Tăng cường bồi dưỡng thế hệ trẻ

19/05/2019 07:12 GMT+7

“Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Đó là điều đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi rõ trong bản Di chúc của Người cách đây 50 năm.

Trong ngày 18.5, 3 hội thảo phiên chuyên đề chuẩn bị cho phiên toàn thể của hội thảo khoa học Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau theo Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh do T.Ư Đoàn cùng với Ban Tuyên giáo T.Ư và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức đã diễn ra.
Nhiều ý kiến đã thảo luận và đưa ra những kiến nghị để hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ “vừa hồng, vừa chuyên” theo những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cán bộ trẻ phải “vừa hồng, vừa chuyên”

Phát biểu tại hội thảo phiên chuyên đề “Xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ vừa hồng, vừa chuyên và việc rèn luyện lề lối, tác phong cán bộ Đoàn theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, nhiều đại biểu cho rằng trong tình hình mới hiện nay, để đáp ứng được yêu cầu “vừa hồng, vừa chuyên”, các cán bộ trẻ phải được đào luyện qua thực tiễn để “tăng sức đề kháng”, không bị chín ép, chín gượng.
Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương trò chuyện với các đoàn viên thanh niên sau hội thảo Ảnh: Xuân Tùng
Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương trò chuyện với các đoàn viên thanh niên sau hội thảo Ảnh: Xuân Tùng
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức T.Ư), cho rằng trong Di chúc của Bác, ngay sau việc đầu tiên nói về Đảng, là Bác nói về đoàn viên, thanh niên và từ sau khi Bác đi xa, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, theo ông Hà, hiện nay đất nước đang đứng trong giai đoạn chuyển giao giữa thế hệ lãnh đạo sinh ra và lớn lên trong thời kỳ đấu tranh cách mạng, đất nước còn gian khổ và thế hệ sinh ra và lớn lên trong hòa bình. Ông Hà phân tích: Cán bộ trẻ hiện nay được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau, nhiều thể chế chính trị khác nhau. Đây là mặt mạnh nhưng cũng là mặt hạn chế của lớp trẻ hiện nay. Do vậy, để cán bộ trẻ có thể “vừa hồng, vừa chuyên”, ông Hà cho rằng họ cần phải đắm mình trong thực tiễn, đào luyện qua thực tiễn để có được nhân sinh quan cách mạng.
Đoàn sẽ tổ chức triển khai thật tốt các phong trào hành động cách mạng trong thanh niên để bồi đắp nên con người mới xã hội chủ nghĩa, những chủ nhân tương lai của đất nước như Bác hằng mong đợi
Nguyễn Anh Tuấn
Bí thư thường trực T.Ư Đoàn
“Thực tiễn vừa qua chúng ta vui mừng vì thấy rằng có nhiều cán bộ trẻ xuất phát từ Đoàn đã trở thành cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Nhưng không phải không đau lòng vì có những cán bộ trẻ chín ép, những trường hợp này đếm một bàn tay cũng không hết”, ông Hà nói và cho rằng đây là vấn đề đáng suy ngẫm trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” hiện nay.
Là cán bộ trẻ của Học viện Cảnh sát nhân dân, thượng úy Ngô Thị Bích Thu cho rằng, trong thời đại cách mạng 4.0 hiện nay, thanh niên cần phải hướng tới 5 tiêu chí: bản lĩnh chính trị vững vàng; tri thức phong phú; gương mẫu, trách nhiệm; chủ động, tích cực, sáng tạo không ngừng; thành thạo các kỹ năng toàn cầu. “Tiêu chí thứ nhất giúp chúng ta khắc phục tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn” mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã nhắc tới. Còn tiêu chí thứ 5 là cần thiết để những người cán bộ Đoàn hoàn thành nhiệm vụ được giao, nâng cao chất lượng công tác Đoàn và phong trào thanh niên, đáp ứng nhu cầu hội nhập”, thượng úy Thu bày tỏ.

Người lớn phải làm gương cho thế hệ trẻ

Theo các chuyên gia, hiện nay đại đa số thanh niên vẫn là tốt, nhưng xã hội thay đổi, xuất hiện không ít người có nhiều vấn đề phai nhạt lý tưởng, bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống, ý thức chấp hành pháp luật kém... Điều này không chỉ đặt ra cho Đoàn mà còn các cấp, các ngành về việc giáo dục cho thanh niên.
Mang tới hội thảo nhiều trăn trở về sự suy thoái đạo đức, lối sống trong thanh niên hiện nay, PGS-TS Lê Quý Đức, nguyên Phó viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), cho rằng hiện tượng khủng hoảng lý tưởng, đạo đức và lối sống biểu hiện ở một bộ phận thế hệ trẻ khi họ đi tìm, tung hô thần tượng lệch chuẩn khiến người lớn phải suy ngẫm.
Theo ông Đức, những người có trách nhiệm với thế hệ trẻ có quyền trách cứ, trừng phạt những người trẻ tuổi sa vào tiêu cực và tội lỗi, nhưng với lương tâm và trách nhiệm của mình, người lớn cần phải kiểm điểm lại chính mình, chứ không thể đổ lỗi hoàn toàn do những yếu tố khách quan. Đặc biệt, ông Đức đã chỉ ra cái “gốc” của hiện tượng tiêu cực trong một bộ phận thế hệ trẻ do hiện tượng tiêu cực trong xã hội (trong đó nhiều người có chức, có quyền trong bộ máy công quyền của nhà nước) “lây lan” sang giới trẻ, khiến giới trẻ suy giảm niềm tin.

Rèn luyện cán bộ qua phong trào hành động cách mạng

Với chủ đề thảo luận về Phong trào hành động cách mạng như môi trường thực tiễn để bồi dưỡng thanh niên theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm thế nào để đẩy mạnh phong trào hành động, tạo ra môi trường thực tiễn giúp thanh niên rèn luyện, hướng tới mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ “vừa hồng, vừa chuyên” là vấn đề nhiều đại biểu quan tâm tại hội thảo phiên chuyên đề thứ 3.
Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Khánh, Trung tâm nghiên cứu và phát triển MobiFone (Tổng công ty viễn thông MobiFone), khởi nghiệp sáng tạo đang là một xu thế lớn khi đất nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế... Anh Khánh cho rằng phong trào đổi mới sáng tạo cần được nhân rộng và phát triển mạnh mẽ ở tất cả các lĩnh vực. “Lãnh đạo các đơn vị cần tạo môi trường khuyến khích thanh niên sáng tạo, có những sáng kiến khởi nghiệp và tạo điều kiện tối đa cho các đề xuất của đoàn thanh niên”, anh Khánh bày tỏ.
Là địa phương khởi xướng nhiều phong trào, cuộc vận động, mô hình có sức lan tỏa, ảnh hưởng trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi cả nước như: “Ba sẵn sàng”, “Chiếc gậy Trường Sơn”, phong trào “Xây dựng tập thể học sinh, sinh viên xã hội chủ nghĩa...”, anh Nguyễn Ngọc Việt, Bí thư Thành đoàn Hà Nội, góp ý: “Các hoạt động cần tập trung cho cơ sở, hướng đến thanh niên, đảm bảo hiệu quả, tránh phô trương, hình thức. Đoàn cần xây dựng nội dung phù hợp với tâm lý tiếp nhận, nhu cầu và xu hướng của giới trẻ hiện nay. Đặc biệt, coi trọng công tác truyền thông, tận dụng tối đa hiệu quả, tiện ích của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông hiện đại”.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, nhìn nhận trong bối cảnh trên, để phong trào đi đúng hướng và đạt hiệu quả cao, thời gian tới, các cấp bộ Đoàn phải không ngừng đổi mới nội dung, phương thức triển khai các phong trào hành động cách mạng.
Theo anh Nguyễn Anh Tuấn, bên cạnh các phong trào đặc thù, phải cụ thể hóa phong trào trong từng nhóm đối tượng, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích hợp pháp, chính đáng của từng nhóm đối tượng thanh niên. Từ đó, định hình cách thức triển khai, gia tăng giá trị của phong trào nhằm thu hút sự tham gia của đông đảo thanh niên và các tầng lớp nhân dân.
“Đoàn sẽ tổ chức triển khai thật tốt các phong trào hành động cách mạng trong thanh niên để góp phần xây dựng, bồi đắp nên con người mới xã hội chủ nghĩa, những chủ nhân tương lai của đất nước “vừa hồng, vừa chuyên” như Bác hằng mong đợi”, anh Nguyễn Anh Tuấn nói.
Ý kiến
Không gian và điều kiện cho thanh niên vẫn còn chật hẹp
Ảnh: VYA.EDU.VN
       
Không gian và điều kiện cho thanh niên và công tác thanh niên cho đến nay vẫn còn chật hẹp và chưa tương xứng. Việc học tập và làm theo tư tưởng của Bác về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, Đảng và Nhà nước, toàn xã hội cần tiếp tục triển khai và thực thi những giải pháp tổng thể và toàn diện.
Cần xác lập và triển khai một chiến lược tổng thể về bồi dưỡng và phát huy thanh niên gắn với tầm nhìn và những bước phát triển của đất nước theo nhiệm kỳ, theo các mốc thời gian lớn như giai đoạn đến 2030, giai đoạn đến 2045.
Ngoài ra, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội cần có sự quan tâm đầu tư thực sự theo chiều sâu, bằng nguồn lực vật chất lớn và cụ thể đối với công tác bồi dưỡng thanh niên từ lý tưởng đạo đức, sức khỏe thể chất, đến kỹ năng và khả năng hành động.
Tiến sĩ Nguyễn Phú Trường
Phó giám đốc Học viện Thanh thiếu niên VN
 
Một số địa phương xem nhẹ giáo dục thế hệ trẻ
Ảnh: Xuân Tùng
       
Hiện nay, vẫn còn một số khó khăn trong công tác giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Đó là tình trạng một số địa phương, đơn vị còn xem nhẹ giáo dục đạo đức, lý tưởng sống, đạo đức chuyên môn nghề nghiệp cho thế hệ trẻ; nội dung giáo dục kiến thức văn hóa, khoa học kỹ thuật còn nặng tính hình thức, chưa phù hợp với đòi hỏi của thực tế cuộc sống...
Để thực hiện tốt chiến lược “trồng người", tổ chức Đoàn các cấp cần tập trung thực hiện triển khai có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thế hệ trẻ bằng nhiều hình thức chính quy và không chính quy, thực hiện “giáo dục cho con người” và “cả nước trở thành một xã hội học tập”, cũng như thực hiện phương châm “học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với đời sống xã hội”; nhằm đào tạo ra con người phát triển toàn diện, có năng lực và đạo đức cách mạng để phục vụ đất nước.
Nguyễn Thế Hoàn, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh
 
Huấn luyện cán bộ phải được xem trọng
Ảnh: Lê Hiệp
       
Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một di nguyện quan trọng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong công việc rất quan trọng và rất cần thiết ấy, bồi dưỡng thế hệ cán bộ kế thừa có ý nghĩa rất to lớn bởi cán bộ trong mọi giai đoạn luôn là “gốc của mọi công việc”. Việc bồi dưỡng thế hệ cán bộ cho đời sau phải được tiến hành trên tất cả các khâu của công tác cán bộ, từ tuyển chọn, đến huấn luyện, sử dụng, đánh giá... Với vị thế “là công việc gốc của Đảng”, huấn luyện cán bộ phải được xem trọng, thực hiện với hiệu quả cao, để góp phần hình thành các lớp cán bộ kế thừa xứng đáng. Đó là công việc rất quan trọng và rất cần thiết trong “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau”.
Thạc sĩ Thái Hồng Đức, Học viện Báo chí - Tuyên truyền
Cán bộ trẻ phải tích cực, chủ động
Ảnh: Lê Hiệp
       
Đội ngũ cán bộ trẻ nói chung và đội ngũ cán bộ Đoàn nói riêng cần chủ động, tích cực rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, tác phong; thường xuyên học tập, nghiên cứu, trau dồi nghiệp vụ, năng lực công tác đáp ứng yêu cầu người cán bộ trong giai đoạn cách mạng mới. Cần thực hiện tiêu chí “Sáng tạo, trách nhiệm, gương mẫu, sâu sát cơ sở”’; thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế làm việc, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, nhất là người đứng đầu; chủ động trong công tác tham mưu, hoàn thành xuất sắc cá nhiệm vụ được giao.
Hoàng Xuân Giao, Bí thư Tỉnh đoàn Hòa Bình
Vũ Thơ - Thu Hằng - Lê Hiệp (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.