dân thoát nghèo. Thế nhưng sau cơn bão số 12, cả một vùng nuôi tôm hùm sầm uất đã hoang tàn, xơ xác.
Bão số 12 gây mưa lớn. Lũ về đột ngột không những gây ngập lụt các khu dân cư mà còn khiến tôm hùm nuôi ở vịnh Xuân Đài, TX.Sông Cầu (Phú Yên) chết hàng loạt. Ngư dân sau một đêm bỗng chốc trắng tay.

Lũ qua, người nuôi tôm hùm trắng tay

Tôm chết đỏ lồng

Không khí ở làng biển Vũng La, thôn Dân Phú 2, xã Xuân Phương (TX.Sông Cầu) như đang có “đại tang”. Rất nhiều lồng nuôi tôm hùm bị sóng đánh vỡ rồi xô vào bờ, nằm chỏng chơ trên bãi cát như xoáy thêm vào nỗi đau của người nuôi tôm. Từng đợt thuyền thúng chở đầy tôm hùm chết vào bờ, chất thành từng đống. Rất nhiều nông dân xót xa, buồn bã, bất lực.
Vùng biển nuôi tôm hùm ở thôn Dân Phú 2 xơ xác sau bão lũ

Vùng biển nuôi tôm hùm ở thôn Dân Phú 2 xơ xác sau bão lũ

Tôm sốc nước ngọt chết cũng đã khiến cả thôn Dân Phú 2 “sốc” theo. Bà Nguyễn Thị Ngã (ở thôn Dân Phú 2) bưng rổ tôm chết, than thở: “Gia đình tôi thả nuôi 6.000 con tôm hùm. Trước khi bão vào, để ổn định lồng nuôi, gia đình tôi đã hạ thấp lồng xuống dưới mặt nước 7 m. Thế nhưng do lượng nước từ thượng nguồn đổ về quá nhiều, kéo theo bùn đất, khiến số lượng tôm của gia đình tôi bị sốc nước ngọt, chết hết. Làng này gia đình nào cũng có tôm nuôi chết vì sốc nước. Cả làng khóc ròng vì tôm chết bán không được bao nhiêu tiền, lỗ nặng”.
Gia đình ông Ngô Thanh Tuyền (cũng ở thôn Dân Phú 2) thả nuôi khoảng 13.000 con tôm hùm từ 3 - 10 tháng tuổi; chỉ sau một đêm khi lũ về, gia đình ông kiểm tra thì có đến 2/3 số tôm nuôi chết đỏ lồng. Ngày hôm sau tiếp tục kiểm tra thì số tôm còn lại cũng chết hết. “Toàn bộ vốn liếng dành dụm từ nhiều vụ tôm trước đều đầu tư hết vào vụ nuôi này. Giờ gia đình tôi trắng tay. Ngư dân lâu nay có lãi nhưng lãi nằm dưới nước với con tôm hùm. Hiện gia đình tôi còn nợ ngân hàng và người quen khoảng 600 triệu đồng, không biết lấy tiền đâu để trả”, ông Tuyền than thở.
Ông Nguyễn Văn Sáu, Trưởng thôn Dân Phú 2, cho biết toàn thôn có hơn 400 hộ nuôi tôm hùm, nhưng đến trưa 12.11 đã thống kê được 76 hộ dân bị thiệt hại với 8,3 tấn tôm chết. Ông Sáu nói: “Tôi chưa thấy năm nào bà con ngư dân nuôi tôm khó khăn như năm nay. Dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến những lứa tôm vào kỳ thu hoạch không thể xuất bán vì giá rẻ, không có thương lái đến thu mua. Trong tình hình ấy, ngư dân bấm bụng nuôi tiếp, chờ giá lên. Vậy mà giá vừa tăng thì lũ lại đến, cuốn sạch mọi hy vọng của ngư dân làng biển này”.

Cần tìm giải pháp lâu dài

Theo thống kê của UBND TX.Sông Cầu, do ảnh hưởng của bão số 12, có 1.521 lồng bè nuôi tôm hùm của 169 hộ dân tại các xã, phường: Xuân Phương, Xuân Yên, Xuân Thành và Xuân Đài bị chết, thiệt hại ban đầu khoảng 40 tỉ đồng. Nặng nhất là tại xã Xuân Phương: 762 lồng nuôi của 150 hộ với 53.340 con tôm hùm xanh bị chết, thiệt hại gần 14 tỉ đồng. Ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND TX.Sông Cầu, cho biết hiện nay địa phương chỉ mới thống kê thiệt hại ban đầu, rất có thể thiệt hại vẫn còn tăng trong những ngày tới.
Vào cuối năm 2017, cũng cơn bão mang số 12 đã quật tan tác vùng nuôi tôm hùm ở vịnh Xuân Đài. Mới gượng lại được thì năm nay, người nuôi tôm ở đây lại gặp cơn “bão kép”. Ông Nguyễn Văn Sáu đề xuất: Để người nuôi tôm hùm có thể gượng dậy sau đợt bão lũ ác nghiệt này, cùng với các biện pháp hỗ trợ trước mắt, ngành chức năng cùng chính quyền địa phương cần có giải pháp lâu dài cho việc nuôi trồng thủy sản ở vùng vịnh Xuân Đài, trong đó có con tôm hùm - một thế mạnh kinh tế của địa phương. “Chứ cứ thế này, mỗi lần có bão lũ là người nuôi tôm lại nơm nớp lo sợ tôm chết vì cả gia sản nằm dưới nước”, ông Sáu nói.
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, diện tích nuôi trồng thủy sản lồng bè ở Phú Yên đã được tỉnh quy hoạch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 là 1.650 ha, trong đó H.Tuy An 650 ha, TX.Sông Cầu 1.000 ha, với tổng số lồng bè nuôi theo quy hoạch trên 49.000 lồng, chủ yếu là con tôm hùm. Việc quy hoạch này nhằm phát triển vùng nuôi trồng thủy sản bền vững, hạn chế tình trạng nuôi trồng tự phát, kéo theo nhiều hệ lụy mà việc tôm chết hàng loạt do thả nuôi dày đặc hoặc nước biển bị ngọt hóa sau bão 12 là một ví dụ.

Người dân mong sớm được hỗ trợ

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, các hộ nuôi tôm hùm đang mong các cơ quan chức năng sớm thống kê thiệt hại, có biện pháp hỗ trợ vốn, giãn nợ, khoanh nợ vốn vay ngân hàng; đồng thời có những khuyến cáo kịp thời, cũng như tổ chức tập huấn nuôi tôm một cách khoa học, để chủ động ứng phó với hiện tượng thời tiết cực đoan như hiện nay. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.