Nhìn lại một năm kể từ ngày VN chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch (ngày 15.3.2022), Thủ tướng Phạm Minh Chính trăn trở: "Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine, những khó khăn mà cả thế giới phải đối mặt, thì đâu là nguyên nhân chủ quan khiến du lịch "đi trước về chậm"? Tại sao tỷ lệ khách du lịch quốc tế trở lại VN còn thấp? Các giải pháp đúng và trúng chưa?". Từ đó, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp (DN), chuyên gia phát biểu tại hội nghị một cách "không màu mè, không biểu diễn, đi thẳng vào vấn đề, đề xuất các giải pháp để VN thu hút được khách quốc tế".
Thách thức lớn về cạnh tranh điểm đến
Nhận diện một số nguyên nhân chính từ những vấn đề mà Thủ tướng đặt ra, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng DN du lịch VN vẫn còn phụ thuộc vào thị trường truyền thống, trong khi đó, các thị trường này lại chưa mở cửa do tác động của Covid-19; chưa chủ động khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng. Việc triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá, cung cấp thông tin về du lịch VN ra quốc tế chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, trong bối cảnh có sự cạnh tranh ngày càng lớn của các quốc gia trong khu vực, nhiều nước có cách làm mở với chính sách thông thoáng thì chính sách visa của VN tuy có nhiều đổi mới, tiến bộ, song, so với các quốc gia khác thì vẫn còn khiêm tốn.
"Đưa du lịch VN tiếp tục phát triển, ngành du lịch đặt mục tiêu trong 2023, khách du lịch quốc tế sẽ đạt 8 triệu lượt; khách du lịch nội địa đạt 102 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỉ đồng. Để đạt mục tiêu, Bộ VH-TT-DL kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết sau hội nghị, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cho các bộ, ngành, trong đó tháo gỡ về những điểm nghẽn trong chính sách miễn thị thực. Đồng thời, xem xét, đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao sức cạnh tranh của du lịch VN, tạo thuận lợi hơn cho du khách quốc tế nhập cảnh VN… ", Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội nghị.
Dưới góc độ hàng không, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết đến nay, tất cả các hãng hàng không VN, trong đó có Vietnam Airlines đã mở lại tất cả các đường bay quốc tế, còn mở thêm 2 khu vực thị trường mới trong giai đoạn dịch bệnh đó là Ấn Độ và Mỹ. Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế vẫn thấp nên hệ số sử dụng của các hãng trên các đường bay quốc tế chỉ đạt 60 - 64%. Đặc biệt, dự báo năm 2023, vận tải hàng không quốc tế sẽ quay về mức 80%, nội địa đạt tới mức 95% so với trước dịch với mức lãi nhỏ nhưng khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn chỉ ở mức thấp hơn 70% và tiếp tục lỗ 6,9 - 7 tỉ USD. Những con số này cho thấy VN nằm trong vùng trũng của sự phục hồi ngành hàng không. Hàng không gắn chặt với du lịch và đây là thách thức rất lớn.
"Các nước trong khu vực sẽ có các chính sách mạnh mẽ để thu hút và phát động thị trường khách. Điều này tạo nên sự cạnh tranh rất lớn về điểm đến mang tầm quốc gia", ông Lê Hồng Hà nhận định.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group Đặng Minh Trường cũng đánh giá VN đang đứng trước thách thức rất lớn khi cuộc cạnh tranh giữa các điểm đến ngày càng gay gắt. "Năm 2019, VN đón 18 triệu lượt khách thì Thái Lan họ đón 40 triệu. Năm 2023 chúng ta đặt mục tiêu 8 triệu thì họ đã đón 25 triệu và theo báo cáo của Bộ VH-TT-DL thì năm 2030, VN kỳ vọng đón 35 triệu khách nhưng Thái Lan đến năm 2027 đã muốn đón 80 triệu khách rồi. Như vậy, nếu như chúng ta không có các giải pháp đột phá, có những cải cách mạnh hơn nữa ngay bây giờ thì chúng ta sẽ đi sau rất xa", ông Trường lo ngại.
Để cải thiện "bức tranh" ngành du lịch, đại diện Sun Group đề xuất các bộ, ngành sớm xem xét phân tích, đánh giá, trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Quốc hội để sửa đổi bổ sung các quy định của luật Xuất nhập cảnh. Các quy trình cần được rút gọn làm sao chỉ trong một kỳ họp là xong và có thể có hiệu lực ngay. Cụ thể, tăng thời hạn thị thực đối với khách du lịch quốc tế 90 - 180 ngày, thời gian tạm trú từ 30 - 45 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần. Đối với các quốc gia đơn phương miễn thị thực nhập cảnh, tăng từ 15 ngày lên 30 - 45 ngày và cũng cho nhập cảnh nhiều lần. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đề xuất gia hạn hoặc mở rộng các đối tượng, các quốc gia có thể được miễn visa đơn phương, trong đó có những thị trường trọng điểm.
Sản phẩm nào để hút "khách sộp"?
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN, khẳng định từ ngày 15.3.2022, khi Chính phủ cho phép mở cửa toàn diện, các DN du lịch đã tích cực khôi phục hoạt động, chủ động đa dạng thêm nhiều loại hình sản phẩm mới như du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện…), du lịch thể thao, đặc biệt là golf. Tuy nhiên, để phát triển mạnh những loại hình này, vẫn còn vướng nhiều bất cập về chính sách.
"Chúng ta cần có thêm nhiều chính sách tập trung thu hút đối tượng khách có mức chi trả cao. VN có rất nhiều tiềm năng để phát triển loạt sản phẩm mới như du lịch golf. Năm 2019, trong 5 triệu khách Hàn Quốc đến VN thì có hơn 1 triệu khách đi đánh golf, mang đến doanh thu hàng tỉ USD cho ngành du lịch. Chúng tôi đề nghị giảm hoặc miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với khách đi đánh golf là khách du lịch để thu hút thêm nhiều đối tượng khách hạng sang này tới VN", ông Vũ Thế Bình đề xuất.
Phân tích rõ hơn về "gánh nặng" thuế, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, dẫn chứng: Chưa nói đến thuế thu nhập, chỉ tính đến doanh thu từ đối tượng khách du lịch chơi golf thì DN phải nộp 10% thuế VAT và 20% thuế tiêu thụ đặc biệt. Doanh thu 100 đồng thì phải nộp thuế 30 đồng. Đây là mức cao vì các nước xung quanh chỉ áp thuế từ 5 - 7%.
"Trong năm 2017 và 2022, VN được vinh danh là điểm đến du lịch golf tốt nhất, chúng ta cũng đã tổ chức được những giải golf hàng đầu châu Á. Chưa bao giờ có nhiều khách du lịch đến VN để chơi golf như hiện nay. Đây là đối tượng khách có mức chi tiêu cao gấp 2 - 3 lần đối tượng khách bình thường. Họ chi tiêu trung bình 200 - 300 USD/ngày, thời gian lưu trú 3 - 4 ngày. Mới đây, khách sạn của BRG ở Phú Quốc tổ chức đám cưới cho tỉ phú Ấn Độ, trong 5 ngày thu về doanh thu trên 7 tỉ đồng. Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ điều chỉnh các chính sách, ban hành nhiều giải pháp để thu hút nhiều hơn dòng khách cao cấp chi tiêu lớn, lưu trú dài ngày", bà Nguyễn Thị Nga nêu ý kiến.
Bày tỏ tiếc nuối khi tỷ lệ tăng trưởng về lượng khách của VN đã vươn lên top 4 ở khu vực Đông Nam Á nhưng tổng mức chi tiêu của du khách chỉ bằng 40% so với Thái Lan và thấp hơn rất nhiều so với Singapore, Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản…, ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) nhận định nguyên nhân lớn nhất do VN đang bỏ lỡ 2 loại hình là xu hướng mới về du lịch gồm du lịch sức khỏe và du lịch mua sắm. Tất cả các nước có ngành du lịch phát triển trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay xa hơn là Mỹ, châu Âu... đều sử dụng mô hình factory outlet (trung tâm thương mại bán hàng giảm giá qua mùa) để thu hút du khách, tăng chi tiêu và doanh thu du lịch. Du lịch mua sắm Thái Lan góp phần tăng mạnh doanh thu chi tiêu quốc tế với tỷ lệ tăng trưởng kép 28,2% và du lịch sức khỏe đóng góp tới 4,7 tỉ USD trong năm 2020.
"Liên kết chuỗi giá trị là "chìa khóa" giúp ngành du lịch Thái Lan phát triển mạnh và các thành phần trong chuỗi giá trị, từ giao thông đến lưu trú, dịch vụ... đều hưởng lợi. Chúng ta cần phát động một chiến dịch liên kết cùng thúc đẩy du lịch như chiến dịch "SMILE" mà Thái Lan đã làm, trong đó, nhà nước đóng vai trò điều phối, liên kết các hãng hàng không, lữ hành tới điểm đến, lưu trú, nhà hàng và dịch vụ. Các hãng hàng không sẽ "bắt tay" với lữ hành để giảm giá vé, đưa khách tới các trung tâm mua sắm miễn thuế và nhận về bù trừ hoa hồng. Đây là nguồn lực rất lớn cho các hãng lữ hành nhanh chóng vực dậy. Khách quốc tế sẽ đổ về VN tiêu tiền, các hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng cũng sẽ lập tức hồi phục", ông Johnathan Hạnh Nguyễn hiến kế.
Đột phá chính sách để đột phá mục tiêu
Sau khi lắng nghe 26 kiến nghị của các đại biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ VH-TT-DL chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiêm túc tiếp thu tối đa các ý kiến, sớm hoàn thiện, trình ban hành Nghị quyết của Chính phủ về đẩy nhanh phục hồi - tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Thủ tướng nhấn mạnh du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, ngành công nghiệp không khói, đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của nhiều quốc gia. Đây là xu hướng phát triển của tương lai, phát triển xanh, bền vững, thân thiện môi trường.
"Đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến VN phải đạt 47 - 50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14 - 15% GDP và nâng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50%. Đây là những chỉ tiêu cao, đạt được không phải dễ. Tuy nhiên, tôi có niềm tin vững chắc rằng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, chủ động, sáng tạo, phản ứng kịp thời, linh hoạt, phân công rõ trách nhiệm của các chủ thể, chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu này, với những nền tảng quan trọng", Thủ tướng kỳ vọng.
Về những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tập trung rà soát, kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định về du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại và hội nhập, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế; Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, giải pháp đột phá để phát triển ngành du lịch, nhất là khai thác các yếu tố riêng có của VN.
Trước hết, cần sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử; Tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở các đường bay và trực tiếp kết nối VN với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các tập đoàn, tổng công ty du lịch lớn, đa quốc gia trong thúc đẩy kết nối, thu hút các thị trường khách lớn, tiềm năng…
Bình luận (0)