Thắt chặt chi tiêu hết mức
Chị Trần Thị Tuyền (37 tuổi, trọ tại khu này) nói việc giảm giờ làm, cắt giảm nhân công ở công ty chị đã diễn ra từ sau đại dịch Covid-19. Năm ngoái, cũng trước thời điểm nhà nước họp bàn tăng lương tối thiểu vùng, chị vui mừng nhưng cũng không kỳ vọng vì tăng bao nhiêu cũng không thấm, khi thời gian họp dài mà giá cả ngoài chợ thì như "phi mã". Doanh nghiệp khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp cao nên chị không dám đòi hỏi mức lương cao hơn 6 triệu đồng/tháng hiện có, dù đã 13 năm làm việc, cống hiến cho công ty.
Với mức lương này, chị Tuyền phải thắt chặt chi tiêu hết mức có thể. Chị nhẩm, mỗi tháng sau khi trừ ra 1,5 triệu đồng tiền phòng trọ, 3 triệu đồng tiền gửi nhà trẻ, tiền tã, sữa cho con thì tiền ăn uống không còn bao nhiêu. Nhiều khi không dám hỏi giá rau, cá ngoài chợ, chị thường ăn mì tôm cho qua bữa, có hôm chiên cơm với trứng rồi chừa lại một phần để sang hôm sau ăn sáng đi làm. Bữa trưa chị đã có cơm của công ty. Nhưng dè sẻn đến mức nào thì có tháng chị vẫn bị "âm" tiền.
Trong khi đó, những công nhân lớn tuổi như bà Ân (50 tuổi, trọ tại TP.Thủ Đức) vẫn cố gắng bám víu công việc dù lương giảm. Liệt kê ra các khoản chi tiêu cứng như tiền phòng, tiền điện, nước… thì khi đi chợ, bà Ân nói cũng tính toán coi có thể nấu món nào để được lâu ngày, món nào chênh nhau mấy ngàn đồng thì đắn đo xem có nên mua hay không. Nếu mỗi tháng xài nhín nhút thì bà cũng dư được vài trăm ngàn đồng, tiền đó sẽ phòng lúc bệnh hoạn.
"Giờ nghe lương tăng là chủ trọ cũng muốn tăng tiền phòng. Không biết khi nào tăng nhưng giá hàng hóa, giá gas hay tô bún ngoài chợ cũng tăng lên mấy ngàn đồng. Tôi chỉ mong nếu có tăng lương thì nhà nước cũng cần kiểm soát giá cả để dân bớt áp lực khi chi phí cuộc sống tăng lên", bà Ân chia sẻ.
Lao đao trong vòng xoáy xăng tăng giá, nữ shipper chật vật nuôi con
Cần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết hiện nay đời sống của người lao động rất khó khăn, thu nhập giảm, giờ làm giảm. Đa số lương của người lao động hiện nay chỉ là lương cơ bản, không có tăng ca. Trong khi đó, nhiều chi phí tiêu dùng vẫn tăng, như khảo sát cuối năm 2022 của Tổng liên đoàn Lao động VN thì tổng thu nhập (gồm lương và phụ cấp lương) của người lao động khoảng 8,74 triệu đồng/tháng nhưng mức chi tiêu cho cuộc sống là 10,3 triệu đồng/tháng (thu nhập chỉ bằng 84% của mức chi tiêu). Còn khảo sát tháng 4.2023 của Tổng liên đoàn Lao động VN thì thu nhập trung bình của người lao động gần 7,9 triệu đồng nhưng chi tiêu hơn 11,7 triệu đồng (thu nhập đáp ứng khoảng 66% nhu cầu chi tiêu).
Vì vậy, Liên đoàn Lao động TP.HCM cho rằng cần thiết phải tăng lương tối thiểu vùng vì đa số người lao động không có tích lũy, không duy trì được mức sống tối thiểu; với nhiều gia đình có con nhỏ thì kỳ nhập học sắp tới càng khó khăn hơn. Song song đó, cơ quan công đoàn cũng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp và kiến nghị có những chính sách lớn để đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là về đơn hàng, nguồn vốn.
Bình luận (0)