Tản văn về quê hương

15/02/2022 06:39 GMT+7

Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thờ i của tác giả Vũ Thế Long (do Chibooks phát hành) vừa ra mắt độc giả, được đánh giá như một trong những cuốn “bách khoa toàn thư” về phương ngữ, ẩm thực, phong tục, con người, đời sống… của nhiều vùng, miền Việt nam.

Những trang viết đưa người đọc ngược dòng thời gian về những năm đầu thế kỷ 20 để khám phá một thời người Hà Nội ăn uống, chế biến, sáng tạo ẩm thực, hay “đối xử” (cự tuyệt, đón nhận, hay “đồng hóa”) với những màu sắc ẩm thực du nhập, hay những giao lưu ẩm thực Đông - Tây, Nam - Bắc…

Các cuốn sách tản văn về quê hương của Chibooks ra mắt thời gian gần đây

Chibooks

“Ăn uống là một mặt rất quan trọng của văn hóa. Tìm ra cái bản sắc của văn hóa ăn uống VN - Hà Nội và đi sâu hơn nữa, bản sắc trong sự ăn uống của người Hà Nội để rồi từ đó mà gìn giữ, phát huy và phát triển nền văn hóa ăn uống của Hà Nội là điều không kém hệ trọng để xây dựng một nền văn hóa Hà Nội mới”, tác giả Vũ Thế Long bày tỏ. Cuốn Người Hà Nội: Chuyện ăn, chuyện uống một thời được ông viết từ những gì mà một người sinh ra và lớn lên trong thế kỷ 20 ở Hà Nội là mình biết được, bên cạnh đó là từ những câu chuyện của những cụ cao niên ở Hà Nội kể lại. Cái sự ăn, sự uống đơn giản cũng như cầu kỳ, cũng như chuyện đời của những con người ở đất Hà Thành được hiện lên qua những trang viết.

Cuốn sách này của tác giả Vũ Thế Long nằm trong tủ sách Văn hóa Việt do Chibooks thực hiện có: Vắt qua những ngàn mây (tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng); Sài Gòn, ruổi rong nỗi nhớ (Đào Thị Thanh Tuyền); Nha Trang mùa đẹp nhất (Đào Thị Thanh Tuyền); Bên sông Ô Lâu (Phi Tân).

Thời gian qua, nhiều tác phẩm mà phần nhiều viết về kỷ niệm, nỗi nhớ, về những con người... ở nhiều vùng đất Việt đã đến tay độc giả. Tập sách Sài Gòn, còn thương thì về! gồm tản văn và truyện ngắn của tác giả Tống Phước Bảo là những “mảnh ghép” về Sài Gòn: những chảo dẻ rang, cà phê kho, báo giấy... Những làn khói tỏa hương của tác giả Huỳnh Thúy Kiều là những ký ức về bà nội, về cha, về dòng sông, về con thuyền, về những ngày theo các anh trai đi đào trùn (giun đất)…, qua đó những màu sắc phong phú của đời sống, giá trị văn hóa bản địa Nam bộ được hiện lên. Tác giả Lê Đức Dương với Dòng sông với đôi bờ ký ức vừa là những ghi nhận với góc nhìn của một nhà báo, vừa là những nỗi niễm của ông khi từ nhỏ đã theo cha mẹ tới vùng đất Nha Trang - Khánh Hòa…

“Nhiều tác phẩm có giá trị tư liệu lớn do các tác giả khi viết về các vùng đất đều đã dày công nghiên cứu. Thậm chí, có người đã tìm hiểu hàng chục năm trời về phong tục, tập quán, tính cách, đặc trưng, những nét đẹp văn hóa đã mai một ở nhiều vùng, miền”, biên tập viên Hương Lan (Chibooks) nói.

Ngoài ra, bên cạnh giá trị về mặt tư liệu, những tác phẩm văn chương có lợi thế là với lối viết mềm mại, giàu cảm xúc dễ tiếp cận với độc giả ở nhiều lứa tuổi khác nhau, cũng như hướng đến đối tượng độc giả nước ngoài khi được chuyển ngữ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.