Tăng chỉ tiêu xét tuyển đại học bằng học bạ, lo ngại 'chạy đua' bảng điểm đẹp ?

30/05/2019 08:02 GMT+7

Nếu như những năm trước đây, xét tuyển đại học bằng học bạ được phụ huynh và thí sinh ngầm hiểu là phương thức của các trường tốp dưới nhằm mục đích tuyển cho đủ chỉ tiêu mà bỏ qua yêu cầu về chất lượng đầu vào, thì những năm gần đây một số trường tốp trên cũng đã bắt đầu sử dụng điểm học bạ để xét tuyển.

Theo Bộ GD-ĐT, năm nay cả nước có 489.637 chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó 70% là chỉ tiêu xét tuyển căn cứ vào kết quả thi THPT quốc gia, 30% còn lại (147.797 chỉ tiêu) là xét tuyển bằng phương thức khác; hầu hết xét tuyển bằng học bạ.
So với năm ngoái, tỷ lệ chỉ tiêu của “phương thức khác” tăng 6%, về số lượng tăng gần 37.000. Ngay cả với những trường sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển, điểm học bạ cũng chiếm vai trò quan trọng khi một số trường đã đưa điểm học lực của ứng viên như một tiêu chí để có nhận hồ sơ xét tuyển.

Trường tốp trên cũng xét bằng học bạ

Nếu như những năm trước đây, xét tuyển bằng học bạ được phụ huynh và thí sinh ngầm hiểu là phương thức của các trường tốp dưới nhằm mục đích tuyển cho đủ chỉ tiêu mà bỏ qua yêu cầu về chất lượng đầu vào thì những năm gần đây nhận thức ấy đã thay đổi do một số trường tốp trên cũng đã bắt đầu sử dụng điểm học bạ để xét tuyển.
Năm nay xét tuyển vào đại học theo các phương thức khác, chủ yếu bằng học bạ tăng hơn năm trước ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Điển hình là khối trường công an, khối trường từ rất nhiều năm nay có mức điểm chuẩn cao nhất nước. Năm nay, các trường công an lần đầu tiên đưa điểm học bạ vào không chỉ với tư cách là một tiêu chí có tính chất điều kiện để xét tuyển mà còn là một tiêu chí cấu thành điểm xét tuyển. Chẳng hạn, với Học viện Cảnh sát nhân dân, hồ sơ của thí sinh chỉ đủ điều kiện được xét tuyển khi học lực các năm THPT phải đạt từ trung bình trở lên, các môn học thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển vào học viện phải đạt từ 7 điểm trở lên trong từng năm học THPT. Riêng thí sinh dự tuyển tổ hợp B00, ngoài điều kiện trên, thì học lực năm lớp 12 phải đạt loại giỏi. Đến khi xét tuyển, Học viện Cảnh sát nhân dân tiếp tục sử dụng điểm tổng kết 3 môn trong tổ hợp thí sinh dùng để xét tuyển của 3 năm lớp 10, 11, 12 với tỷ lệ 25% so với tổng điểm học bạ + điểm thi (điểm thi là 75%).  
Trường ĐH Ngoại thương, trường có điểm chuẩn cao nhất nước, năm nay cũng dành một tỷ lệ chỉ tiêu không nhỏ cho phương thức xét tuyển bằng học bạ. Cụ thể, trường sẽ xét 600 chỉ tiêu cho các chương trình hệ chính quy giảng dạy bằng tiếng Anh . Đối tượng tuyển sinh là học sinh các môn chuyên toán, lý, hóa, tiếng Anh, văn của các trường chuyên. Một trong các điều kiện nộp hồ sơ là có điểm trung bình chung học tập của 3 năm lớp 10, 11, 12 từ 8 trở lên, trong đó có điểm trung bình chung học tập 3 năm lớp 10, 11, 12 của 2 môn trong tổ hợp xét tuyển của trường (trong đó có môn toán và một môn khác không phải là ngoại ngữ) đạt từ 8,5 điểm trở lên. Khi xét tuyển, trường sẽ đánh giá trên hồ sơ mà một trong các tiêu chí để đánh giá  là điểm điểm trung bình chung học tập 3 năm lớp 10, 11, 12 của 2 môn (hoặc toán và văn; hoặc toán và một môn khác không phải ngoại ngữ).

Lo ngại không công bằng ?

Trước xu hướng trên, nhiều người tỏ ra lo ngại về tính công bằng trong tuyển sinh, bởi điểm học bạ vẫn được xem là không thực chất.
Chị B.L.U, một phụ huynh Trường THPT Yên Hòa (Q.Cầu Giấy, Hà Nội), nêu ví dụ: “Vừa rồi báo chí có nêu trường hợp thí sinh ở Hòa Bình đỗ thủ khoa một trường quân đội bằng điểm gian lận, nhưng thí sinh này đã khôn ngoan né hệ quả của gian lận thi bằng cách xét tuyển vào Trường ĐH FPT bằng điểm học bạ. Theo đó, điểm thi thật 3 môn khối A00 của thí sinh này chỉ 18,75; bình quân 6,25 điểm/môn. Còn điểm học bạ 3 môn A00 của em ấy là 24,65; bình quân 8,2 điểm/môn. Bất kỳ học sinh đang học THTP nào cũng biết rằng giữa bạn có mức điểm 6,25 và mức điểm 8,2 là rất khác nhau, thậm chí nếu là lớp chọn thì đó sẽ là một mức đứng cuối lớp và một mức đứng đầu lớp”.
Còn chị H.T.H, một phụ huynh có con học Trường THPT chuyên, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thì cho việc một số trường tốp lấy điểm học bạ để làm căn cứ xét tuyển là xu hướng khiến nhiều phụ huynh có con học ở các trường THPT có thương hiệu lo ngại, do học sinh ở những trường này bị thua thiệt trong cuộc chạy đua vào ĐH so với những bạn học ở các trường mà giáo viên “thương” học sinh, hoặc nhà trường mắc bệnh thành tích. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.