Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ năm 2016 - 2020, Kiên Giang triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Thả đồi mồi về biển ở TX.Hà Tiên - Ảnh: Minh Khoa |
Diễn biến phức tạp
Thời gian gần đây, tình trạng vi phạm bảo vệ nguồn lợi thủy sản (NLTS) trên ngư trường Kiên Giang diễn biến khá phức tạp, nhất là tại các vùng biển thuộc huyện Kiên Lương, Kiên Hải và Phú Quốc.
Trong đó, các hoạt động cào bờ, xiệp mé, đánh bắt thủy sản gần bờ ảnh hưởng nghiêm trọng đến NLTS. Theo ngư dân ở các địa phương này, việc xuất hiện nhiều tàu ngoài tỉnh vào ngư trường Kiên Giang sử dụng chất nổ đánh bắt hủy diệt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và hoạt động khai thác đánh bắt.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết thời gian qua, Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên biển, xử lý và ngăn chặn các phương tiện cào bờ, xiệp mé vi phạm vùng cấm khai thác và nghề cấm hoạt động theo quy định. Năm 2015, xử phạt hành chính 910 phương tiện vi phạm với tổng số tiền hơn 8,8 tỉ đồng. Việc sử dụng chất nổ để khai thác thủy sản là hành vi mới xuất hiện tại vùng biển Kiên Giang, chủ yếu là các phương tiện làm nghề lưới vây của các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, với thủ đoạn tinh vi, các cơ quan chức năng chưa phát hiện được vụ nào để xử lý.
Theo ông Tâm, để tăng cường bảo vệ NLTS, Kiên Giang đã phân vùng khai thác trên biển bao gồm: vùng biển ven bờ, vùng lộng, vùng khơi, vùng đệm giữa 2 tỉnh Kiên Giang và Cà Mau, vùng cấm khai thác và vùng cấm khai thác có thời hạn.
Trong đó, cấm khai thác quanh năm đối với tất cả các tàu cá tại vùng cấm khai thác và thời gian từ ngày 1.4 - 30.6 hằng năm ở vùng cấm khai thác có thời hạn; tàu cá công suất từ 20 CV trở lên cấm đánh bắt thủy sản vùng biển ven bờ và không được khai thác vùng lộng đối với tàu cá công suất 90 CV trở lên; tàu khai thác nghêu lụa, sò lông cho phép khai thác trong thời gian từ ngày 1.12 - 31.5 năm sau.
Nghiêm cấm sử dụng chất nổ, điện, công cụ kích điện, hóa chất, chất độc… để đánh bắt thủy sản; không khai thác thủy sản làm hủy hoại rạn đá ngầm, rạn san hô, các bãi thực vật ngầm và những hệ sinh cảnh khác; nghiêm cấm xâm hại, lấn chiếm các khu bảo tồn biển và không đánh bắt những loài thủy sản cấm khai thác. Không cấp phép đóng mới, phát triển tàu cá công suất dưới 30 CV để đánh bắt thủy sản và dưới 90 CV đối với tàu cá hành nghề lưới kéo.
Tái cơ cấu nghề khai thác
Để tái cơ cấu nghề khai thác thủy sản, Kiên Giang đã triển khai thực hiện 10 dự án bảo vệ và phát triển NLTS đến năm 2020 trên ngư trường, trong đó chú trọng dự án điều tra các nghề khai thác ở vùng biển ven bờ, vùng lộng để sắp xếp lại cơ cấu ngành nghề khai thác đánh bắt thủy sản phù hợp, đảm bảo hiệu quả kinh tế gắn với bảo vệ, tái tạo phát triển NLTS; ổn định và bền vững tính đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên. Đồng thời hướng dẫn ngư dân chuyển đổi nghề khai thác ven bờ, nghề cấm khai thác sang những ngành nghề khác; phổ biến nhân rộng các mô hình sản xuất trên biển theo tổ hợp tác, đội, tập đoàn… gắn với quản lý, bảo vệ vùng biển; phối hợp với Bộ NN-PTNT quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác thủy sản tại vùng khơi kết hợp tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Ngoài ra, tỉnh sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ, phát triển NLTS trong phạm vi vùng biển ven bờ, vùng lộng, vùng cấm khai thác và các khu bảo tồn biển. Thành lập những mô hình quản lý có sự tham gia của cộng đồng đối với việc quản lý vùng biển ven bờ, thả con giống về biển tái tạo NLTS tự nhiên.
Phối hợp với các ngành, đơn vị chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng, nhất là phổ biến những quy định về phân vùng khai thác, vùng và ngành nghề cấm khai thác, hoạt động đánh bắt mang tính hủy diệt đến tận hộ ngư dân để biết và nghiêm chỉnh thực hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản. “Thời gian tới, Chi cục Thủy sản tỉnh tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị, lực lượng có liên quan như: Cục Kiểm ngư, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Cảnh sát môi trường và các địa phương ven biển nhằm kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm, quản lý bảo vệ, tái tạo phát triển NLTS”, ông Tâm cho hay.
Bình luận (0)