TAND TP.HCM xét xử 2 cựu cảnh sát kinh tế và 24 đồng phạm buôn lậu

25/05/2023 09:31 GMT+7

Hoàng Duy Tiến khi là cán bộ Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP.HCM đã thành lập 47 công ty, chủ mưu buôn lậu 1.280 container máy móc cũ, trị giá hơn 217 tỉ đồng.

Ngày 25.5, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Hoàng Duy Tiến (38 tuổi, cựu cán bộ Đội chống buôn lậu, Phòng cảnh sát kinh tế - Đội 7, PC03 Công an TP.HCM) và 25 đồng phạm về tội buôn lậu.

Xét xử 2 cựu công an và 24 đồng phạm buôn lậu - Ảnh 1.

Bị cáo Hoàng Duy Tiến tại tòa

NHẬT THỊNH

Trong vụ án, bị cáo Hoàng Duy Tiến và 24 đồng phạm bị xét xử ở khoản 4, điều 188 bộ luật Hình sự về tội buôn lậu (khung hình phạt từ 10 - 20 năm tù).

Riêng bị cáo Võ Văn Đông (cựu trung tá PC03) bị xét xử ở khoản 3, có thể bị phạt tiền từ 1,5 - 5 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 7 - 15 năm.

Cựu cảnh sát kiêm ‘ông trùm’ buôn lậu trăm tỉ hầu tòa

Theo cáo trạng, bị cáo Hoàng Duy Tiến là người am hiểu các quy định về hải quan, và biết rõ Quyết định số 18/2019 của Thủ tướng quy định chặt chẽ việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng vào Việt Nam.

Nhưng Hoàng Duy Tiến vẫn móc nối với các chủ hàng, tự thành lập 47 công ty, rồi trực tiếp sử dụng pháp nhân của 45 công ty, nhập khẩu trái pháp luật các máy móc, thiết bị cũ từ Nhật Bản, Trung Quốc… để kinh doanh mua bán, nhằm hưởng lợi bất chính.

Toàn bộ các hợp đồng ngoại thương, hóa đơn, chứng từ liên quan đến các lô hàng hóa đều được Tiến và đồng phạm điều chỉnh nội dung, làm giả, lập khống trở thành đủ điều kiện (chỉnh sửa năm sản xuất chỉ trong thời gian từ 2014 - 2015, mục đích nhập là "phục vụ cho hoạt động sản xuất") theo quy định của Quyết định 18.

Xét xử 2 cựu công an và 24 đồng phạm buôn lậu - Ảnh 2.

Các bị cáo tại tòa

NHẬT THỊNH

Sau đó, Tiến thỏa thuận giao lại thiết bị cho các chủ hàng để mua bán kiếm lời. Chi phí các chủ hàng trả cho Tiến là 78 - 90 triệu đồng/container tùy thời điểm, trong đó Tiến sẽ lo toàn bộ chi phí đóng thuế, trả tiền vận chuyển hàng về kho, chi phí trả cho công ty giám định, chi phí cho cán bộ kiểm hóa của hải quan...

Cáo trạng xác định Hoàng Duy Tiến là chủ mưu của vụ án buôn lậu trên. Từ khoảng tháng 9.2019 - 5.2021, Tiến mở 1.153 bộ tờ khai hải quan, buôn lậu trót lọt 1.287 container hàng, với tổng giá trị tài sản hàng hóa nhập lậu hơn 217 tỉ đồng.

Để hàng hóa đủ thủ tục thông quan theo Quyết định 18, Hoàng Duy Tiến đã móc nối với các bị cáo thuộc Công ty cổ phần giám định Đại Minh Việt để lập các biên bản hiện trường giám định hàng hóa, cấp chứng thư có nội dung khống để cung cấp cho cơ quan hải quan cho đủ thủ tục thông quan theo quy định.

Xét xử 2 cựu công an và 24 đồng phạm buôn lậu - Ảnh 3.

Dự kiến phiên xử sẽ kéo dài đến ngày 30.5

NHẬT THỊNH

Ngoài ra, nhóm các bị cáo là chủ hàng của Hoàng Duy Tiến, do có nhu cầu mua bán các mặt hàng máy móc, thiết bị cũ để kiếm lời, nên các bị cáo đã móc nối, thỏa thuận nhờ Tiến nhập hàng lậu về Việt Nam để bán kiếm lời; không có máy móc, thiết bị nào được nhập về để phục vụ sản xuất kinh doanh.

Liên quan đến vụ án, một số cán bộ Đội Thủ tục hàng hóa thuộc Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I, TP.HCM, và các cá nhân đã giúp sức cho Tiến và đồng phạm, Cơ quan điều tra đang thu thập chứng cứ, tiếp tục làm rõ để xử lý.

Vụ án xét xử Hoàng Duy Tiến và 25 đồng phạm buôn lậu dự kiến kéo dài đến ngày 30.5.

Xem nhanh 12h ngày 25.5: Lạ lùng tên trộm vái lạy cửa hàng | Một bệnh nhân ngộ độc botulinum tử vong

Đối với hành vi phạm tội của Võ Văn Đông, cáo trạng thể hiện, từ khoảng tháng 2.2021 - 24.5.2021, Hoàng Duy Tiến đã làm thủ tục, hồ sơ nhập khẩu và vận chuyển trót lọt về kho cho Võ Văn Đông 6 container máy móc, thiết bị đã qua sử dụng tính theo tờ khai hàng hóa nhập, tương đương hơn 900 triệu đồng.

Do bị cáo Võ Văn Đông buôn lậu vật phạm pháp trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỉ đồng nên bị cáo bị xét xử ở khoản 3, khung hình phạt thấp hơn các bị cáo còn lại trong vụ án.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.