Hiện nay, ở VN đầu tư vào đồng tiền ảo có trên dưới 50 sàn, đầu tư tài chính như ACL hiện có trên 100 sàn, chưa kể sàn cho kiếm tiền nhanh 5 - 10 ngày có trên dưới 100 sàn. Một người chuyên quản lý tài khoản cho các nhà đầu tư (NĐT) nhận xét chưa bao giờ sàn đầu tư tài chính đa cấp mọc ra nhiều như hiện nay. Nếu như vài năm trước ông thường được mời tham gia sàn ngoại hối (forex), sàn vàng thì nay phần lớn lời mời tham gia chơi sàn đầu tư tài chính đa cấp.
“Sàn sập, tiền mất như cơm bữa”
Ông C.H.E, người đứng đầu một nhánh khoảng 30 NĐT trong mạng lưới ACL, cũng cho biết các sàn đầu tư tài chính đa cấp “thập diện mai phục” NĐT với đủ các hình thức, thời gian đáp ứng mọi nhu cầu, mọi đối tượng. Có sàn quy định chu kỳ đầu tư vài tháng đến một năm, có sàn cho kiếm tiền nhanh trong 5 - 10 ngày. Số tiền đầu tư cũng hết sức linh hoạt, từ vài triệu cho đến vài tỉ... đều có. “Sàn sập tiền mất cũng diễn ra như... cơm bữa. Có lần tôi mới bỏ vô 15 triệu đồng hôm nay, qua hôm sau gọi lại thì sàn đã biến mất”, ông nói.
Trước ACL, ông C.H.E cùng nhiều NĐT đã đổ tiền vào sàn đầu tư tài chính đa cấp YHglobal. Sàn này quảng cáo là “sàn đấu giá sản phẩm văn hóa nghệ thuật có 1 không 2 trên thế giới, có thể thay đổi hoàn toàn tương lai của NĐT, hoàn vốn cực nhanh, trả tiền mỗi ngày từ 30 - 100 USD ngay sau khi tham gia”... Theo đó, nếu đầu tư gói 10.000 USD, sau 5 tháng, ngoài hoàn vốn ban đầu đã rút ra, NĐT còn được lãi hơn 981 triệu đồng, gấp 5 lần so với tổng giá trị đầu tư. Còn đầu tư gói 5.000 USD có lãi gấp 4 lần với lợi nhuận hơn 417 triệu đồng, gói 3.000 USD lãi 208 triệu đồng... “Tôi đã đổ vài chục triệu đồng vào YHglobal và sàn này đã “lặn” mất tăm”, ông C.H.E cho biết. Còn bà Lê Đắc Chi Lan, người đầu tiên tham gia ACL tới nay, cũng bỏ tiền vào 4 sàn. Sàn đầu tiên đã sập; Mango9 - Mango10 đang mất hút còn 1 sàn khác "nuốt" của bà 150 triệu đến nay cũng “bặt tăm”.
Tháng 4 vừa qua, cả trăm NĐT đã tá hỏa khi sàn đầu tư tài chính BXP (trụ sở chính ở Malaysia) biến mất. Một NĐT cho biết, ông đã hết sức cảnh giác khi nghe giới thiệu dự án. Cho đến khi được đưa sang tận Malaysia thăm dự án thì ông hoàn toàn bị thuyết phục và tham gia. Sàn BXP quảng cáo trong 3 tháng tiền sẽ sinh sôi gấp đôi. Nếu đầu tư gói 1.000 USD, được trả lãi 12 USD/ngày, sau 3 tháng nhận về 1.800 USD; còn bỏ vào 10.000 USD nhận về 19.500 USD. Nếu mời thêm người khác bỏ tiền vào sàn sẽ được hưởng 10% hoa hồng trực tiếp trên tổng giá trị đầu tư của người mới. Thế là các NĐT rầm rộ đổ tiền vào BXP. Tới ngày đáo hạn, tiền trên tài khoản vẫn đổ về nhưng NĐT... không rút ra được. Màn hình chỉ chạy dòng chữ “hệ thống kỹ thuật cho chế độ mới chưa hoàn thành”. Thất thần, họ chạy đến những người đại diện BXP đã mời đầu tư và trực tiếp nhận tiền thì chỉ nhận được “cái lắc đầu”. Đến nay, các NĐT vào BXP vẫn không biết tiền của mình đang nằm ở đâu.
"Bẫy" lòng tham
Sau nhiều năm ăn ngủ với các sàn đầu tư, ông C.H.E thừa nhận rốt cuộc NĐT hầu như tay trắng, chỉ có chủ sàn là thắng. “Chơi trên sàn cứ như đánh bạc, thắng một ván khiến lòng tham nhân lên, thua thì cay cú muốn gỡ gạc lại, không dứt ra được. Sàn liên tục sập không làm người ta sợ vì họ nghĩ rằng mất lần này thì lấy lại ở đợt sau, lấy cho bằng người khác”, ông giải thích lý do biết rủi ro cao vẫn cứ đổ tiền hết sàn này đến sàn khác và cho biết đa phần các NĐT có tâm lý chấp nhận chơi, chấp nhận chịu và liều bỏ 1 lấy 10, giống như đánh đề. Có NĐT bỏ cả chục tỉ đồng vào, có người đi vay nóng vì muốn giàu nhanh.
Lý giải về việc các sàn tài chính đa cấp này vẫn lôi kéo được rất nhiều người tham gia, TS Lê Đạt Chí phân tích: đối tượng thường tham gia vào những sân chơi này đa phần là người từng bán hàng đa cấp trước đó, hoặc những người có thời gian bám sàn ngoại hối hay vàng. “Họ không thắc mắc cách thức lấy của NĐT mới trả cho NĐT cũ, thấy bình thường với mức lợi nhuận cao từ trên trời rơi xuống. Họ muốn kiếm tiền nhanh nên không bận tâm việc dự án có thật hay không, hay chủ sàn làm gì để có thể duy trì việc trả lãi lâu dài”, ông Chí nói. Tương tự, chủ sàn cũng nắm bắt được lòng tham của các đối tượng này nên thường giăng "bẫy" thông qua việc trả tiền đầy đủ, đúng hẹn trong thời gian đầu. Khi lấy được lòng tin, khi “cá đã say mồi” dồn tiền lớn đổ vào là lúc họ đánh mẻ lưới lớn, gom tiền và biến mất. Ngoài ra, một bộ phận thường rơi vào bẫy tài chính đa cấp là những người sống ở vùng quê, tin theo lời rủ rê của người thân, bạn bè, và mong đổi đời trong thời gian ngắn. “Nói cho cùng, chính lòng tham của một số người là đất sống cho các sàn này”, ông Chí kết luận.
Theo chuyên gia kinh tế Phan Minh Ngọc, mức lợi nhuận cao tại một thời điểm nào đó thì có thể đáng tin, nhưng nếu được hứa hẹn là thường xuyên, liên tục thì chắc chắn là lừa đảo. "Trên đời chẳng bao giờ có người lạ bày cỗ cho mình xơi, mời mình tham gia nhiệt tình như vậy. Vả lại, thời gian đầu tư ngắn ngủi, ví dụ 1 tuần hay 1 tháng thì cũng chẳng có khoản đầu tư nào đem lại mức lợi suất đến 5 - 6 lần như các sàn quảng cáo cả", ông Ngọc nói và nhận định: “Lòng tham và sự nhẹ dạ là lý do khiến nhiều người lao vào canh bạc này. Chủ sàn cho lãi lớn một vài lần để họ nổi máu tham, trong khi số tiền ban đầu bỏ ra không lớn nên NĐT càng dốc hết sức lao vào. Như đánh bạc bị gài độ, càng thua càng hăng, muốn gỡ lại, và vẫn cứ tiếp tục thua, chỉ có chủ sàn là lợi lớn”.
Nhà đầu tư mất trắng
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, NĐT sẽ đối diện 2 rủi ro. Thứ nhất, về rủi ro kinh doanh, người chơi bỏ tiền thật để lấy tiền ảo, nếu có siêu lợi nhuận cũng chỉ là lợi nhuận ảo. Chẳng ai đảm bảo đổi số tiền ảo đó ra tiền thật, trong khi tiền thật bỏ vào tài khoản ảo thì không thể lấy lại được. Thứ hai, về pháp lý, “đồng tiền liền khúc ruột”, nhưng đây là những giao dịch không hợp pháp tại VN, không được pháp luật bảo vệ, tiềm ẩn nhiều rủi ro, NĐT mất tiền không biết kêu ai.
“Chính vì thấy được lòng tham nên những người nước ngoài thường mở sàn để dẫn dụ NĐT Việt. Người đi sau thấy những người đi trước đã rút được tiền, là cứ thế đổ tiền vào. Nhưng thực tế thì tiền từ người đi sau trả cho người đi trước nên không thể có để trả mãi và chuyện sàn ôm tiền lặn mất là tất yếu. Hơn nữa, không có văn bản hay hợp đồng nào giữa NĐT với chủ sàn, do đó NĐT không có cơ sở nào để có thể khởi kiện khi xảy ra những tranh chấp, thiệt hại”, ông Hiếu phân tích.
|
Bình luận (0)