Chị N.H, giám đốc một doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực y tế (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), kinh ngạc khi nhìn vào con số nợ đọng thuế, trong đó có tên hàng loạt đại gia bất động sản với khoản nợ vài chục tới vài trăm tỉ đồng. Chị kể, DN của chị chậm nộp tiền phạt vỉa hè là UBND quận gửi trát “dọa” cưỡng chế phong tỏa tài khoản ngân hàng của DN. “Còn thuế thì đừng hòng nói chây ì hay trốn tránh được, họ phong tỏa tài khoản, vừa cưỡng chế hóa đơn cái là khỏi hoạt động liền”, chị nói. Thế nhưng, nợ thuế tính đến hết tháng 9.2018 đã lên tới gần 83.000 tỉ đồng. Mới tuần trước, cả Cục Thuế Hà Nội và Cục Thuế TP.HCM tiếp tục công bố danh sách DN chây ì thuế nhưng giải pháp này có vẻ ngày càng giảm tác dụng. Minh chứng rõ ràng là con số nợ thuế vẫn tiếp tục tăng lên.
Thế nên, chị N.H cũng như rất nhiều DN khác không khỏi đặt câu hỏi, tại sao các đơn vị này lại có thể nợ lớn, nợ lưu cữu như vậy mà vẫn hoạt động? Lý do gì, nguyên nhân gì mà các đơn vị này được chây ì hay chây ì được với cơ quan thuế, đơn vị có đủ các giải pháp, biện pháp thu? Lọt sổ nhà thuế còn nhiều chuyện khó hiểu đến kỳ lạ. Như việc mỗi ngày hàng ngàn phương tiện đóng phí ra vào các chành xe trên địa bàn TP.HCM, việc thu phí “lụi” diễn ra giữa ban ngày nhưng chính quyền địa phương không biết. Vì “không biết” nên các khoản thu này đều không hóa đơn, phiếu thu, biên lai và tất nhiên là không nộp thuế. Xin nhắc lại là mỗi ngày cả ngàn lượt phương tiện, hoạt động lâu nay chứ không phải vài xe hay vài chục xe thỉnh thoảng tấp lụi một cái đâu đó nên có thể lọt sổ nhé. Ấy thế mà không ai biết, không ai quản, ngân sách chẳng thu được đồng nào. Đúng là chuyện lạ. Đó là chưa kể những nghi án chuyển giá trốn thuế, thất thu từ các dịch vụ xuyên biên giới... vẫn bỏ ngỏ.
Trong khi nguồn thu sờ sờ trước mắt không hiểu sao lại lơ đãng để lọt sổ thì nhà thuế lại sâu sát đến mức đưa cả những người bán hàng vỉa hè, chạy xe ôm vào diện quản lý thuế. Cơ quan này yêu cầu các cục thuế địa phương phải thường xuyên rà soát với các cá nhân kinh doanh không thường xuyên như xe ôm, xe lam, chủ thầu xây dựng vãng lai, kinh doanh quán cóc, vỉa hè. Các điểm tự phát - không chính thức được phép hoạt động như chợ tạm, chợ cóc, xóm làng, thôn, bản... cũng sẽ vào diện rà soát. Chưa hết, Bộ Tài chính cũng vừa đề xuất thu phí ô nhiễm môi trường đối với các phương tiện xả thải quá mức dù thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đã tăng kịch trần trước đó. Đó là chưa kể một loạt đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt với nước ngọt, thuế tài sản...
Chỉ cần cơ quan quản lý tốt các nguồn thu đang lọt sổ kể trên thôi thì ngân sách đã không căng thẳng đến mức Bộ Tài chính cả năm 2018 chỉ lo đưa ra các đề xuất tăng thuế, thu phí, khiến môi trường kinh doanh cũng như cuộc sống của người dân ngày càng căng thẳng, mệt mỏi.
Bình luận (0)