Bộ Y tế Thái Lan cho biết họ cũng phát động các chiến dịch giúp nâng cao ý thức của mọi người nhằm tránh thực phẩm và đồ uống có hàm lượng đường quá cao.
Tờ The Nation ngày 30.9 dẫn lời một quan chức Bộ Y tế Thái Lan cho hay số người Thái thường xuyên uống nước giải khát có đường đang tăng liên tục, buộc nhiều ban ngành vào cuộc tìm cách hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường.
Chính phủ Thái Lan quyết định đánh thuế với thực phẩm có độ ngọt cao từ năm 2017. Mức thuế tính theo bậc thang, tùy theo hàm lượng đường có trong thực phẩm. Lượng đường dưới 6 gr/100ml, thuế là 0. Nếu từ 6-14 gr/100ml, thuế từ 10-50 satang/lít (tương đương 70 đến 380 đồng), còn trên 14gr/100ml thì mức thuế là 1 baht/lít ((760 đồng).
Trong đợt tăng thuế mới có hiệu lực vào ngày mai (1.10), những thức uống chứa lượng đường hơn 10-14 gr /100 ml sẽ bị đánh thuế 1 baht/ lít; từ 14-18 gr/100 ml sẽ bị đánh thuế 3 baht/ lít; và trên 18 gr /100 ml sẽ bị đánh thuế 5 baht/ lít. Đợt này, những thức uống chứa dưới 10 gr đường/100 ml sẽ không bị đánh thuế.
Quan chức này cho biết sẽ có thêm nhiều đợt tăng thuế nữa nếu các nhà sản xuất không giảm hàm lượng đường trong thức uống của họ. Cũng theo người này, các mục tiêu chính của việc thu thuế cao hơn đối với đồ uống có đường là thúc đẩy các nhà sản xuất và nhập khẩu đồ uống điều chỉnh công thức sản xuất của họ hoặc tạo ra các lựa chọn thay thế lành mạnh với lượng đường thích hợp - 6g trên 100ml đồ uống.
Các chuyên gia hy vọng việc tăng thuế giúp giảm uống nước ngọt, để giảm các bệnh không lây nhiễm mãn tính và các vấn đề về răng miệng.
Bộ Y tế Thái Lan cũng đang soạn thảo một dự luật để loại bỏ đường khỏi thực phẩm trẻ em để ngăn trẻ em nghiện bánh kẹo ngọt.
Bình luận (0)