Tăng cường chính sách tài khóa, thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa

17/10/2023 08:15 GMT+7

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay năm 2023 dù đạt được nhiều kết quả, song dự kiến 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra.

Sáng 16.10, tiếp tục phiên họp 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo KT-XH năm 2023, kế hoạch năm 2024; đánh giá giữa kỳ về tình hình thực hiện KT-XH 5 năm 2021 - 2025 và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế.


Xem xét tính khả thi mục tiêu tăng trưởng 2024

Báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội (QH) Vũ Hồng Thanh cho hay năm 2023 dù đạt được nhiều kết quả, song dự kiến 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể, cả năm ước đạt trên 5% (mục tiêu là 6,5%). Nền kinh tế "khát" vốn nhưng khó hấp thụ vốn; doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn về thị trường, dòng tiền và thủ tục hành chính… Ông Thanh cho hay số DN giải thể, phá sản tăng cao với hơn 135.000 DN rút khỏi thị trường trong 9 tháng. DN mới thành lập giảm 14,6% về số vốn đăng ký và 1,2% về số lao động. Cạnh đó, tình trạng DN thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến.

Phát triển KT-XH năm 2024: Các rủi ro vẫn hiện hữu - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ý kiến tại phiên họp

GIA HÂN

Trong khi đó, giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng (hết 9 tháng đạt 51,38% kế hoạch), chưa có sự lan tỏa đối với đầu tư tư nhân, chưa thể hiện vai trò nòng cốt trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Những "bất cập nội tại" được ông Thanh đề cập khi đánh giá lại nửa nhiệm kỳ qua. Theo đó, cơ cấu kinh tế chưa có thay đổi đáng kể; thu ngân sách thường xuyên vượt dự toán trong nhiều năm, nợ đọng thuế gia tăng; giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng còn chậm… Cạnh đó, theo ông Thanh, việc quá chú trọng kiềm chế lạm phát cũng là nguyên nhân khiến lãi suất cao. Đặc biệt là cuối năm 2022, đầu năm 2023 trong bối cảnh DN khó khăn, việc điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng được thực hiện quá chậm là những bất cập trong công tác điều hành, cần rút kinh nghiệm.

Trong 2 năm tới, ông Thanh nhìn nhận, tình hình thế giới dự báo sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, các rủi ro vẫn còn hiện hữu. Ông Thanh phân tích: "Năng lực cung ứng vốn của nền kinh tế còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng trong khi thị trường vốn, nhất là thị trường trái phiếu DN còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; hệ thống ngân hàng cũng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về nợ xấu. Thị trường bất động sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn…". Từ đó, cơ quan thẩm tra QH đề nghị Chính phủ xem xét, đánh giá tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 là 6 - 6,5%, cũng như việc hoàn thành mục tiêu cả nhiệm kỳ.

Về giải pháp, Ủy ban Kinh tế đề nghị tăng cường vai trò của chính sách tài khóa đối với hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Kịp thời giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng; tập trung giảm lãi suất cho vay, gỡ bỏ những rào cản chưa phù hợp trong việc tiếp cận tín dụng đối với các DN. Cạnh đó, tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tháo gỡ kịp thời các vướng mắc về các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật chưa thực sự phù hợp.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ quyết liệt khắc phục những hạn chế, yếu kém của một số ngành, lĩnh vực như công tác lập và triển khai thực hiện quy hoạch, cổ phần hóa, thoái vốn DN, những dự án thua lỗ kéo dài…

Vì sao cổ phần hóa DN nhà nước không tiến triển ?

Báo cáo tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đề nghị Ủy ban Thường vụ QH xem xét, cân nhắc các nhận định về những bất cập trong điều hành chính sách tiền tệ của cơ quan thẩm tra. Theo bà Hồng, các đánh giá Chính phủ đã "quá chú trọng kiềm chế lạm phát" hay "nghịch lý lạm phát thấp, lãi suất cao" chỉ là những góc nhìn riêng lẻ. Trong khi đó, công cụ chính sách tiền tệ phải dựa trên mục tiêu tổng thể nền kinh tế là vừa phải giảm lãi suất, đảm bảo ổn định tiền tệ, ngoại hối và an toàn hệ thống ngân hàng. Bà Hồng giải thích, vào tháng 10.2022, khi xảy ra sự cố rút tiền hàng loạt tại Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - SCB, Ngân hàng Nhà nước tập trung ưu tiên ngăn ngừa nguy cơ đổ vỡ hệ thống nên chưa điều chỉnh tăng trưởng tín dụng.

Nêu ý kiến, Chủ tịch QH nói nhất trí rằng "chính sách tiền tệ nếu nhìn ngắn quá cũng không được". "Một trong những trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế là tái cơ cấu thị trường tài chính, tiền tệ để nâng cao sức cạnh tranh, có thể chống được va đập của các cú sốc bên trong, bên ngoài. Đây là nhiệm vụ không thể nào không lưu tâm được, nhất là trong điều kiện nền kinh tế độ mở lớn, thế giới thì biến động mạnh", Chủ tịch QH nói, và cho rằng "phải chia sẻ với Chính phủ, các bộ, ngành chuyện này".

Liên quan tái cơ cấu nền kinh tế, Chủ tịch QH đề nghị tập trung tái cơ cấu DN nhà nước, trong đó trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty. "Đề nghị phía Chính phủ các đồng chí rà soát lại xem có vướng mắc gì về nhận thức hay không mà cổ phần hóa trong thời gian gần đây hầu như không có tiến triển gì. Cũng có người nói bây giờ đang làm ăn có lãi việc gì phải cổ phần hóa, như thế lại trật với Nghị quyết 12 của T.Ư về cơ cấu lại DN nhà nước", Chủ tịch QH nói.

Theo Chủ tịch QH, Nghị quyết 12 của T.Ư nêu rõ cổ phần hóa cả những tập đoàn, tổng công ty đang làm ăn có hiệu quả nhưng nhà nước không cần phải nắm giữ vốn. Theo Chủ tịch QH, nếu không thúc đẩy cổ phần hóa các DN nhà nước, sẽ rất khó thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển, rất khó huy động vốn dài hạn. Cùng đó, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn có hàng trăm nghìn tỉ thu từ cổ phần hóa, nên nếu không thực hiện sẽ không đủ tiền để đầu tư.

Về nhiệm vụ triển khai các quy hoạch, Chủ tịch QH đề nghị Chính phủ sớm ban hành kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII. Chủ tịch QH cho biết hiện đã có quy hoạch nhưng không có kế hoạch triển khai, vẫn đang tắc, địa phương nào cũng kêu, nhất là quy hoạch năng lượng tái tạo đang ghi trong quy hoạch rất chung chung. 

Công tác phòng cháy chưa tốt, rất sơ hở

Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng tình hình cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp. Vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội vừa qua cho thấy công tác phòng cháy "rất sơ hở". "Thường cứ mỗi vụ cháy xảy ra ở khu vực nào thì sau đó chúng ta rà soát lĩnh vực đấy. Ví dụ, cháy karaoke sau đó có hàng loạt chỉ thị về rà soát các tụ điểm karaoke. Bây giờ cháy chung cư mini chúng ta lại rà soát chung cư mini. Chúng tôi cho rằng công tác phòng cháy chúng ta thực hiện chưa tốt. Không chỉ chung cư mini mà đối với chung cư cao tầng khi xảy ra cháy hậu quả cũng sẽ khôn lường, không dễ mà thoát được", bà Nga nói. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, vào năm 2018, QH có cuộc giám sát rất lớn về PCCC và đã ban hành Nghị quyết 99 về công tác PCCC. "Chúng tôi đề nghị Ủy ban Quốc phòng - An ninh giúp QH kiểm tra lại Nghị quyết về PCCC, đề xuất Chính phủ tăng cường thực hiện các giải pháp mà QH đề ra trong nghị quyết", bà Nga kiến nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.