|
Một số ĐB cho rằng, việc chỉ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với thuốc lá hay các mặt hàng rượu, bia mà không kèm theo các giải pháp khác sẽ khó đem lại kết quả như mong muốn. ĐB Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) nói: “Tăng thuế chắc chắn có ảnh hưởng không nhỏ đến các ngành sản xuất này, làm giảm thu ngân sách, việc làm ở các địa phương”. Theo ông, với mặt hàng thuốc lá, mỗi lần tăng 5% (2016 và 2018) là phù hợp. Với mặt hàng bia, rượu cũng vậy. “Tăng thuế lên càng cao, nạn buôn lậu càng phát triển. Người dân có thể chuyển sang tiêu dùng sản phẩm tự nấu hoặc tiêu thụ sản phẩm nhập lậu độc hại hơn”, ông nói.
ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) đề nghị cân nhắc tăng thuế TTĐB với các sản phẩm trên vì có thể làm giảm tính cạnh tranh sản phẩm bia, rượu trong nước, kích thích buôn lậu qua biên giới. “Nếu nhất thiết tăng, nên kéo giãn thời điểm tăng. Có thể từ 1.1.2016 đến năm 2020, tăng 10 - 15%”, ĐB Xuyền nói.
Trong khi đó, ĐB Lê Khánh Nhung (Quảng Bình) nói: “Mức tăng thuế TTĐB phải đủ cao mới giảm số người dùng. Mức tăng thuế trong tờ trình của Chính phủ còn quá thấp”. “Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tính rằng, nếu tăng thuế suất TTĐB 40%, giá bán lẻ thực tế mới tăng 20,8%, còn nếu tăng 10%, giá bán lẻ thuốc lá tăng không đáng kể. Giá bán lẻ thuốc lá ở ta thuộc loại thấp nhất rồi, có tăng giá lên mới giảm được người hút”, ĐB này lập luận. Theo ĐB này, các ý kiến cho rằng, thuế tăng làm gia tăng buôn lậu là “không thuyết phục”. “Nghiên cứu của WHO cho thấy không có mối liên quan giữa việc thuế tăng và gia tăng buôn lậu. Chúng ta vừa tăng thuế, vừa phải tăng cường chống buôn lậu. Có thể có ngành sản xuất sẽ khó khăn, nhưng lựa chọn bảo vệ sức khỏe con người cần thiết hơn”, ĐB Nhung nói.
ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cũng đề nghị tăng thuế TTĐB với mặt hàng thuốc lá, bia cao hơn nữa. “Thuốc lá, rượu bia tạo ra nhiều bệnh khó chữa, số thuế chúng ta thu được những năm qua tuy lớn nhưng chưa đủ bù cho chi phí xã hội, chi phí khám chữa bệnh hằng năm cho những tác hại do tiêu thụ thuốc lá, rượu bia đến sức khỏe của người dân. Tăng thuế là giải pháp tốt nhất. Giảm tiêu dùng thuốc lá, rượu bia cần phải coi là một chính sách ưu tiên của Chính phủ”, ĐB Khá bày tỏ quan điểm. Theo bà, mấy năm qua, buôn lậu vẫn tăng dù thuế không tăng cho nên không có cơ sở nói thuế tăng cao thì buôn lậu tiếp tục gia tăng.
Ủng hộ giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp Nhiều ĐB ủng hộ đề xuất của Chính phủ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho các DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) nói: “Các DN trong lĩnh vực này cần hỗ trợ để nâng cao năng lực cạnh tranh”. Ông đề nghị áp thuế suất thuế TNDN 5% thay vì 10% như đề xuất của Chính phủ cho DN trong ngành trồng rừng; áp thuế 15% thay vì 17% cho những DN đầu tư ở các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn; giảm thuế thu nhập cá nhân cho các nhóm đối tượng chuyên gia vào VN trong các ngành công nghệ cao. ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cũng đề nghị giảm thuế cho các DN trong lĩnh vực nông nghiệp như giảm thuế VAT cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và phân bón như hầu hết các nước đang áp dụng hiện nay. ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) đề nghị nên miễn thuế VAT cho quảng cáo trên báo in do doanh thu của ngành báo in đang giảm mạnh, nhiều cơ quan báo in khó khăn, số đơn vị có lãi rất thấp. “Báo chí không làm kinh tế thuần túy nên cần hỗ trợ để tồn tại”, bà Trang nói. |
Hà Nguyễn
>> Đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá
>> Kiến nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, thuốc lá
>> Lo ngại hàng lậu ‘sống khỏe’ khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt
>> Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia hơi, giảm đối với xe con
>> Hạn chế nhập máy bay, siêu xe bằng thuế tiêu thụ đặc biệt
Bình luận (0)