Tăng cường cơ sở vật chất để tránh quá tải trường lớp

28/10/2022 07:02 GMT+7

Chiều 27.10, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị 11 năm 2007 của Bộ Chính trị về công tác khuyến học , khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, thông tin tính đến năm học 2021 - 2022, toàn thành phố có 2.355 trường học, hơn 1,6 triệu học sinh và 77.409 giáo viên ở các cấp học. TP.HCM cũng có 1.791 cơ sở giáo dục thường xuyên, trung tâm ngoại ngữ tin học, trung tâm học tập cộng đồng, đồng thời là địa phương trú đóng của 51 cơ sở giáo dục đại học và Đại học Quốc gia TP.HCM.

Ông Dũng đánh giá chất lượng giáo dục và đào tạo của nhà trường từ mầm non, phổ thông, đến giáo dục thường xuyên của thành phố được khẳng định và có uy tín, không chỉ thu hút học sinh thành phố mà còn tiếp nhận học sinh đến từ các tỉnh, thành khác đến. Việc dạy và học ngoại ngữ nhận được sự quan tâm đặc biệt, giảng dạy nhiều thứ tiếng đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu phát triển năng động của thành phố.

Dù vậy, ông Dũng cũng chỉ ra nhiều hạn chế như nhân sự ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập cấp phường đa số là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi; kinh phí cho hoạt động các trung tâm học tập cộng đồng phụ thuộc nhiều vào ngân sách. Mặt khác, việc vận động thanh niên trong độ tuổi lao động theo học chương trình giáo dục thường xuyên, học nghề cũng còn khó khăn…

Còn lãnh đạo Hội Khuyến học TP.HCM cho biết đến nay Hội có hơn 1,4 triệu hội viên, hơn 1,3 triệu gia đình đạt chuẩn gia đình học tập, tương đương 71% tổng số hộ dân ở địa phương. Thực hiện cuộc vận động xây dựng quỹ khuyến học gia đình từ chương trình “Tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học”, các gia đình tiết kiệm hơn 2.640 tỉ đồng trong giai đoạn 2007 - 2020.

Ông Nguyễn Hồ Hải, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM, đánh giá cao những kết quả quan trọng trong công tác khuyến học, khuyến tài đã góp phần củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục. Trong thời gian tới, TP.HCM cần quan tâm đặc biệt công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng thành phố học tập để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa, từng bước đẩy mạnh sự phát triển của ngành kinh tế tri thức. “Mỗi cá nhân lựa chọn cho mình chương trình học tập phù hợp, nâng cao trình độ, ý chí học tập, phấn đấu trở thành công dân học tập, lan tỏa đến gia đình, cơ quan”, ông Hải gợi ý. Bên cạnh đó, ngành giáo dục chú trọng tăng cường cơ sở vật chất, tránh quá tải trường lớp, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân.

Dịp này, Thành ủy TP.HCM khen thưởng 47 tập thể và 27 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

TP.HCM công bố giờ vào học mới

Hôm qua (27.10), ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, đã thông tin chính thức về việc điều chỉnh giờ vào học của các bậc học.

Theo đó, giờ vào học của học sinh tiểu học là 7 giờ 30, học sinh THCS là 7 giờ 15 và học sinh THPT lúc 7 giờ.

Ông Minh cho biết theo đề án lệch giờ, lệch ca mà TP.HCM đang thực hiện từ nhiều năm nay, bậc tiểu học thực hiện chương trình một buổi nên vào học là 7 giờ. Nhưng hiện nay, bậc tiểu học thực hiện chương trình 2 buổi/ngày nên Sở GD-ĐT quyết định 7 giờ 30 vào học và các trường tổ chức dạy một ngày không học quá 7 tiết.

Còn đối với bậc THCS, trước đây theo đề án giờ vào học là 7 giờ 30 nhưng từ nay sẽ là 7 giờ 15. Còn giờ vào học của học sinh bậc THPT vẫn giữ nguyên 7 giờ.

Tuy nhiên, cũng theo ông Minh, các trường từ mầm non đến THPT phải xây dựng kế hoạch để mở cửa trường đón học sinh từ 6 giờ 30 mỗi ngày nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những phụ huynh cần đưa con em đến trường sớm để đi làm. Sở sẽ rà soát chấn chỉnh những trường thực hiện không đúng theo đề án ban đầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.