Vì sao tăng học phí gấp 5 lần ?
Theo đề án tuyển sinh vừa công bố, Trường ĐH Y Dược TP.HCM sẽ chuyển sang mô hình tự chủ và dự kiến tăng mạnh học phí năm học 2020 - 2021. Trong đó, ngành có học phí cao nhất là răng - hàm - mặt với mức thu lên tới 70 triệu đồng/năm/sinh viên (SV). Ngành y khoa cao thứ 2 với học phí 68 triệu đồng/năm. Nhiều ngành khác học phí ở khoảng 40 - 55 triệu đồng, hai ngành thấp nhất 30 triệu đồng/năm áp dụng cho ngành y tế công cộng và dinh dưỡng. Theo lộ trình, mức tăng học phí dự kiến 10% mỗi năm tiếp theo. Như vậy, nếu trường áp dụng chính thức mức thu này thì SV ngành răng - hàm - mặt sau 6 năm phải đóng học phí khoảng 460 triệu đồng.
So với Nghị định 86 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến 2020 - 2021, mức học phí dự kiến Trường ĐH Y Dược TP.HCM ngành cao nhất cao gấp gần 5 lần mức trần học phí chương trình đại trà với trường công lập chưa tự chủ trong cùng thời điểm năm học (khối ngành y dược thu 14,3 triệu đồng cho năm học 10 tháng).
Tương tự, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch trong đề án tuyển sinh năm nay cũng đưa ra con số tổng chi phí đào tạo trung bình 1 SV/năm trên 31,2 triệu đồng. Hiện trường này chưa công bố mức thu cụ thể cho khóa tuyển sinh mới 2020 - 2021 vì đang chờ UBND TP.HCM phê duyệt. Tuy nhiên, trước đó trường công bố mức học phí dự kiến thu cho năm học 2018 - 2019 cao nhất lên tới 44 triệu đồng/năm/SV không có hộ khẩu tại TP.HCM với nhóm khi thực hiện tự chủ và áp dụng cho các ngành: y đa khoa, răng - hàm - mặt, dược học và khúc xạ nhãn khoa.
Sinh viên được vay tối đa 2,5 triệu đồng/thángTheo luật Giáo dục sửa đổi có hiệu lực từ tháng 7.2020, có nhiều giải pháp tài chính với người học. Bên cạnh học bổng, trợ cấp xã hội, miễn giảm học phí còn có chính sách tín dụng giáo dục.
Riêng chính sách tín dụng, từ năm 2007 Chính phủ đã ban hành quyết định về cho học sinh, SV được vay tín dụng học tập tối đa 800.000 đồng/tháng (8 triệu đồng/năm học). Theo Quyết định 1656 về việc điều chỉnh mức cho vay đối với học sinh, SV thì mức cho vay tối đa mới là 2,5 triệu đồng/tháng/người. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.12.2019.
Ngân hàng Chính sách xã hội căn cứ vào mức thu học phí, sinh hoạt phí và nhu cầu người vay để quyết định mức cho vay cụ thể. Người vay được trả nợ sau khi tốt nghiệp theo từng tháng và không dựa vào mức thu nhập người vay.
|
Trường ĐH Y Dược Cần Thơ đã thực hiện theo đề án tự chủ từ năm 2017, mức học phí bình quân tối đa đối với SV chính quy với chương trình đại trà năm tới dự kiến là 24,6 triệu đồng. Trong đề án tuyển sinh của mình, Trường ĐH Y Hà Nội cũng cho biết mức học phí dự kiến với SV sẽ theo Nghị định 86 và theo quyết định tự chủ của trường khi luật giáo dục có hiệu lực.
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, PGS-TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết theo luật Giáo dục ĐH mới, trường thực hiện tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên. Do vậy, mức học phí trường xác định dựa trên chi phí đào tạo SV mỗi năm và trên cơ sở đầu tư cải thiện chất lượng đào tạo. “Với khung học phí mới này, SV sẽ được hưởng thụ chất lượng đào tạo tốt hơn. Không tính các mặt khác, chỉ riêng công sức làm việc của giảng viên sẽ phải gấp 4 lần so với trước đó”, ông Tuấn chia sẻ.
PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết thêm mức học phí mới dự kiến áp dụng cho SV khóa mới trúng tuyển năm 2020. SV các khóa cũ vẫn thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định 86 của Chính phủ. “Không có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thì trường không thể đào tạo nếu vẫn thu học phí như trước đây. Học phí này thực ra vẫn thấp hơn chi phí tính đúng, tính đủ mà trường phải đầu tư cho đào tạo nhưng trường quyết định trên cơ sở xem xét cân nhắc để đảm bảo tương đối hợp lý”, ông Khôi thông tin thêm.
“Không để SV giỏi nghỉ học vì học phí”
Trước lo ngại việc tăng mạnh học phí là rào cản với SV nghèo học giỏi vào trường, PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi khẳng định trường đã tính toán trước các tình huống và cam kết không để xảy ra tình trạng SV giỏi không thể theo học vì học phí. Cụ thể, trường sẽ dành khoảng 10% nguồn thu học phí để lập quỹ học bổng cho SV có hoàn cảnh khó khăn nhưng học giỏi. Bên cạnh đó, trường còn có quỹ học bổng riêng được tài trợ từ các doanh nghiệp, đơn vị bên ngoài. Ngoài ra, trường còn tính tới việc tạo kênh để hỗ trợ người học vay tiền đóng học phí ưu đãi từ các ngân hàng.
Chiều 3.6, ông Khôi thông tin trường đã có dự thảo về chính sách học bổng cho SV khi trường tăng học phí. Theo đó, dự kiến khoảng 800 SV có hoàn cảnh khó khăn trúng tuyển vào trường năm đầu tiên sẽ được cấp học bổng trị giá 25 - 100% học phí (tương đương 15% nguồn thu học phí). Từ năm thứ 2, các SV này được nhận học bổng sẽ căn cứ cả trên kết quả học tập năm trước đó.
TS-BS Nguyễn Minh Phương, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, cho biết trường này đã áp dụng tự chủ tài chính từ năm 2017. Cùng với việc tăng học phí thì học bổng cho SV cũng tăng theo. Nhà nước quy định các trường tự chủ phải dành một phần nguồn thu học phí lập quỹ học bổng cho SV. Với quỹ học bổng tương đương 10% nguồn thu học phí của trường, học bổng mà SV nhận được cũng tăng lên tương đương với học phí năm học.
“Ngoài ra, SV còn được nhận học bổng từ các nguồn hỗ trợ khác của trường, các chính sách hỗ trợ, miễn giảm học phí cho SV khó khăn theo quy định chung của nhà nước”, tiến sĩ Phương thông tin. Theo thống kê của trường này, với quy mô 8.800 SV thì có khoảng 2.300 - 2.500 SV nhận học bổng khuyến khích học tập, 750 - 820 SV nhận học bổng vượt khó và 600 đến gần 850 người hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định nhà nước.
Bình luận (0)