Tăng cường xây dựng sức mạnh quốc gia trên biển

03/11/2020 07:25 GMT+7

Tại hội nghị góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các đại biểu đã góp ý nhiều nội dung như: Phải coi trọng việc bảo vệ môi trường và tăng cường an ninh trên biển.

Chiều 2.11, T.Ư Đoàn tổ chức Hội nghị thanh niên công chức, viên chức, doanh nhân trẻ, lực lượng vũ trang góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội (ĐH) đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban Dân vận T.Ư, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện; ông Bùi Văn Thạch, Phó chánh văn phòng T.Ư Đảng; ông Lại Xuân Lâm, Phó bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư; anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam.

Bảo vệ môi trường phải là nhiệm vụ trọng tâm

Đóng góp ý kiến về xây dựng, phát triển đất nước, nhiều đại biểu đã nhấn mạnh phải coi trọng việc bảo vệ môi trường khi phát triển kinh tế - xã hội.
Anh Phùng Quang Thắng, Bí thư đoàn Văn phòng T.Ư Đảng, cho rằng thực tế 3 lĩnh vực kinh tế, xã hội và môi trường là một thể thống nhất, ngày càng gắn bó chặt chẽ với nhau. Đặc biệt, ở nước ta, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên là thách thức rất gay gắt, ngày càng tác động rất mạnh, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, ổn định xã hội và cuộc sống của nhân dân.
Trao đổi tại hội nghị, anh Nguyễn Ngọc Lương cho biết đây là hội nghị thứ 4 T.Ư Đoàn tổ chức, để các bạn trẻ góp ý cho văn kiện ĐH lần thứ XIII của Đảng. Tại hội nghị này, các đại biểu đã tiếp tục trao đổi thẳng thắn, trực diện vào các vấn đề trong dự thảo các văn kiện ĐH lần thứ XIII của Đảng. Điều này thể hiện tâm huyết, tình cảm, trách nhiệm, trí tuệ của tuổi trẻ đối với Đảng quang vinh; đồng thời thể hiện tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của thanh niên với Đảng.
Theo anh Phùng Quang Thắng, chất lượng không khí ở Hà Nội và một số tỉnh phía bắc nhiều ngày ô nhiễm tới mức nghiêm trọng. Gần đây nhất là lũ lụt nghiêm trọng tại một số tỉnh miền Trung, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, làm chậm sự phát triển của nền kinh tế đất nước. Hằng năm, miền Trung luôn là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì lũ lụt. Vì vậy, anh Thắng đề nghị: “Cần bổ sung nội dung về bảo vệ môi trường vào nội dung “phát triển kinh tế - xã hội” thành “phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường là trung tâm”.
Cũng nhấn mạnh đến việc bảo vệ môi trường, chị Đoàn Thị Kiều Hương, Bí thư Đoàn Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, cho rằng hầu hết đoàn viên thanh niên đều nhận thức bảo vệ môi trường hiện nay là đặc biệt quan trọng cùng với phát triển kinh tế - xã hội. “Vấn đề môi trường đang rất khó khăn, thách thức với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, ảnh hưởng lớn đến sự sống của nhân loại toàn cầu. Vì vậy, cần bổ sung nội dung bảo vệ môi trường cùng với phát triển kinh tế - xã hội là trụ cột trung tâm”, chị Hương đề nghị.

Xây dựng thế trận an ninh trên biển

Tại hội nghị, anh Trần Văn Hiểu, Bí thư Đoàn Học viện An ninh nhân dân, cho rằng cần nhấn mạnh nội dung về "xây dựng thế trận an ninh trên biển". Bởi lẽ, tình hình các hoạt động trên biển và yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc trên biển trong thời gian qua đang có nhiều diễn biến phức tạp và được quan tâm hơn bao giờ hết.
“Hơn nữa, chúng ta đã có chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045. Trong đó, xác định vấn đề huy động sức mạnh và nguồn lực đảm bảo an ninh quốc phòng, hợp tác quốc tế và phát triển kinh tế biển... Đây chính là cơ sở, vừa là đòi hỏi cấp thiết phải xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên biển để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đó”, anh Hiểu nói.
Theo thượng tá Phạm Khoa Nam, Trưởng phòng Công tác quần chúng, Quân chủng Hải quân, thời gian tới tình hình các vùng biển ngày càng diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, khó lường. Vì vậy, để góp phần thực hiện thắng lợi định hướng, nhiệm vụ “Phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh” giai đoạn 2021 - 2030, cần tăng cường công tác tuyên truyền về phát triển kinh tế, gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo; tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận của Đảng về nhiệm vụ này. Đặc biệt, thượng tá Nam cho rằng cần nghiên cứu xây dựng các khu kinh tế quốc phòng trên các đảo, quần đảo; tăng cường xây dựng sức mạnh quốc gia trên biển (cả lực lượng kinh tế, nghiên cứu khoa học, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…) tương xứng với tầm quan trọng của biển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.