Tại hội nghị, lãnh đạo các nước đánh giá cao thành công của Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ASEAN - Nhật Bản tại Tokyo vào tháng 12.2023.
Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 của ASEAN, với kim ngạch thương mại hai chiều đạt 239,4 tỉ USD và là nhà đầu tư FDI lớn thứ 5 vào ASEAN, đạt 14,5 tỉ USD năm 2023.
ASEAN và Nhật Bản sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, củng cố chuỗi cung ứng, kết nối hạ tầng; tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh biển, chống tội phạm xuyên quốc gia, tăng cường an ninh mạng, quản lý và ứng phó với thiên tai.
Hai bên cũng sẽ dành ưu tiên cao cho hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, phát triển cơ sở hạ tầng xanh, hệ sinh thái xe điện, năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, giao lưu nhân dân, du lịch.
Bày tỏ vui mừng trong lần đầu tiên tham dự hội nghị cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Nhật Bản.
Mối quan hệ đã không ngừng được củng cố và phát triển qua 50 năm trên cơ sở 3 trụ cột "đối tác từ trái tim đến trái tim qua các thế hệ", "đối tác đồng kiến tạo kinh tế và xã hội tương lai" và "đối tác vì hòa bình và ổn định".
Thủ tướng Ishiba Shigeru cũng khẳng định cam kết của Nhật Bản tiếp tục tăng cường hợp tác và hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tăng cường kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư cần tiếp tục là động lực chính, đẩy mạnh kết nối các nền kinh tế hai bên. Thủ tướng cũng khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư hơn nữa vào ASEAN.
Nhằm kiến tạo tương lai phát triển tự cường và bền vững, tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu, thảm họa, thiên tai, Thủ tướng đề nghị Nhật Bản tiếp tục hợp tác, hỗ trợ các nước ASEAN, tiểu vùng Mê Kông ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng và thực hiện cam kết giảm phát thải, trong đó có thông qua sáng kiến "Cộng đồng Phát thải ròng bằng 0 châu Á".
Theo báo cáo của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), mặc dù còn nhiều yếu tố bất ổn, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả khu vực ASEAN+3 năm 2024 dự kiến đạt 4,2% và ước đạt 4,4% vào năm 2025.
Trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN và các nước Đông Bắc Á đạt 1.100 tỉ USD, trong khi tổng đầu tư FDI từ các nước trên vào ASEAN đạt 42,8 tỉ USD.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Úc lần thứ 4 cùng ngày, lãnh đạo các nước đánh giá cao thành công của Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Úc vào tháng 3.2024.
Kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN và Úc đạt 94,4 tỉ USD và đầu tư FDI từ Úc vào ASEAN đạt 1,6 tỉ USD năm 2023.
Thủ tướng Úc Anthony Albanese nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 quan hệ ASEAN - Úc, đề ra định hướng phát triển tương lai hợp tác hai bên trong các thập kỷ tiếp theo. Ông cam kết tăng cường hợp tác chặt chẽ, cùng xây dựng một khu vực kết nối chặt chẽ hơn, tự cường hơn.
Đánh giá cao mối quan hệ lâu đời với Úc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên cần tăng cường phối hợp chiến lược vì hòa bình và ổn định tại khu vực. Đồng thời, đánh giá cao Úc tiếp tục tích cực ủng hộ lập trường chung của ASEAN về Biển Đông.
Thủ tướng nhấn mạnh hai bên cần phối hợp tạo đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng hoan nghênh Úc hỗ trợ phát triển tiểu vùng Mê Kông và cảm ơn Úc ưu tiên hỗ trợ vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam phát triển “thuận thiên”, thích ứng biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị cần tăng cường giao lưu nhân dân, hợp tác giáo dục - đào tạo, nhất là mong muốn Úc cấp thêm học bổng cho sinh viên các nước ASEAN, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bình luận (0)