Tăng giá vô lý, Hạ Long muốn 'đóng cửa vịnh'?

26/10/2019 06:23 GMT+7

Muốn giảm khách nhưng không tính được ngưỡng khách hợp lý, muốn tăng giá khách sang nhưng lại không thông tin về dịch vụ bổ sung, nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng Hạ Long đang muốn “đóng cửa vịnh”.

“Đánh úp” doanh nghiệp, "đánh" mạnh vào khách nghỉ đêm

Việc dự định tăng như thế dường như Quảng Ninh đang muốn đóng cửa vịnh. Đó là một cú sốc lớn với doanh nghiệp. Tăng 63%, chả nước nào tăng thế, chả đâu tăng thế. Đây là cách làm không giống ai

Ông Phạm Văn Hà, CEO của Luxury Tour

Hai ngày 24 - 25.10 là thời điểm các đơn vị lữ hành, các nhà tàu ở Hạ Long (Quảng Ninh) sôi sục vì văn bản lấy ý kiến về việc tăng tiền vé, tiền lưu trú đêm trên vịnh do Ban Quản lý vịnh Hạ Long gửi. Theo đó, các hạng mục tiền vé tham quan Hạ Long từ ngày 1.1.2020 sẽ tăng từ 20 - 73%. Mức tăng giá với vé tuyến tham quan ban ngày là 50.000 đồng/lần/người. Trong khi đó, với các tuyến có ngủ đêm trên vịnh, mức tăng là 550.000 đồng/lần/người với lưu trú 1 đêm, tăng 650.000 đồng với lưu trú 2 đêm. Giá tham quan có ngủ đêm trên vịnh do đó lên tới 1,5 - 1,7 triệu đồng/lần/người.
Về tiến độ lấy ý kiến, văn bản của Ban Quản lý vịnh Hạ Long được gửi từ ngày 22.10 và đến tay các doanh nghiệp kinh doanh tàu trên vịnh vào ngày 24.10. Theo yêu cầu từ văn bản của Ban Quản lý vịnh Hạ Long, các doanh nghiệp chỉ có 1 ngày để gửi ý kiến, vì hạn cuối là ngày 25.10.
Ông Tạ Quang Thắng, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty du lịch Viet-Travels, cho biết doanh nghiệp thường phải lên sản phẩm và báo giá với đối tác nước ngoài từ trước 6 tháng để chào bán. Chính vì vậy, đơn vị quản lý không có lộ trình điều chỉnh mức vé tham quan khiến các doanh nghiệp lữ hành, cũng như địa phương mất uy tín với du khách nước ngoài. “Việc kinh doanh lữ hành trên vịnh Hạ Long lâu nay doanh nghiệp không ít lần bị đánh úp. Riêng việc đề xuất tăng giá vé tham quan vịnh Hạ Long lần này cũng vậy, không hề có lộ trình cụ thể”, ông Thắng nói.
Ông Nguyễn Duy Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty CP du thuyền Pelican, cho biết: “Các tàu đang đóng nguồn ngân sách khá lớn thông qua thuế dịch vụ. Trung bình giá phòng 1 đêm là 4 triệu đồng thì doanh nghiệp đã đóng góp 400.000 đồng tiền thuế. Còn tăng giá vé thì một là khách hàng hoặc doanh nghiệp phải chịu còn đơn vị quản lý thắng cảnh thu cả, trong khi chất lượng dịch vụ thì họ không quyết định được”. Thời điểm lấy ý kiến tăng giá cũng khiến ông Phú bất bình. Các tàu thường phải giảm giá vào mùa đông, dịp thấp điểm để hút khách. “Vậy thì tại sao địa phương không tính chuyện miễn phí thời gian này mà cứ nhằm tăng giá?”, ông Phú nói.

"Tư duy BOT, tận thu di sản"

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục
Du lịch: “Chủ trương đúng, cách triển khai sai vẫn tạo ra tiêu cực” 

Thứ nhất, việc tăng phí dịch vụ theo thẩm quyền là của UBND tỉnh. Nhưng với Hạ Long là một biểu tượng của du lịch, một di sản quốc gia, một di sản thế giới thì chắc chắn khi ứng xử với nó cũng cần thận trọng hơn, đặc biệt hơn. Nên tham khảo các cơ quan khác trước khi đưa ra quyết định.
Thứ hai, việc tăng giá cũng phải đi kèm với đầu tư, khi tăng giá thì dịch vụ phải được bổ sung. Mình phải chứng minh cho người ta thấy việc đầu tư công khai. Chẳng hạn, đầu tư thêm để an toàn an ninh cho khách ngủ đêm. Hiện nay, Hạ Long cũng đang đầu tư thêm các khu nghỉ an toàn, thì phải nói rõ cho công chúng biết.
Thứ ba, phải có lộ trình kế hoạch tăng giá. Chẳng hạn, trong 5 năm tới tôi đầu tư thêm các dịch vụ này, tôi tăng giá lên bao nhiêu phần trăm, với lộ trình mỗi năm tăng bao nhiêu phần trăm giá. Điều này phải được thông báo trước cho doanh nghiệp.
Việc tăng giá mà không thuyết phục được thì doanh nghiệp phản ứng là đúng. Bản thân việc xin ý kiến doanh nghiệp với thời hạn quá gấp cũng là cách làm phản cảm. Vấn đề là cách làm phải phù hợp, dù việc tăng là đúng thẩm quyền thì cách làm vẫn quan trọng. Phải phù hợp với chiến lược kinh tế. Khi kinh doanh, doanh nghiệp còn phải thông báo giá cả với khách hàng trước cả năm. Phải có lộ trình tăng rõ ràng, để doanh nghiệp có sự chuẩn bị.
Ngữ Yên (ghi)
Mặc dù ngày 25.10 UBND tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu tạm dừng việc lấy ý kiến tăng giá của Ban Quản lý vịnh Hạ Long, song văn bản này không cho thấy việc tăng giá sẽ dừng lại hẳn. Văn bản do ông Vũ Văn Hợp, Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh, ký nêu rõ: “Tại thời điểm hiện nay, để kích cầu du lịch, thu hút du khách đến với Quảng Ninh, đặc biệt là vào mùa đông, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu Ban Quản lý vịnh Hạ Long tạm dừng việc điều chỉnh phí tham quan vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long”. Nghĩa là, qua vụ thấp điểm, việc lấy ý kiến tăng giá có thể tái khởi động.
Ông Phạm Văn Hà, CEO của Luxury Tour, đánh giá: “Việc dự định tăng như thế dường như Quảng Ninh đang muốn đóng cửa vịnh. Đó là một cú sốc lớn với doanh nghiệp. Tăng 63%, chả nước nào tăng thế, chả đâu tăng thế. Đây là cách làm không giống ai. Về doanh nghiệp, chúng tôi cực lực phản đối việc đó”. Ông Nguyễn Công Hoan, Phó tổng giám đốc Công ty Hà Nội Redtour, cho rằng việc thích là thu biểu hiện tư duy BOT, tận thu di sản. Trong khi đó, doanh nghiệp ở vịnh lại không có nguồn khách mà phụ thuộc khách từ các doanh nghiệp nơi khác mang đến.
Cũng theo ông Hà, cần nhìn sâu xa hơn về ý tưởng đòi tăng giá này từ góc độ ứng xử với di sản thế giới. “Chúng ta đang ứng xử với Hạ Long như thể đó là di sản của riêng Quảng Ninh hay di sản của quốc gia. Nếu không sẽ dẫn đến ăn mày di sản, cứ thế là tận thu dựa trên di sản. Nếu tăng giá vé thì doanh nghiệp sẽ phải tính cho khách. Thì có thể họ không đến VN nữa mà chọn điểm đến khác, nó cũng sẽ ảnh hưởng thương hiệu quốc gia VN. Nếu ứng xử bền vững thì mới du lịch bền vững được”, ông Hà nói.
Ông Hà thậm chí còn cảnh báo: “Nếu thích tăng là tăng thế này thì doanh nghiệp chết lâm sàng là điều không tránh khỏi. Các doanh nghiệp tàu ở Quảng Ninh sẽ chết trước vì tự trói mình trong cuộc cạnh tranh với Hải Phòng. Tăng tới cả triệu đồng mỗi người thì ngay lập tức khách về Cát Bà ngay. Vịnh Hạ Long không phải ao nhà của tỉnh. Rồi việc thăm vịnh sẽ chỉ dành cho người giàu thôi, người nghèo không đi được”. Trên thực tế, giá tham quan có nghỉ đêm tại Cát Bà khoảng 300.000 đồng/người/lượt.

Tăng giá, giảm khách phải có tính toán

Theo tỉnh Quảng Ninh, lượng khách đông gây áp lực cho vịnh Hạ Long khiến chính quyền đang “đau đầu” giải bài toán. UNESCO cũng có yêu cầu với địa phương về việc phải giảm áp lực lên vịnh Hạ Long. Chính vì thế, một lãnh đạo Ban Quản lý vịnh Hạ Long cho biết, việc điều chỉnh giá vé lần này là để phân khúc lại đối tượng khách, trong đó tăng phí nghỉ đêm để hướng vào khách quốc tế. Tàu nghỉ đêm thời gian tới sẽ chuyển dần xuống vịnh Bái Tử Long để giãn tuyến, giảm áp lực lên vịnh Hạ Long.
Vị lãnh đạo này cũng cho biết thêm: “Trong thời gian qua, bằng nguồn thu từ phí tham quan vịnh Hạ Long, chúng tôi đã tái đầu tư cơ sở hạ tầng rất tốt. Các tuyến đường trục chính tại Hạ Long, điểm cập tàu, hang động trên vịnh đều đạt tiêu chuẩn quốc tế”.
PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch, cho biết: “Tăng cũng đúng thôi, một khu di sản thế giới thì cũng phải kiểm soát lượng khách. Nghỉ trên vịnh thì loại cao cấp rồi. Việc đó đánh vào thị trường đó không có vấn đề gì. Nhưng cái quan trọng ở đây phải có thông báo sớm và có lộ trình. Tăng đùng một phát thì doanh nghiệp chết ngay”.
Ông cũng đặt vấn đề về ngưỡng khách. Hạ Long và Quảng Ninh muốn giảm khách thì ngưỡng giảm là về bao nhiêu. Sức chứa lý tưởng cho Hạ Long là bao nhiêu người. “Hiện nay, theo tôi biết, ban quản lý vịnh muốn làm việc đó nhưng chưa làm, họ cũng đã đăng ký với tỉnh để làm việc đó. Bây giờ con số là bao nhiêu thì hợp lý, họ không trả lời được”, ông Lương nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.