Tăng, giảm đột biến, vàng rơi vào vùng rủi ro

01/12/2023 04:21 GMT+7

Tăng hàng triệu đồng/lượng/ngày, cao hơn giá thế giới tới 13 - 15 triệu đồng/lượng..., thị trường vàng trong nước đang biến động thất thường và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tăng, giảm cả triệu đồng trong một ngày

Hôm qua 30.11 lại là một ngày biến động mạnh của giá vàng miếng SJC với biên độ tăng, giảm 200.000 - 300.000 đồng/lượng. Đến cuối ngày, giá mỗi lượng vàng miếng SJC giảm trở lại còn 72,4 triệu đồng chiều mua vào, bán ra là 73,6 triệu đồng. So với giá cao nhất của một ngày trước đó thì giá mỗi lượng vàng miếng SJC đã giảm sốc 1 triệu đồng, trong khi giá vàng thế giới đi ngang. 

Điều này hoàn toàn trái ngược với đà tăng dựng đứng của giá vàng VN so với sự đủng đỉnh của giá thế giới. Cụ thể, cuối ngày hôm qua, giá vàng quốc tế ở mức 2.045 USD/ounce, tăng 65 USD/ounce trong tháng 11. Quy đổi tương đương, vàng thế giới tăng khoảng 1,9 triệu đồng/lượng trong tháng 11, thấp hơn mức tăng 3,5 triệu đồng của vàng miếng SJC. Đà tăng của tháng 11 đã đẩy giá vàng miếng SJC tăng tổng cộng khoảng 7,5 triệu đồng/lượng từ đầu năm đến nay, tương ứng tăng gần 11%.

Đồng thời, chênh lệch giữa giá mua và bán vàng trong nước cũng tăng lên 1,2 triệu đồng mỗi lượng trong những ngày tăng cao thay vì chỉ khoảng 700.000 - 800.000 đồng như đầu tháng 11... Tương tự, giá vàng nhẫn 4 số 9 của SJC cũng tăng mạnh gần 3 triệu đồng/lượng trong tháng 11, tương ứng mức tăng gần 5%. Vàng nhẫn lập mức kỷ lục khi được SJC mua vào 61,3 triệu đồng và bán ra 62,4 triệu đồng/lượng.

Tăng, giảm đột biến, vàng rơi vào vùng rủi ro - Ảnh 1.

Giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới tới 13 - 15 triệu đồng/lượng

ĐÀO NGỌC THẠCH

Trước những biến động thất thường của giá vàng, ông Nguyễn Ngọc Trọng, Giám đốc Công ty vàng Đối tác mới, phân tích: Sau một khoảng thời gian dài giao dịch dưới 2.000 USD/ounce, vàng thế giới đã phá mốc 2.000 USD/ounce nhờ dự báo về xu hướng tăng của nhiều chuyên gia, tổ chức. Chính vì vậy, sức mua trên thị trường vàng trong nước cũng tăng. Bên cạnh đó, các công ty vàng lo ngại giá sẽ tăng nên luôn niêm yết giá cao, đồng thời với việc giãn chênh lệch mua bán để đón đầu xu hướng mua vàng của người dân. Một nguyên nhân khác là nguồn cung - cầu vàng trên thị trường không dồi dào nên khi xuất hiện lực mua hoặc bán sẽ làm cho giá tăng, giảm đột biến hơn.

Nghi vấn vàng bị làm giá được đặt ra khi giá vàng quốc tế tăng vài chục USD, tương đương chỉ vài trăm ngàn đồng/lượng nhưng vàng trong nước lại tăng, giảm đến cả triệu đồng. Nhưng ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng VN, không đồng ý, bởi thông thường khi thị trường xuất hiện lực mua thì người mua bất chấp giá nào, kể cả giá đang tăng cao, vẫn quyết tâm mua. Trong khi người bán không có nên các công ty phải đưa giá mua tăng cao hơn để thu hút người đang nắm vàng. Khi nguồn cung xuất hiện đáp ứng nhu cầu và có xu hướng lấn át lực mua thì giá quay ngược lại. 

Dẫn chứng cho điều này, ông Khánh cho hay vào ngày 29.11, giá vàng tăng mạnh lên kỷ lục, nhiều người chốt lời dẫn đến giá giảm mạnh sau đó. Khối lượng giao dịch trên thị trường không nhiều nên giá cũng tăng, giảm khá đột ngột. Trong 10 năm trở lại đây, khi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng được áp dụng, giá vàng trên thị trường do cung - cầu quyết định. Tuy nhiên, hơn 1 năm trở lại đây, nguồn cung vàng miếng SJC trở nên khan hiếm, thêm vào đó nguyên liệu sản xuất vàng nhẫn cũng không dồi dào nên giá vàng trong nước đang có tốc độ tăng nhanh hơn giá quốc tế. 

Vừa qua, Hiệp hội kinh doanh vàng VN cũng đã có kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho một số đơn vị kinh doanh được nhập khẩu vàng nguyên liệu sản xuất vàng nữ trang để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Tăng, giảm đột biến, vàng rơi vào vùng rủi ro - Ảnh 2.

Giá vàng trong nước tăng, giảm sốc hơn thế giới, người mua vàng đối diện nhiều rủi ro

Đồng USD lao dốc nâng đỡ giá vàng

Nguyên nhân chính được các chuyên gia kinh tế, nhà phân tích trong và ngoài nước đưa ra cho đợt giá vàng thế giới nhảy vọt lần này là do đồng USD lao dốc. Nếu như đầu tháng 10, chỉ số USD-Index đạt ngưỡng 107 điểm, cao nhất trong vòng 1 năm qua, thì chỉ trong tháng 11, chỉ số này liên tục lao dốc thẳng đứng xuống mức thấp nhất khoảng 102,6 điểm. Nếu chỉ tính trong vòng một tháng trở lại đây thì chỉ số này đã giảm gần 4%. Thông thường, diễn biến trên thị trường đều cho thấy khi đồng bạc xanh giảm giá mạnh thì giá vàng sẽ tăng. Sự thay đổi trong kỳ vọng của giới đầu tư toàn cầu khi bán mạnh đồng USD và chuyển sự chú ý sang nhiều tài sản khác do họ tin rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã chấm dứt quá trình tăng lãi suất và có thể bắt đầu đợt cắt giảm trong nửa đầu năm tới.

Chuyên gia nhận định: Vì sao giá vàng tăng sốc hơn 3 triệu đồng/lượng, có tăng nữa không?

Theo chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, đồng USD giảm mạnh trên thị trường thế giới cũng tạo tâm lý cho nhiều nhà đầu tư rằng kinh tế của Mỹ nói riêng và thế giới sẽ ổn định trở lại, góp phần khiến thị trường chứng khoán Mỹ hồi phục nhanh trong tháng 11. Đồng thời, câu chuyện xung đột ở khu vực Trung Đông hay giữa Nga với Ukraine vẫn có tác động tâm lý. Do vậy vàng cũng tiếp tục thu hút sự quan tâm của giới đầu tư toàn cầu. Tuy nhiên, TS Hiển cho rằng động lực tăng giá của kim loại quý lần này không bền vững. Bởi kinh tế Mỹ nói riêng hay thế giới nói chung không có nhiều lý do để giảm mạnh. Trong khi đó chứng khoán nhiều nơi đã hồi phục cũng cho thấy dòng vốn đầu tư không chỉ tập trung vào tài sản trú ẩn an toàn như vàng. Như vậy khả năng điều chỉnh sẽ sớm xảy ra.

Tăng, giảm đột biến, vàng rơi vào vùng rủi ro - Ảnh 3.

Giá vàng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới tới 13 - 15 triệu đồng/lượng

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định giá vàng trong nước tăng một phần theo xu hướng đi lên của thế giới. Giá trị đồng USD xuống thấp là kết quả của việc Fed đã để ngỏ khả năng tăng lãi suất sau 2 đợt giữ nguyên. Thế nhưng các số liệu hiện tại cho thấy Mỹ đang kiểm soát lạm phát tốt hơn. Đây là dấu hiệu để nhiều nhà đầu tư cho rằng lãi suất có thể hạ nhiệt, từ đó hỗ trợ cho vàng. Trong nước, các kênh đầu tư khác như chứng khoán xuống thấp, bất động sản còn trầm lắng, lãi suất tiết kiệm xuống mức thấp… cũng hỗ trợ giúp vàng trở nên hấp dẫn hơn. "Vàng vẫn được xem là một kênh trú ẩn an toàn và hấp dẫn tại thời điểm này. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng cần hết sức cẩn trọng, do giá vàng có thể biến động nhanh chóng trong thời gian ngắn", ông Hiếu khuyến cáo.

Có cơ hội cho người mua ?

Trả lời câu hỏi giá vàng cao kỷ lục, nên mua hay bán thời điểm này, ông Huỳnh Trung Khánh cho rằng ở mức giá "đỉnh" của vàng thì quyết định mua vào hay bán ra khá khó. Mua ở giá tầm 70 triệu đồng/lượng thì có thể chấp nhận, nhưng giá lên cao 74 triệu đồng/lượng thì mua vào sẽ khá hồi hộp. Còn người đang nắm giữ vàng ở thời điểm này tất nhiên đã có lời nhưng bán ra đã được giá đỉnh hay chưa thì không ai biết. Vấn đề mua hay bán ở thời điểm này tùy thuộc vào quyết định của từng người. "Tuy nhiên, trong danh mục đầu tư của nhiều người, tỷ lệ vàng chiếm khoảng 10 - 20% bởi giá vàng có xu hướng đi lên qua các năm. Cách đây vài hôm, mức giá 2.000 USD/ounce là mức cản thì nay trở thành mức hỗ trợ kỹ thuật của vàng. Từ nay đến cuối năm, vàng khó có thể xuống dưới mức này và xu hướng tăng giá nhiều hơn là giảm", ông Khánh dự báo.

Việc nắm giữ vàng miếng hay nhẫn, theo ông Khánh cũng là yếu tố cần cân nhắc. Giá vàng miếng hiện nay cao bất thường, cao hơn 13 triệu đồng/lượng so với kim loại quý quốc tế nên nó trở thành độc nhất vô nhị trên thị trường vàng. Đây là yếu tố hết sức rủi ro đối với người mua vàng. Trong trường hợp thị trường xuất hiện lực bán vàng, đặc biệt NHNN có sự can thiệp thị trường thì khả năng giá giảm cả chục triệu đồng/lượng cũng có thể xảy ra. Đặc biệt khi Thông tư 12 của NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của các văn bản quy phạm pháp luật quy định việc triển khai nhiệm vụ quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước chính thức có hiệu lực, mở ra hành lang pháp lý cho việc xuất nhập khẩu cũng như can thiệp thị trường vàng. Còn đối với vàng nhẫn, hiện nay có giá biến động tăng, giảm cùng chiều với giá thế giới, có mức giá thấp hơn vàng miếng khoảng 10 triệu đồng/lượng nên mức độ nắm giữ sẽ an toàn hơn.

Tăng, giảm đột biến, vàng rơi vào vùng rủi ro - Ảnh 4.

Chuyên gia thị trường tài chính Phan Dũng Khánh phân tích thêm, nhu cầu đối với vàng hiện tại không quá cao như ở thời điểm giá vàng đạt đỉnh ở mức 2.075 USD/ounce vào tháng 8.2020. Vì vậy từ nay đến hết năm, kim loại quý chưa thể lập lại đỉnh cao này. Xét về dài hạn thì cơ hội tăng giá của vàng vẫn có, nhưng để có mức lãi 10% tính từ giá hiện tại, tương đương khoảng 200 USD là cũng rất khó. Đối với thị trường VN, hiện tại các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản đang suy yếu, ở mức thấp nhưng xét về cơ hội thì đó lại là tiềm năng hồi phục. Chưa kể tỷ suất lợi nhuận của những người đã có kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán thì có thể trong vòng 1-2 tuần cũng có thể lãi được 10%. 

"Từ đầu năm đến nay dù chỉ số chung VN-Index sụt giảm nhưng vẫn có nhiều cổ phiếu tăng gấp 2 - 3 lần. Đối với những người này thì mức sinh lời của vàng không đủ hấp dẫn. Riêng với những người quen với việc tích lũy bằng vàng hay cũng chọn vàng là một kênh đầu tư thì phải nắm giữ ít nhất từ 6 tháng trở lên. Tuy nhiên, người mua cần tính đến yếu tố rủi ro cao do chênh lệch giá giữa vàng miếng SJC với thế giới quá lớn", ông Phan Dũng Khánh nói.

"Xu hướng chung là vàng trong nước cũng sẽ đi theo thế giới. Những người không muốn chịu rủi ro cao có thể chọn mua vàng miếng SJC và phải nắm giữ trung, dài hạn mới có thể lời. Nhưng nếu vì một lý do nào đó mà chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC với thế giới được rút ngắn lại thì người mua sẽ bị lỗ nặng. Đó là chưa kể chênh lệch giữa giá mua và giá bán cũng có thay đổi. Những người lựa chọn loại vàng nhẫn thì có giá thấp hơn, chênh lệch trong - ngoài nước thấp hơn thì rủi ro thấp hơn. Nhưng thường vàng nhẫn bám sát giá thế giới nên cũng sẽ biến động nhiều hơn", ông Phan Dũng Khánh chia sẻ thêm.

Đầu tư lúc giá đỉnh là bất lợi cho người mua trong nước

Giá vàng hiện tại đã ở mức cao và theo tôi chưa có nhiều động lực để lên cao hơn. Do vậy người mua vàng hiện tại sẽ đối diện nhiều rủi ro, nhất là tại VN. Đó là chênh lệch giữa giá vàng SJC với thế giới quá cao và khả năng tăng mức chênh lệch này như vừa qua là không còn. Mức chênh lệch này chỉ có thể giữ nguyên hoặc giảm xuống. Nếu chênh lệch giá trong và ngoài nước giữ nguyên như hiện tại thì khi vàng thế giới tăng cao hơn, người mua mới có lãi. Giả sử chênh lệch đó được rút ngắn xuống thì dù giá thế giới tăng, người mua vẫn bị lỗ. Đồng thời cộng thêm chênh lệch giữa giá mua với bán nên mức lỗ càng cao hơn. Hiện tại, nhu cầu mua vàng vật chất trong nước ngày càng giảm do một bộ phận người trẻ, nhất là công nhân, không còn xu hướng tích lũy mua từ 1, 2 chỉ vàng để dành như bố mẹ trước đây. Còn với những bạn trẻ làm văn phòng, để bỏ ra hơn 74 triệu đồng mua 1 lượng vàng và để đó không biết khi nào có lời được 5 hay 10 triệu đồng thì sẽ có xu hướng gửi tiết kiệm hoặc đầu tư chứng khoán nhiều hơn.

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển

Có thể mua vàng nhưng không nên "bỏ hết trứng vào một giỏ"

Các kênh đầu tư khác đang ảm đạm và thị trường vàng khởi sắc sẽ thu hút người mua. Xu hướng tăng của kim loại quý trong thời gian tới vẫn còn. Với những tín hiệu tích cực trên thì nên mua vàng. Nhưng không ai biết được giá vàng diễn biến như thế nào, nhất là vàng trong nước đã lên 74 triệu đồng/lượng đúng như dự báo. Do đó, cần cẩn trọng hơn trước quyết định mua vàng. Nhà đầu tư có thể mua vàng nhưng trong điều kiện phải có sẵn tiền và chỉ mua 1/3 số tiền mình có. Không bỏ trứng vào một giỏ và phải theo dõi thị trường hằng ngày, hằng giờ để tránh rủi ro.

Hơn nữa, không nên lướt sóng vàng như kiểu chứng khoán vì mua đi bán lại với chênh lệch giá rất dễ bị lỗ. Khi mua vàng phải xác định giữ vàng ít nhất 6 tháng tới 1 năm. Tuyệt đối không vay tiền để mua vàng đầu tư vì sẽ gặp rủi ro lớn khi giá vàng đảo chiều giảm.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu

Dự báo giá vàng tiếp tục tăng trong năm 2024

Theo nhiều dự báo trên Kitco và từ các công ty chứng khoán lớn trên thế giới, vàng đang bước vào thời kỳ tăng giá trong năm 2023 và sẽ tiếp tục đi lên trong năm 2024. Một số ý kiến cho rằng giá vàng có thể vượt qua 2.100 USD/ounce vào cuối năm 2023 và thậm chí có thể đạt mức 3.000 USD/ounce trong năm 2024. Quy đổi tương đương, giá vàng tiến sát 90 triệu đồng/lượng. Nếu giữ nguyên mức chênh lệch như hiện nay thì khi đó mỗi lượng vàng miếng SJC có thể chạm ngưỡng 100 triệu đồng.

Trên CNBC, các chuyên gia của Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng triển vọng của vàng trong năm 2024 rất tươi sáng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.