Ngày 25.10, Hiệp hội cà phê - ca cao Việt Nam (VICOFA) tổ chức hội nghị tổng kết niên vụ 2023 - 2024 và đánh giá thị trường niên vụ 2024 - 2025. Tại hội nghị, các doanh nghiệp và chuyên gia đều có chung nhận định niên vụ vừa qua xảy ra những điều thần kỳ mà ngay cả khi "nằm mơ cũng không thấy". Đáng chú ý, giá cà phê tăng cao kỷ lục, vượt cả tốc độ tăng giá vàng đến 3 lần.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch VICOFA, phát biểu: Trong 30 năm lăn lộn trong ngành cà phê thì năm nay vô cùng đặc biệt vì thị trường xuất hiện nhiều bất ngờ chưa từng thấy. Thứ nhất, đó là lần đầu tiên giá cà phê Việt Nam đắt nhất thế giới. Thứ 2, giá cà phê robusta xuất khẩu cao hơn cả giá cà phê arabica. Thứ 3, giá cà phê kỳ hạn trên sàn London vượt 5.000 USD/tấn và một số thời điểm vượt mốc 5.500 USD/tấn. "Nếu chỉ một vài năm trước, ai nói ra những điều này sẽ bị cho là tâm thần", ông Nam ví von.
Cũng theo ông Nam, ngành cà phê Việt Nam cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện Quy định chống phá rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) từ đầu năm 2025. Nếu quy định này được thực hiện như kế hoạch ban đầu thì giá cà phê Việt Nam tiếp tục sẽ đắt nhất thế giới, vì Việt Nam là nguồn cung nhiệt tình nhất trong việc thực hiện quy định này.
Đồng quan điểm, chuyên gia thị trường Nguyễn Quang Bình nhận định: 2024 là năm thần kỳ với ngành cà phê. Giá lên cao đến mức người ta "nằm mơ cũng không thấy". Trên thị trường hàng hóa thế giới, người ta thường tập trung sự chú ý tới giá vàng. Từ đầu năm đến nay, vàng đã tăng 50%, nhưng giá cà phê đã tăng tới 150%. Giá cà phê tăng mạnh như vậy vì EUDR, từ người bán đến người mua ai cũng tranh thủ đầu cơ trữ hàng đẩy giá tăng không có điểm dừng. "Trong năm 2025, giá cà phê sẽ có những cơn "co - giật" mạnh theo diễn biến của EUDR. Đây sẽ là thách thức cho giới kinh doanh", ông Bình dự báo.
Trong khi đó, đại diện một số nhà nhập khẩu cà phê "dọa" sẽ tìm kiếm nguồn cung khác thay thế cho cà phê Việt Nam nếu giá tăng quá cao, doanh nghiệp cung ứng không đảm bảo uy tín. Thực tế là hiện nay sản lượng cà phê conilon (robusta) của Brazil đang phát triển mạnh về diện tích, sản lượng và năng suất. Các nhà nhập khẩu Âu - Mỹ đã ký hợp đồng tương lai đến năm 2026 - 2027.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VICOFA, nói: Lịch sử ngành cà phê Việt Nam ghi nhận hàng loạt kỷ lục của mặt hàng này trong năm 2024. Không chỉ là giá, cà phê Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò quan trọng đối với nhu cầu thị trường thế giới. Hiện có đến 40% diện tích và sản lượng đạt các chứng nhận sản xuất bền vững, hữu cơ là một lợi thế cạnh tranh lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đi đầu trong việc thực hiện EUDR. Tuy nhiên, một vài năm tới thế giới có rơi vào cuộc khủng hoảng thừa cà phê, khiến giá lao dốc như trước kia không là điều cần được suy xét thận trọng. Việt Nam cũng cần tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng cà phê và hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia chuỗi giá trị ngành hàng này.
Bình luận (0)