Đô thị ngập sâu
Những năm gần đây, tình trạng ngập lụt trong khu vực đô thị ở TP.Cần Thơ diễn ra ngày càng trầm trọng. Mỗi khi mưa lớn kết hợp triều cường, nhiều tuyến đường trong nội ô thành phố bị ngập sâu, gây ảnh hưởng lớn đến việc đi lại và sinh hoạt của người dân.
PGS-TS Lưu Đức Cường, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, cho biết theo kết quả mô phỏng thủy lực, đến năm 2050 lũ thượng nguồn tăng 15% cộng với nước biển dâng, mực nước ở ĐBSCL có thể gia tăng từ 50 - 60 cm. Vì thế sẽ có thêm nhiều đô thị trong vùng bị ngập sâu trên 1 m, trong đó TP.Cần Thơ là 1 trong 2 đô thị bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Thời gian ngập kéo dài từ 2 - 5 tháng như hiện nay cũng sẽ tăng lên 5 - 7 tháng. Theo bà Trần Thị Lan Anh, Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị Việt Nam, tình hình lũ lụt tại Cần Thơ đang diễn biến hết sức bất thường trong vài năm gần đây. Nếu năm 2000, mực nước lũ là 1,79 m thì đến năm 2011 đã đạt mốc 2,15 m. Dự báo nếu nước biển dâng 1 m sẽ gây ngập 68% diện tích thành phố, còn lên 2 m thì làm ngập tới 99%.
Trước tình hình trên, TP.Cần Thơ đã triển khai 2 dự án ứng phó với biến đổi khí hậu là Dự án nâng cấp đô thị thành phố (dự án 1) và Dự án nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL - Tiểu dự án TP.Cần Thơ (dự án 2). Sau khi 2 dự án được thực hiện, diện mạo đô thị thành phố đã có nhiều thay đổi, góp phần giải quyết các vấn đề về ngập lụt, xử lý nước thải... Tuy vậy trên thực tế, nhiều tuyến đường tại trung tâm thành phố vẫn còn tình trạng ngập cục bộ mỗi khi mưa lớn.
Thích ứng với biến đổi khí hậu
Dự án phát triển TP.Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (dự án 3) được triển khai vào ngày 3.6 vừa qua là sự tiếp nối của 2 dự án trên. Dự án này sẽ góp phần tăng cường khả năng chống chịu của thành phố trước những nguy cơ về ngập lụt và ảnh hưởng từ việc đô thị hóa nhanh; đồng thời hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý đô thị cho TP.Cần Thơ thích ứng với biến đổi khí hậu trong vai trò là trung tâm kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL.
Dự án được triển khai tại khu đô thị lõi của TP.Cần Thơ gồm 3 quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng với tổng diện tích 2.675 ha, số dân được bảo vệ trong những ngày triều cường là 966.000 người và 10,3 triệu người (tương đương 60% tổng dân số khu vực ĐBSCL) được hưởng lợi gián tiếp. Ngoài ra, khu vực doanh nghiệp cũng được hưởng lợi nhờ cơ sở hạ tầng được cải thiện.
Ông Huỳnh Thanh Sử, Giám đốc Ban quản lý Dự án ODA TP.Cần Thơ, cho biết dự án được chia làm 3 hợp phần, gồm: kiểm soát ngập lụt và vệ sinh môi trường, phát triển hành lang đô thị, tăng cường quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổng mức đầu tư cho dự án hơn 322 triệu USD (tương đương gần 7.340 tỉ đồng) từ nguồn vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB), vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) và vốn đối ứng từ ngân sách của TP.Cần Thơ.
Theo ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, dự án 3 được khởi động là cả một quá trình nghiên cứu, chọn lọc toàn diện, trong đó có sự tham gia tích cực của các chuyên gia WB, lãnh đạo địa phương và sự đóng góp ý kiến của người dân. “Thành phố sẽ thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình thi công các gói thầu. Cần Thơ cam kết sẽ cân đối ngân sách để bố trí vốn đối ứng kịp thời với tiến độ giải ngân vốn ODA của nhà tài trợ”, ông Thống cho biết thêm.
Từ nay đến năm 2021, dự án sẽ triển khai hàng loạt công trình chống ngập như kè sông Cần Thơ, âu thuyền Cái Khế - Đầu Sấu - Hàng Bàng, hồ điều hòa, chứa nước tại khu làng đại học, hồ Long Hòa; xây dựng cầu Quang Trung (đơn nguyên 2), cầu và đường Trần Hoàng Na...
|
Bình luận (0)