Tăng giá điện bán lẻ lên 2.103 đồng/kWh từ 11.10

11/10/2024 17:45 GMT+7

Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố điều chỉnh giá điện từ ngày 11.10. Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân là hơn 2.103 đồng/kWh, tăng 4,8% so với giá hiện hành.

Chiều 11.10, tại Hà Nội, Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức công bố về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện từ ngày 11.10.

Theo Quyết định số 1046/QĐ-EVN ngày 11.10 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, giá bán lẻ điện bình quân là 2.103,1159 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 11.10. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Dịp này, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 2699/QĐ-BCT ngày 11.10.2024 quy định về giá bán điện, trong đó ban hành giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán lẻ điện cho các đơn vị bán lẻ điện.

Trước đó, ngày 10.10, Bộ Công thương đã công bố nội dung về kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN theo đó giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2023 là 2.088,90 đồng/kWh, tăng 2,79% so với năm 2022.

Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN, cho biết việc tăng giá điện lần này được tính toán để không ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, phát triển kinh tế đất nước. Giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh lần này chỉ ảnh hưởng 0,04% CPI và đây là mức rất thấp.

Cũng theo EVN, về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể.

Theo số liệu thống kê, năm 2023 cả nước có 815.000 hộ nghèo chung và các hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện theo chủ trương của Chính phủ.

Các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 7/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng.

Các hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng.

Trước đó, ngày 10.10, Bộ Công thương đã công bố kết quả kiểm tra, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN với tổng chi phí sản xuất, kinh doanh điện là 528.604 tỉ đồng bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành, tăng 35.338 tỉ đồng (tương ứng tăng 7,16%) so với năm 2022. Giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2023 là 2.088,9 đồng/kWh, tăng 2,79% so với năm 2022.

Tăng giá điện bán lẻ lên 2.103 đồng/kWh từ 11.10- Ảnh 1.

EVN công bố tăng giá điện

ẢNH: THANH NIÊN

Cũng theo Bộ Công thương, năm 2023 EVN lỗ 34.244 tỉ đồng; thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023 là 12.423 tỉ đồng.

Theo đó, tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2023 và các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN (thu nhập từ hoạt động tài chính và từ tiền bán công suất phản kháng) vẫn lỗ hơn 21.821 tỉ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).

Chia sẻ tại tọa đàm Giá thành điện - thực trạng và giải pháp, do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 10.10, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết giá thành sản xuất điện là 2.088 đồng/kWh và giá bán bình quân 1.953 đồng/kWh.

Như vậy, giá thành điện đã cao hơn giá bán điện bình quân là 6,92%, đây là tình trạng mua cao bán thấp.

Đối với ngành điện, giá đầu vào thì theo thị trường nhưng đầu ra không đủ theo các chi phí mà đã tính đúng, tính đủ, hợp lý, hợp lệ trong quá trình sản xuất kinh doanh điện.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng đây chính là bất cập, gây ra hệ lụy cho sản xuất, kinh doanh điện và cho các ngành sử dụng điện, cho cả nền kinh tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.