Tối 7.12, UBND H.Tu Mơ Rông (Kon Tum) tổ chức tri ân 10 vị khách trong nhóm 10.000 khách du lịch đến địa phương nghỉ dưỡng trong năm 2023.
Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND H.Tu Mơ Rông, 9 du khách từ người thứ 9.991 đến 9.999 sẽ được tặng bức tranh thác công chúa Siu Puông - biểu tượng du lịch của H.Tu Mơ Rông cùng các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh.
Riêng vị khách du lịch thứ 10.000 là ông Nguyễn Đặng Hiến được UBND H.Tu Mơ Rông tặng cây sâm Ngọc Linh.
Ông Nguyễn Đặng Hiến cho biết bản thân rất vui, hạnh phúc vì tình cảm mà H.Tu Mơ Rông đã dành cho mình thông qua việc tặng sâm Ngọc Linh.
Ông Hiến đã đi qua các huyện Đắk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông khảo sát cây sâm dây để xây dựng nhà máy chế biến. Trong đó, khi đặt chân đến H.Tu Mơ Rông, ông cảm nhận tình cảm đặc biệt của lãnh đạo huyện khi họ trực tiếp đến tận nhà dân, tìm kiếm giải pháp để mang lại cuộc sống ấm no, tăng thu nhập cho người dân bằng đặc sản sâm dây.
Ông Hiến chia sẻ, khi lãnh đạo địa phương đã quan tâm dân thì họ sẽ dành sự quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp. Đây là lý do khiến ông quyết định đặt nhà máy chế biến ở H.Tu Mơ Rông.
Ông Hiến dự kiến trong năm 2024 sẽ phối hợp với chính quyền H.Tu Mơ Rông chuẩn bị kế hoạch, thủ tục thành lập nhà máy chế biến sâm dây.
Ông Võ Trung Mạnh cho biết, nhờ thu hút du khách, người dân Xơ Đăng đã có nguồn thu lớn từ việc phục vụ du lịch, thông qua các hoạt động biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, nấu ăn đến bán sâm và các loại cây dược liệu. Những món quà mà UBND huyện gửi tặng là sự tri ân đối với khách du lịch đã yêu mến cảnh đẹp Tu Mơ Rông.
Trước đó, vào chiều 7.12, UBND H.Tu Mơ Rông tổ chức hội thi Ẩm thực dược liệu - Tinh hoa núi rừng Ngọc Linh nhằm giới thiệu các món ăn đặc trưng, truyền thống của người Xơ Đăng và sáng tạo thêm các món ăn bổ dưỡng từ những loại dược liệu có trên địa bàn, như: sâm Ngọc Linh, sâm dây (còn gọi là hồng đẳng sâm), ngũ vị tử...
Tham gia hội thi có 11 đội của 11 xã trong H.Tu Mơ Rông và 9 đội khách mời đến từ các tỉnh Tây nguyên, TP.HCM, Bạc Liêu, Kiên Giang… Mỗi đội dự thi nấu ít nhất 5 món ăn chính, trong đó có 3 món bắt buộc sử dụng sâm dây và 2 món tự chọn theo vùng miền.
Chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn, phát triển ẩm thực Việt Nam và Hội đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn trực tiếp chấm, phân định giải thưởng cho các đội.
Bình luận (0)