Học bổng phải tương đương học phí
23 cơ sở giáo dục ĐH được thí điểm tự chủTrong đó, 20 cơ sở giáo dục ĐH gồm: Kinh tế TP.HCM, Tôn Đức Thắng, Kinh tế quốc dân, Tài chính - Marketing, ĐH Hà Nội, Ngoại thương, Mở TP.HCM, Công nghiệp TP.HCM, Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, Điện lực, Công nghiệp dệt may Hà Nội, Thương mại, Bách khoa Hà Nội, Kinh tế (ĐH Đà Nẵng), Y Dược Cần Thơ, Trà Vinh, Kinh tế - kỹ thuật công nghiệp, Luật TP.HCM, Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Công nghiệp Hà Nội.
Ngoài ra còn có Học viên Nông nghiệp VN, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông và Viện ĐH Mở Hà Nội.
|
Cụ thể ngay trong năm học 2019 - 2020, sinh viên trường tự chủ phải đóng học phí từ 18,5 - 46 triệu đồng/năm (tùy ngành). Trong khi đó, ở trường chưa tự chủ học phí chỉ ở mức 8,9 - 13 triệu đồng/năm. Các mức thu này được quy định rõ trong Nghị định 86 của Chính phủ quy định cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách, miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.
Nhưng cùng với những điều kiện cho phép tăng học phí, luật Giáo dục ĐH mới cũng yêu cầu các trường có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết ngoài học bổng chính sách theo quy định nhà nước, trường còn học bổng khuyến khích học tập tính theo cơ chế trường tự chủ. Số tiền học bổng sinh viên nhận được ở từng học kỳ cũng tương đương với học phí sinh viên phải đóng (khoảng 9 triệu đồng/học kỳ với sinh viên giỏi). Với sinh viên xuất sắc, học bổng được tính theo hệ số cao hơn.
“Thống kê của nhà trường cho thấy, có trung bình hơn 10% sinh viên toàn trường được cấp học bổng, trong đó riêng học bổng khuyến khích học tập khoảng 8%”, ông Đương thông tin.
Vay tiền để nộp học phí
Ngay luật Giáo dục sửa đổi vừa chính thức được thông qua (có hiệu lực từ tháng 7.2020) cũng đưa ra nhiều giải pháp tài chính với người học. Bên cạnh học bổng, trợ cấp xã hội, miễn giảm học phí còn có chính sách tín dụng giáo dục. Cụ thể, nhà nước có chính sách tín dụng ưu đãi về lãi suất, điều kiện và thời hạn vay tiền để người học có điều kiện học tập. Đồng thời khuyến khích xã hội hóa hoạt động tín dụng giáo dục.
tin liên quan
Học phí trường đại học công sẽ tăng đến đâu?Riêng chính sách tín dụng, từ năm 2007 Chính phủ đã ban hành quyết định về cho học sinh, sinh viên được vay tín dụng học tập tối đa 800.000 đồng/tháng (8 triệu đồng/năm học). Hiện nay, mức vay tối đa được nâng lên 1,5 triệu/tháng. Ngân hàng Chính sách xã hội căn cứ vào mức thu học phí, sinh hoạt phí và nhu cầu người vay để quyết định mức cho vay cụ thể. Người vay được trả nợ sau khi tốt nghiệp theo từng tháng và không dựa vào mức thu nhập người vay.
Ngoài ra, ở một số trường, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cũng được vay “nóng” để đóng học phí. Theo thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có chính sách hỗ trợ sinh viên khó khăn vay tiền để đóng học phí. Việc cho vay này theo lãi suất mềm bằng với ngân hàng chính sách nhà nước nhưng vay trong thời gian ngắn.
Sinh viên sư phạm được hỗ trợ sinh hoạt phí
Đáng chú ý nhất phải kể đến sự thay đổi chính sách hỗ trợ tài chính dành cho sinh viên theo học sư phạm. Theo luật Giáo dục sửa đổi 2019, học sinh và sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học.
Theo luật này, người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo. Ngoài ra, người học sư phạm vẫn được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí.
Như vậy, văn bản luật được ban hành chính thức này đã có thay đổi quan trọng so với dự thảo ban đầu. Tại dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp lần thứ XI khóa 14, học sinh và sinh viên sư phạm được đề xuất theo hình thức vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học. Sau khi tốt nghiệp, nếu công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian theo quy định sẽ không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm. Nhưng ở luật chính thức này, người học sư phạm được hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí (thay vì phải vay tín dụng như dự thảo).
Theo thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chính sách mới sẽ khuyến khích học sinh giỏi vào ngành sư phạm. Bởi so với việc miễn học phí nếu cam kết phục vụ ngành như hiện tại, luật mới ngoài miễn học phí còn hỗ trợ cả sinh hoạt phí mà vẫn đảm bảo các chính sách học bổng, hỗ trợ và vay tín dụng khác như sinh viên bình thường.
“Sinh viên theo học sư phạm thời gian tới (từ tháng 7.2020 khi luật Giáo dục mới có hiệu lực) sẽ được tạo nhiều điều kiện hơn hiện nay”, ông Quốc nhìn nhận.
Học bổng trường tự chủ được tính ra sao ?Theo tiến sĩ Phan Hồng Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, với hệ đào tạo tín chỉ, học bổng cho sinh viên xuất sắc được nhận là 100% học phí, sinh viên giỏi là 70% học phí. Còn hệ niên chế, học bổng xuất sắc nhận 150% học phí, loại giỏi 120% học phí và loại khá 100% học phí. Tổng số tiền học bổng năm 2018 của trường gần 10 tỉ đồng. Trường đang xây dựng chính sách cho sinh viên vay đóng học phí và áp dụng trong thời gian tới.
Còn tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên giỏi là 100% học phí, sinh viên xuất sắc khoảng 120% học phí.
|
Bình luận (0)