Chiều 20.9, tại phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần thứ 2 cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về dự án Nghị quyết về Biểu thuế bảo vệ môi trường.
Trong tờ trình mới, Chính phủ vẫn giữ nguyên đề nghị tăng mức thuế bảo vệ môi trường với xăng lên mức trần 4.000 đồng/lít, thay vì 3.000 đồng như hiện nay.
Các loại sản phẩm xăng dầu khác như dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn cũng được đề nghị tăng lên mức trần là 2.000 đồng, tăng từ 500 - 1.700 đồng/lít tùy loại.
Riêng đối với dầu hỏa, tờ trình do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, sau khi tiếp thu ý kiến tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội 25, Chính phủ đề nghị điều chỉnh từ mức 300 đồng/lít lên 1.000 đồng/lít thay vì 2.000 đồng/lít như đề xuất trước đây.
Về hiệu lực thi hành của nghị quyết cũng được điều chỉnh từ 1.10.2018 thành 1.1.2019
Ngoài ra, đối với các mặt hàng than đá, tờ trình của Chính phủ cũng đề nghị tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với than antraxit từ 20.000 đồng/tấn lên 30.000 đồng/tấn; than nâu, than mỡ, than đá khác tăng từ 10.000 đồng/tấn lên 15.000 đồng/tấn.
Cùng với tờ trình mới, ông Dũng cũng cho biết, Chính phủ đã có báo cáo đánh giá tác động bổ sung, giải trình các ý kiến tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 7.
Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình tại phiên họp cho biết, các nội dung tiếp thu, giải trình bổ sung trong đó có đánh giá tác động của việc điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tác động đến một số ngành sản xuất, kinh doanh, giá bán lẻ xăng dầu và tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ xăng dầu so với các nước là phù hợp.
Ông Hải cho biết, việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu chỉ tác động đến chỉ số giá vận tải (giá cước vận tải) là 0,83% trong 3 tháng sau khi tăng giá các mặt hàng.
Bên cạnh đó, giá bán lẻ xăng của Việt Nam vào ngày 10.9.2018 đang ở mức thấp so với các nước có chung đường biên giới, trong ASEAN và châu Á như thấp hơn lào là 5.318 đồng/lít, thấp hơn Campuchia là 1.773 đồng/lít, thấp hơn Trung Quốc là 1.499 đồng/lít...
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Nguyễn Văn Giàu bày bỏ băn khoăn nguồn thu từ việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường này không lớn nhưng tác động thì rất rộng lớn. Trong khi đó, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế thì lại lo lắng áp lực của việc tăng này đối với chỉ số giá tiêu dùng năm 2018.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, những băn khoăn này đã được giải trình đầy đủ trong báo cáo đánh giá tác động bổ sung của Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên họp lần trước bà đã quyết định tạm thời chưa biểu quyết thông qua nghị quyết để Chính phủ đánh giá thêm tác động của chính sách này sau khi ban hành. Tuy nhiên, tới phiên họp này, Chính phủ đã có báo cáo đánh giá tác động bổ sung do đó đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua.
Bên cạnh đó, bà Ngân cũng đề nghị, nguồn thu từ việc điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng này sẽ được sử dụng cho các hoạt động bảo vệ môi trường để người dân thấy rõ không phải thu khoản này để chi tiêu cho việc khác.
Theo báo cáo của Chính phủ, việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần tăng thu ngân sách khoảng 15.189 tỉ đồng/năm, từ đó sẽ góp phần tạo thêm nguồn thu để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó có các nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường.
Tại phiên họp,12 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý thông qua Nghị quyết.
Bình luận (0)