|
Tăng “khủng”
|
Những người truy cập internet bằng điện thoại di động (ĐTDĐ) đăng ký gói cước không giới hạn với số tiền từ 50.000 đồng/tháng thì sắp tới sẽ trả lên 70.000 đồng/tháng (gói cước với dung lượng đến 600 MB, sau đó thì tốc độ truyền dữ liệu sẽ chậm hơn). Riêng gói cước dành cho học sinh - sinh viên từ mức 35.000 đồng/tháng tăng lên 50.000 đồng/tháng, tương đương tăng gần 43%. Cả 3 nhà mạng đều có mức tăng cước ở 2 gói dịch vụ nói trên như nhau. Đây là lần thứ hai trong năm nay, 3 nhà mạng này đồng loạt tăng cước 3G.
Ở đợt tăng mới nhất từ đầu tháng 4 vừa qua, các nhà mạng tăng giá khoảng 25%. Nguyên nhân tăng giá đợt này cũng được các nhà mạng đưa ra tương tự như lần tăng trước đó: cước 3G tại VN đang ở mức thấp nhất thế giới, về lâu dài, các nhà mạng sẽ không có lợi nhuận để tái đầu tư.
Việc tăng giá cước lần này của các nhà mạng đã được Cục Viễn thông, Bộ Thông tin - Truyền thông, chấp thuận. Tuy nhiên trước đó, cơ quan này cho biết các nhà mạng sẽ được tăng mức cước trung bình lên 20%, thời điểm tăng do nhà mạng tự quyết định. Vậy mức tăng hơn 40% của các nhà mạng có vượt giới hạn cho phép của cơ quan quản lý hay không?
Bản thân các nhà mạng cho rằng có gói cước tăng cao hơn 20% nhưng có gói tăng thấp hơn nên tính trung bình vẫn ở mức cho phép của Cục Viễn thông. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hầu hết những người đang sử dụng thiết bị di động như ĐTDĐ, máy tính bảng phần lớn đều đăng ký gói cước không giới hạn dung lượng. Sinh viên, học sinh cũng là đối tượng có nhu cầu truy cập internet bằng ĐTDĐ hay thông qua máy tính kết nối di động bằng sim 3G…nhiều. Vì vậy có thể hiểu vì sao hai gói cước trên có mức điều chỉnh cao nhất.
Ông Phạm Tiến Thịnh - một chuyên gia về viễn thông - cho rằng, việc tăng giá cước 3G mức cao nhất đến hơn 40% là quá nhiều. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đại đa số người dùng VN, đặc biệt là sinh viên - học sinh, đối tượng cần được tạo điều kiện để tiếp cận thông tin nhiều nhất. Giá cước 3G của VN hiện đang thấp hơn nhiều nước nhưng mức thu nhập bình quân trên đầu người của VN cũng thấp hơn nhiều nước. Vì vậy khó có thể nói rằng cước 3G của Việt Nam là thấp nhất thế giới để tăng cước.
Có thể thấy số lượng thuê bao 3G tại VN có mức tăng mạnh liên tục qua từng năm, nguồn doanh thu này cũng tăng dần đều cho các nhà mạng. Theo số liệu từ Bộ Thông tin - Truyền thông, đến cuối năm 2012, VN đạt gần 16 triệu khách hàng thuê bao 3G, tăng gần gấp 5 lần so với năm 2011. Hiện nay cả nước đã có gần 20 triệu khách hàng sử dụng 3G. Thử làm một phép tính đơn giản, nếu có khoảng một nửa trong số gần 20 triệu thuê bao 3G sử dụng gói cước không giới hạn, thì với việc tăng thêm 20.000 đồng/tháng/thuê bao từ ngày 16.10, 3 nhà mạng nói trên có thể sẽ đem về doanh thu 200 tỉ đồng mỗi tháng.
Ép người tiêu dùng
|
VN hiện có tổng cộng 6 mạng viễn thông đã đi vào hoạt động nhưng 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone và MobiFone chiếm tới 95% thị phần viễn thông cả nước. Riêng trong lĩnh vực 3G ước tính 3 nhà mạng này chiếm đến 99% thị phần. Như vậy việc cùng nhau tăng cước vào một thời gian và mức cước giống nhau cho thấy người tiêu dùng không còn sự chọn lựa nào khác nếu vẫn muốn sử dụng 3G.
TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nhận định: Hiện tượng 3 nhà mạng lớn nhất, chiếm gần 100% thị trường viễn thông cùng lúc tăng giá cước 3G là dấu hiệu của việc bắt tay liên kết thỏa thuận giá dịch vụ. Đây là dấu hiệu của hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác khi bắt tay liên kết thỏa thuận giá. TS Ngô Trí Long nhấn mạnh, cơ quan chức năng như Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cần nhanh chóng vào cuộc điều tra. Phải làm rõ việc các nhà mạng dựa vào cơ sở nào để tăng giá và liệu có liên kết tăng giá hay không.
“Trong thông báo gửi đến người dùng, các nhà mạng cho biết được sự đồng ý của Bộ Thông tin - Truyền thông, từ 16.10.2013 điều chỉnh giá cước các gói là mang tính đánh lừa, hù dọa thiên hạ. Đây là thông điệp phi lý. Việc Bộ Thông tin - Truyền thông cho phép tăng giá cước là không đúng chức năng và thực tế, cơ quan này không có quyền cho phép nâng giá. Bộ Thông tin - Truyền thông chỉ quản lý về mặt chuyên môn, không có quyền định giá”, TS Long nhấn mạnh.
Theo TS Đinh Thị Mỹ Loan, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, có hai dấu hiệu rõ ràng để đặt nghi vấn về việc thỏa thuận giá trong vụ tăng cước 3G. Đó là cả 3 nhà mạng đang ở vị trí thống lĩnh tăng giá cùng một thời điểm. Vì vậy, Cục Quản lý cạnh tranh phải lập tức yêu cầu các nhà mạng này giải trình, tiến hành điều tra về dấu hiệu thỏa thuận giá dịch vụ.
3G phản công OTT Ở nhiều hội thảo về dịch vụ viễn thông thời gian qua, đại diện 3 nhà mạng nói trên đã nhiều lần công khai phản ứng việc các ứng dụng gọi điện, nhắn tin miễn phí qua môi trường internet (OTT) đã khiến họ thất thu. Các nhà mạng đều mong muốn cơ quan quản lý nhà nước sẽ can thiệp vào việc này. Nhưng phương án cấm dịch vụ OTT chắc chắn sẽ không là lựa chọn vì phi lý và phản khoa học. Và nhiều khả năng các nhà mạng này đã ra tay bằng cách tăng cước 3G để bù lỗ khoản thiếu hụt. |
Mai Phương - N.Trần Tâm
>> Đồng loạt tăng cước 3G
>> Chống nghẽn mạng di động bằng 3G
>> Bước ngoặt của thị trường 3G
Bình luận (0)