Tăng giá, tăng chiết khấu nhưng xăng dầu vẫn khan hàng

04/11/2022 06:27 GMT+7

Sau 2 ngày tăng giá, thị trường xăng dầu đã bớt căng thẳng hơn nhưng tình trạng hết hàng, bán định mức vẫn còn. Đáng lo ngại là chưa có giải pháp nào để giải quyết triệt để việc khan hiếm nguồn cung hiện nay.

Vẫn bán định mức, hết hàng

Tại thị trường lớn nhất cả nước là TP.HCM, đến ngày 3.11 tình trạng thiếu hụt nguồn cung vẫn tiếp diễn. Khảo sát thực tế của PV Thanh Niên ngày 3.11 tại nhiều tuyến đường thuộc khu vực các quận 5, 6, 11 và Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân…, nhiều cửa hàng từng thông báo hết xăng trước đó đã mở bán trở lại, giảm bớt áp lực chờ đợi cho người có nhu cầu đổ xăng.

Tình trạng hết hàng vẫn diễn ra tại nhiều cửa hàng thuộc doanh nghiệp đầu mối lớn (ảnh chụp ngày 3.11 tại TP.HCM)

Chí Nhân

Cụ thể, các cửa hàng của Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex) đều mở bán và tăng trụ bơm phục vụ khách; hay như các cửa hàng xăng thuộc hệ thống Công ty CP vật tư - xăng dầu (Comeco) trước đây thường bán đầu giờ sáng, đến tầm 9 - 10 giờ là hết hàng, nay đã mở bán liên tục qua buổi trưa, dù số trụ bơm hoạt động vẫn còn ít hơn so với số trụ bơm tạm ngưng. Đặc biệt, thời điểm cuối giờ sáng, nhiều cây xăng được xe bồn tiếp tục bổ sung nguồn cung, giảm áp lực về nhu cầu cho toàn hệ thống.

Tuy nhiên, sự thiếu hụt nguồn cung vẫn còn dễ dàng nhận thấy ở nhiều nơi. Đặc biệt là các doanh nghiệp (DN) tư nhân nhỏ và đơn vị được nhượng quyền. Cụ thể, sáng 3.11, cửa hàng xăng dầu gần ngã tư Âu Cơ - Lạc Long Quân thông báo “hết xăng, chờ nhập hàng”. Cùng trên trục đường này, một cây xăng lớn của hệ thống Hiệp Quế tại giao lộ Âu Cơ - Lũy Bán Bích (Q.Tân Phú) mở bán đến 10 giờ thì tạm ngưng chờ nhập hàng. “Hiện tại chỉ còn dầu, xăng đầu giờ chiều mới có hàng trở lại. Mong quý khách thông cảm”, nhân viên ở đây giải thích. Một số trạm xăng khác cũng thuộc hệ thống Hiệp Quế vào cuối giờ sáng qua cũng hoạt động cầm chừng từ 1 - 2 trụ bơm.

Trong khi đó, một cửa hàng xăng dầu trên đường Bàu Cát (Q.Tân Bình) nhiều ngày qua đã tạm ngưng hoạt động vì hết xăng, đến trưa 3.11 vẫn chưa mở cửa lại vẫn với lý do… hết xăng. Đây cũng là lý do của nhiều cửa hàng xăng trên đường Kinh Dương Vương ở khu vực gần Bến xe Miền Tây theo ghi nhận của chúng tôi. Một số cửa hàng tại khu vực này tiếp tục duy trì chính sách bán theo định mức 30.000 đồng/lượt với xe máy và 200.000 đồng/lượt ô tô.

“Vẫn chỉ bán 30.000 đồng cho một xe gắn máy vì hàng nhỏ giọt lắm. Bán thoải mái đến trưa hết hàng lại bị nhắc nhở, phạt. Nên bà con thông cảm, đổ ít vừa đi, nhường cho người sau”, cửa hàng trưởng một đại lý xăng dầu gần Bến xe Miền Tây giải thích.

Tăng dự trữ nhà nước để “ứng cứu”

Điều đáng nói là các DN như Thanh Lễ, Petrolimex, Comeco… là những cái tên được Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên “trông cậy” để chia sẻ nguồn cung với các hệ thống bán lẻ khác, nhưng chính cửa hàng bán lẻ của họ vẫn đang thiếu hàng cục bộ trong ngày 3.11 theo khảo sát của chúng tôi.

Trước đó, tại cuộc họp về nguồn cung xăng dầu, giải pháp cấp thiết nhất được Bộ Công thương đưa ra là đề nghị các DN đầu mối nhà nước mở kho dự trữ thương mại để ứng cứu. Ông Nguyễn Hồng Diên cho rằng xăng dầu là nguồn năng lượng không thể thiếu cho nền kinh tế. Do đó, Bộ đề nghị các DN xăng dầu “anh cả” phải cam kết không để đứt gãy nguồn cung và đề nghị các DN có vốn nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu như: PVN, Petrolimex, Tổng công ty xăng dầu quân đội, Công ty CP thương mại dầu khí Đồng Tháp (Petimex), Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ… chia sẻ nguồn cung của mình từ nguồn dự trữ thương mại, kể cả việc tăng sản lượng sản xuất và tăng sản lượng nhập khẩu.

Ngay sau đó, Petrolimex đã cho tăng cường 1 tàu xăng 40.000 khối, cập cảng Nhà Bè (TP.HCM) trong ngày 3.11 để kịp phục vụ thị trường TP.HCM. Tuy nhiên, lượng hàng “ứng cứu” của “ông lớn” Petrolimex không thể giải quyết dứt điểm tình trạng đứt gãy nguồn cung tại TP.HCM.

Ngay tại thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền Tây, tình trạng đứt gãy nguồn cung vẫn diễn ra khá “đều đặn” trong nhiều ngày qua.

Ngày 3.11, đại diện Petrolimex cho biết để đáp ứng kịp thời nhu cầu tăng cao đột biến, trong quý 4/2022, tập đoàn đã tăng sản lượng lên 3 triệu m3, tăng 140% sản lượng được giao. Riêng trong cao điểm tháng 10, sản lượng bán lẻ tại các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex trên toàn quốc tăng 51% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 13% so với tháng 9.2022. Đặc biệt, tại khu vực TP.HCM, sản lượng bán lẻ trong một số ngày của tháng 10 tăng 2,4 lần (240%) và các ngày đầu tháng 11 tăng 1,65 lần (165%) so với trung bình các ngày thường.

Thế nên, tính hết quý 3, tồn kho của tập đoàn đã giảm hơn 6.800 tỉ đồng (tương đương giảm 34%) so với quý 2. Tương tự, Tổng công ty dầu PV Oil cũng giảm tồn kho trong quý 3 đến 1.900 tỉ đồng (giảm 35%). Hai “ông lớn” Petrolimex và PV Oil hiện đang nắm gần 70% thị phần xăng dầu cả nước, nguồn tồn kho lại giảm mạnh gần 9.000 tỉ đồng, việc trông chờ các DN này giải cứu là điều không dễ dàng.

Theo Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, lượng xăng dầu dự trữ của VN đến từ 2 nguồn: dự trữ lưu thông của DN và dự trữ xăng dầu quốc gia. Với phần dự trữ lưu thông (hay còn gọi là dự trữ thương mại), theo quy định, các đơn vị đầu mối, phân phối phải đảm bảo lượng hàng dự trữ lưu thông đủ 20 ngày tiêu thụ bình quân của năm liền kề. Lượng hàng dự trữ này là mặt hàng DN kinh doanh thường xuyên và họ tự bỏ chi phí duy trì tồn kho.

Theo số liệu tới ngày 30.9, dự trữ thương mại của các DN là hơn 1,25 triệu m3 xăng dầu (chưa gồm nguồn từ hai nhà máy lọc dầu, nhập khẩu trong kỳ của các DN). Mức dự trữ này tương đương 74% lượng tiêu thụ bình quân của cả nước trong một tháng. Trong thực tế, các DN đầu mối nhà nước cũng đang khá chật vật để bảo đảm cung ứng nguồn hàng cho hệ thống. Một số DN lớn đã tăng sản lượng được giao lên mức cao nhất.

Lãnh đạo Petrolimex - đơn vị nắm 50% thị phân xăng dầu - cho rằng sức “chống chịu” của DN cũng chỉ có giới hạn, những giải pháp đã thực hiện như tăng sản lượng liên tục, nhập cao bán thấp… chỉ mang tính ngắn hạn, tình thế, cần có các giải pháp mang tính lâu dài, căn cơ hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn tồn tại.

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú nhận xét: “Đó chỉ là giải pháp tình thế. DN đầu mối cho dù là tư nhân hay nhà nước thì vẫn kinh doanh, vẫn hoạch toán lỗ lời và chịu trách nhiệm kết quả kinh doanh của mình. DN đầu mối chỉ có thể dự trữ nguồn hàng để họ bán ra. Dự trữ xăng dầu chiến lược là câu chuyện của nhà nước. Nhà nước phải dự trữ, tổ chức lại thị trường. Nguồn dự trữ xăng dầu quốc gia phải dài hạn, đủ dùng 3 - 6 tháng, khi thấp mua vào, cao bán ra...”.

TP.HCM giảm cửa hàng thiếu xăng

Tại buổi họp báo kinh tế - xã hội định kỳ tháng 10 của UBND TP.HCM vào chiều 3.11, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP.HCM, cho biết tình trạng thiếu nguồn cung xăng, dầu vẫn diễn ra dù số cửa hàng thiếu xăng đã giảm nhiều so với các ngày trước. Ngày 1.11, có 111 cửa hàng thiếu xăng, nhưng đến ngày 3.11 chỉ còn 65 cửa hàng, tập trung chủ yếu ở khu vực ngoại thành. Qua kiểm tra các cửa hàng thiếu xăng, ông Đạt khẳng định không có tình trạng găm hàng. Ngoài nguyên nhân thiếu nguồn cung diễn ra phổ biến, một số cửa hàng thiếu nợ nên đơn vị cung ứng không bán thêm.

Từ đầu năm 2022 đến nay, đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 12 DN, lấy 89 mẫu xăng, dầu các loại để giám định, đánh giá chất lượng. Kết quả, 88 mẫu đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn và 1 mẫu chưa đạt. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn đánh giá mẫu chưa đạt không có dấu hiệu pha trộn, làm giả hay vi phạm nghiêm trọng, mà có thể do lỗi trong quá trình bảo quản, vận chuyển. Cục Quản lý thị trường TP.HCM phạt DN có mẫu chưa đạt hơn 1 tỉ đồng.

Sỹ Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.